Gỡ nút thắt thu hút FDI vào giáo dục

09:09 | 19/04/2017

Tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho NĐT nước ngoài, giúp cho họ tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam để rót vốn nhiều hơn vào lĩnh vực giáo dục, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo trong nước

Thu hút FDI, Việt Nam cần nhiều cải thiện hơn
Cơ hội thu hút FDI vào năng lượng xanh
Sách Trắng 2017: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn

Dự thảo nghị định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo nhằm khắc phục, sửa đổi những bất cập trong quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NĐT nước ngoài vào Việt Nam. Tham dự hội thảo lấy ý kiến về dự thảo nghị định do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều 18/4, đại diện DN, NĐT đã bày tỏ vui mừng vì nhiều quy định cũ đã được nới lỏng hơn nhiều so với trước đây.

Nhiều sửa đổi tiến bộ

Ông Nguyễn Xuân Vang, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngày 26/9/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2012/NĐ-CP về hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Tới nay, sau 5 năm thực hiện đã có rất nhiều bất cập nảy sinh từ thực tế, theo ghi nhận từ các đại sứ quán, cơ sở giáo dục, cũng như NĐT.

Đồng thời, một loạt các luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật DN năm 2016, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học được ban hành sau đó đã làm phát sinh nhiều vấn đề mới, tạo ra vướng mắc với việc thu hút vốn nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục. Vì vậy, việc soạn thảo một nghị định mới dựa trên nền tảng cũ của Nghị định 73 là rất cần thiết.

Ông Vang khẳng định, qua việc tiếp thu các kiến nghị từ thực tế, ban soạn thảo đã sửa đổi rất nhiều quy định “sát sườn”, gây cản trở cho hoạt động của NĐT. “Mục tiêu chúng tôi đặt ra là tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho NĐT nước ngoài, giúp cho họ tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam để rót vốn nhiều hơn vào lĩnh vực giáo dục, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo trong nước”, ông Vang nhấn mạnh.

go nut that thu hut fdi vao giao duc
Thu hút FDI vào giáo dục tạo điều kiện nâng cao chất lượng nhân lực

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Vụ Hợp tác quốc tế dẫn chứng, quy định được nhiều NĐT mong đợi sửa đổi nhất là tỷ lệ học sinh Việt Nam trong cơ sở giáo dục, đã được ban soạn thảo tiếp thu. Nghị định 73 quy định tỷ lệ này là khoảng 10-20% tuỳ vào loại hình cơ sở, nhưng với dự thảo mới, các cơ sở đào tạo tự đề xuất tỷ lệ học sinh Việt Nam theo học. Một quy định khác được nhiều NĐT đánh giá cao là cơ sở giáo dục được phép thuê cơ sở vật chất ổn định, trong khi trước đây nếu hoạt động hơn 20 năm trở lên thì họ bắt buộc phải tự đầu tư xây dựng.

Theo Vụ Hợp tác quốc tế, thủ tục hành chính để NĐT nước ngoài được hoạt động giáo dục tại Việt Nam cũng đã được đơn giản hoá ở một số loại hình. Theo quy định trước đây, tất cả các loại hình đào tạo từ bồi dưỡng ngắn hạn đến mầm non, phổ thông… đều phải xin cấp 3 loại giấy phép là giấy chứng nhận đầu tư, quyết định cho phép hoạt động giáo dục và quyết định cho phép thành lập hoặc quyết định cho phép mở phân hiệu của cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, ban soạn thảo nhận thấy với cơ sở đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn thì thủ tục có thể đơn giản hơn theo hướng bỏ bớt quyết định cho phép thành lập. Còn với các cơ sở giáo dục như mầm nom, phổ thông thì vẫn giữ nguyên theo quy định cũ.

NĐT có bớt loay hoay?

Đại diện cho cộng đồng NĐT, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc pháp chế của Apollo Việt Nam và Đại học Anh quốc cho biết, bản dự thảo nghị định này đã được sửa đổi với nhiều điểm phù hợp mong muốn của NĐT. “Điều gây ấn tượng đầu tiên là sửa đổi thủ tục hoạt động từ 6 bộ hồ sơ xuống còn 1 bộ khiến chúng tôi vô cùng vui mừng”, bà Dung chia sẻ. Vì vậy theo bà, nếu như dự thảo nghị định trước kia có tới gần 50 ý kiến đề nghị sửa đổi thì tới nay, theo đại diện của Apollo giảm xuống chỉ còn 7 điểm.

Mặc dù vậy, vẫn còn một số quy định của dự thảo nghị định chưa làm thoả lòng NĐT. Bà Huỳnh Vũ Như Thảo, luật sư của Trường Đại học RMIT Việt Nam băn khoăn, quy trình cho phép thành lập đối với các cơ sở từ giáo dục mầm non đến đại học vẫn rườm rà. Theo bà, việc cơ quan soạn thảo giảm giấy phép với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn sẽ gỡ bỏ rào cản đáng kể đối với việc gia nhập thị trường của các NĐT giáo dục nước ngoài. Tuy nhiên động thái này cần được áp dụng đồng nhất đối với tất cả cơ sở giáo dục. Theo đó, để được chính thức hoạt động, các cơ sở này chỉ cần được cấp 2 loại giấy phép thay vì 3 loại như quy định hiện hành.

Ngoài ra, đại diện của RMIT Việt Nam kiến nghị giữ mức tổng vốn đầu tư của cơ sở giáo dục đại học có vốn FDI và phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn FDI như được quy định tại Nghị định 73 là 300 tỷ đồng thay vì nâng lên 1.000 tỷ đồng như quy định mới. Bà Thảo lý giải, mức tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng có thể là rào cản đối với các NĐT giáo dục nước ngoài và không khuyến khích đầu tư thành lập các cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại các địa phương không phải là thành phố lớn của Việt Nam.

Tán thành với nhiều nội dung sửa đổi của dự thảo nghị định, song ông Phan Mạnh Hùng, Giám đốc Pháp chế của Kinderworld Việt Nam vẫn lo ngại rằng để đi được dài hơi hơn thì dự thảo nghị định còn nhiều điều cần được làm rõ. Ông Hùng phân tích, dự thảo cần phân biệt rõ ràng đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước trong lĩnh vực giáo dục. Hiện nay sự phân biệt này chưa rõ ràng, vì thế khi soạn thảo các quy định dưới nghị định thì áp trong nước sang nước ngoài, gây ra việc có quy định đáp ứng được nhưng có quy định thì không.

Bên cạnh đó, theo ông Hùng, nghị định này được xây dựng nhằm hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư, do đó tất cả các điều khoản quy định phải thống nhất với Luật Đầu tư. Tuy nhiên do yếu tố pháp lý của cơ sở giáo dục quá đặc thù, vì vậy về pháp lý pháp nhân lại là DN chịu sự điều chỉnh của Luật DN, đồng thời chịu sự điều chỉnh của Luật Giáo dục. Với nhiều ràng buộc như vậy, “đến thời điểm này nhiều trường quốc tế để hoạt động ở Việt Nam vẫn phải loay hoay với rất nhiều văn bản pháp luật”, ông Hùng lo ngại.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, luỹ kế đến hết ngày 20/3/2017, cả nước có 320 dự án FDI trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tương ứng với số vốn là 684,3 triệu USD; chiếm 1,3% tổng số dự án và chiếm 0,2% tổng số vốn FDI vào Việt Nam.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều