Hải Phòng: Ngành Logistics nhiều tiềm năng nhưng chưa được phát huy đúng mức

11:05 | 12/07/2019

Đó là nhận định của một số chuyên gia, đưa ra tại Hội nghị “Phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng - nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng”, sự kiện diễn ra sáng nay (12/7), tại Hải Phòng.

Đẩy nhanh phát triển hạ tầng logistics
Đưa logistics Việt thành ngành kinh tế mũi nhọn
Logistics và bài toán thương mại điện tử
Vẫn phải chờ các trung tâm logistics
hai phong nganh logistics nhieu tiem nang nhung chua duoc phat huy dung muc

Đưa Hải Phòng thành trọng điểm dịch vụ logistics

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết đến nay, Hải Phòng có đầy đủ các phương thức vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa và đường hàng không. Quan tọng hơn là các công trình giao thông kết nối vùng mới được hoàn thành, như Cảng quốc tế Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, đường ô tô cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, cầu Bạch Đằng sang Quảng Ninh…

Đặc biệt, ngày 7/5/2019, cảng quốc tế Hải Phòng đã đón thành công tàu biển trọng tải 132 nghìn tấn, lần đầu tiên được đánh dấu trên bản đồ hàng hải thế giới là 1 trong 20 cảng biển tiếp nhận được tàu biển siêu lớn.

“Có thể nói, Hải Phòng đã hội tụ đầy đủ các yếu tố phát ngành dịch vụ logistics, đặc biệt tại Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị năm 2019 về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 đã xác định Hải Phòng là thành phố đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước, là trọng điểm dịch vụ logistics”, ông Tùng phát biểu.

Đại diện Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, mục tiêu xuyên suốt trong quan điểm phát triển của Đảng và Nhà nước đều nhấn mạnh đến vai trò, tầm vóc và vai trò quan trọng của Hải Phòng không chỉ là đầu tàu, hạt nhân trong liên kết vùng mà còn trong phát triển bền vững, nhất là trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập rất sâu rộng hiện nay.

Hải phòng đã đi đầu và có nhiều nỗ lực để hướng đến phát triển bền vững, toàn diện. Không chỉ có ngành ưu tiên mũi nhọn cần tập trung như công nghiệp, thương mại, công nghệ cao mà Hải phòng còn tập trung xây dựng đồng bộ hạ tầng cho kết nối vùng và liên kết vùng để phục vụ cho phát triển bền vững.

“Hải Phòng đã vận dụng và triển khai mạnh mẽ Nghị quyết 45 trong thời gian qua, dựa trên lợi thế vị trí địa lý để phát triển logistics thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tiềm năng cần được phát huy hơn nữa

Thông tin thêm tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Thành cho biết, Hải Phòng là cửa ngõ của khu vực phía Bắc và cả nước, thông thương với các nước trong khu vực và thế giới. Hải Phòng có tiềm năng phát triển kinh tế xã hội to lớn và hệ thống cảng có lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất khu vực miền Bắc, đứng thứ 2 toàn quốc (sau TP.HCM), với đường bờ biển dài 125 km, hơn 400 km đường thủy nội địa, 5 cửa sông lớn là Bạch Đằng, Cửa Cấm, Lạch Tray, Văn Úc và sông Thái Bình. Bên cạnh đó, Hải Phòng còn có nhiều bến cảng với hệ thống thiết bị hiện đại, cơ sở hạ tầng đầy đủ, an toàn, phù hợp với phương thức vận tải thương mại quốc tế.

Nêu rõ hơn về vấn đề này ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, Hải Phòng là cụm cảng lớn nhất khu vực miền Bắc gồm gần 30 cảng lớn nhỏ. Trong đó có Cảng cửa ngõ Lạch Huyện cho tàu contairner hơn 10.000 DWT.

Tuy nhiên, tham luận tại hội nghị, một số ý kiến cũng cho rằng, với vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng như vậy nhưng Hải Phòng vẫn chưa phát huy được hết lợi thế đã có. Hoạt động logistics của Hải Phòng chủ yếu tập trung tại công tác vận chuyển, đưa rút hàng khỏi cảng, những khâu tạo ít giá trị gia tăng nhất trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics.

Trong đó, dịch vụ vận tải đường bộ được cung cấp bởi hàng trăm doanh nghiệp, phần lớn có quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố đã gây ra nhiều bất cập như: cạnh tranh không lành mạnh, khai thác không hiệu quả. Chi phí vận tải còn cao do tổ chức vận tải chưa hợp lý (chủ yếu bằng đường bộ, xe đa phần chạy hàng một chiều), tổ chức giao nhận, các thủ tục hành chính còn rườm rà, chất lượng dịch vụ kho bãi thấp. Chưa giảm được thời gian gom hàng, trả hàng, làm thủ tục, khiến tăng thêm về chi phí.

Đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kết nối để đưa Hải Phòng trở thành đầu mối logistics của khu vực, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải cho rằng, Hải Phòng cần đầu tư đồng bộ hạ tầng theo hướng hiện đại, thu hút doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực logistics, đẩy mạnh cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp; cùng với đó phải quan tâm thu hút, đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực logistics.

Còn ông Nguyễn Duy Minh khuyến nghị, Hải Phòng cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho một trung tâm logistics phát triển với các chính sách khuyến khích hỗ trợ hoạt động logistics như giải phóng mặt bằng, miễn giảm thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm logistics. Giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động tại trung tâm logistics mà trong nước chưa sản xuất được.

Dương Công Chiến

Tin đọc nhiều