Hợp tác đầu tư “đôi bên cùng có lợi”

12:00 | 09/09/2019

Nếu tiếp tục được quan tâm đầu tư đúng mức thì du lịch của các tỉnh, thành phố tại khu vực ĐBSCL sẽ tiếp tục “cất cánh vươn xa”.

“Thủ phủ du lịch miền Trung” bỏ ngỏ kinh tế ban đêm
Du lịch miền Trung cần một... “nhạc trưởng”

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, khi có ý định, kế hoạch đầu tư vào bất kỳ dự án thuộc lĩnh vực nào, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước cần tìm hiểu kỹ về tiềm năng của mỗi dự án, môi trường đầu tư, các chính sách ưu đãi, cũng như sự quan tâm của từng địa phương đối với nhà đầu tư, từ đó để có chiến lược, kế hoạch phù hợp trong hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch, giải trí (VH,TT,DL,GT) của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

hop tac dau tu doi ben cung co loi
Ảnh minh họa

“Đối với hoạt động đầu tư dài hạn, tầm nhìn chiến lược của các DN và nhà đầu tư luôn hướng đến tiềm năng sẵn có tại các địa phương để tiếp tục khai thác, phát huy thông qua những dự án đầu tư hiệu quả. Đồng thời, mỗi địa phương luôn mong muốn tiếp nhận thông tin để hiểu rõ hơn những yêu cầu, nguyện vọng từ phía nhà đầu tư và cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư thực hiện thành công dự án”, ông Tuấn nói.

Những năm gần đây, hạ tầng đường bộ của TP.HCM có nhiều cải thiện, kết nối với vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL qua các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và xa lộ cửa ngõ đã được đầu tư mở rộng, xây dựng nhiều cầu lớn, cầu vượt để tạo thuận lợi giao thông cho người dân và hoạt động du lịch. Hiện, du lịch là một trong 9 nhóm ngành dịch vụ mà TP.HCM ưu tiên phát triển.

Năm 2019, ngành du lịch thành phố đặt mục tiêu sẽ đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 14% so với năm 2018, khách du lịch nội địa đạt 32,77 triệu lượt, tăng khoảng 13% so với năm 2018. Trong 7 tháng đầu năm 2019, khách quốc tế đến thành phố đạt 4,8 triệu lượt người, tăng 11,45% so với cùng kỳ năm 2018.

TP. HCM đang tích cực mời gọi đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng và sản phẩm du lịch tiềm năng như du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch đường thủy, sinh thái nông nghiệp và đặc biệt là du lịch MICE, song song đó thu hút đầu tư cho hạ tầng VH,TT,DL,GT đang là một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, TP. HCM có 239 dự án đang mời gọi đầu tư, trong đó có 51 dự án thuộc các lĩnh vực VH,TT,DL,GT với tổng nhu cầu vốn là 39.933 tỷ đồng (tương đương hơn 1.810 triệu USD). Nhóm lĩnh vực văn hoá, thể thao có 37 dự án với tổng nhu cầu vốn 37.223 tỷ đồng (tương đương hơn 1.690 triệu USD), lĩnh vực du lịch, giải trí với 14 dự án với tổng nhu cầu vốn 2.710 tỷ đồng (tương đương hơn 123 triệu USD).

Bà Tạ Thị Cẩm Vinh, Phó tổng giám đốc CTCP Dịch vụ Du lịch Bến Thành cho biết, TP.HCM và ĐBSCL là thị trường trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh doanh của công ty. Khu vực ĐBSCL có tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn, du lịch biển thu hút du khách Việt Nam và quốc tế. Hiện nay, 1/3 sản phẩm du lịch nội địa của công ty được thiết kế dựa trên chất liệu là các danh thắng, sự kiện văn hóa của ĐBSCL. Ở lĩnh vực inbound, hơn 70% du khách quốc tế tìm đến BenThanh Tourist có nhu cầu đến thăm các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và Cần Thơ.

Nhận thấy tiềm năng phát triển to lớn của khu vực này, BenThanh Tourist quyết định đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái Bến Thành Vinh Sang. Đây là Khu du lịch đối diện với TP.Vĩnh Long bên kia sông, điều kiện địa hình rất thuận lợi để phát triển các hoạt động giải trí trên nước, vườn cây trái điển hình miền Tây Nam bộ, khu bảo tồn giới thiệu nhiều loài chim thú, nhà hàng, khách sạn.

Công ty thay đổi, cải thiện môi trường xung quanh, đổi mới cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các dịch vụ giải trí tại đây nhằm đem tới cho Bến Thành Vinh Sang một diện mạo hoàn toàn mới, một điểm đến hấp dẫn dành cho du khách nội địa và quốc tế.

Bên cạnh nhu cầu có được môi trường đầu tư kinh doanh tốt cùng những chính sách hỗ trợ DN thiết thực, hiệu quả, điều mà nhiều DN đang trăn trở là việc bảo vệ môi trường ở khu vực ĐBSCL. Bảo vệ môi trường sống, cảnh quan thiên nhiên là yếu tố tiên quyết để phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Hiện tượng gây ô nhiễm nguồn nước, xả rác bừa bãi vẫn diễn ra trên rất nhiều địa phương trên khắp các tỉnh trong khu vực, ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thống sông ngòi gần nơi dân sinh sống và các khu du lịch phát triển, về lâu dài sẽ phá hủy cảnh quan du lịch, một trong chất liệu chính để tạo sản phẩm, dịch vụ thu hút du khách.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, nếu tiếp tục được quan tâm đầu tư đúng mức thì du lịch của các tỉnh, thành phố tại khu vực ĐBSCL sẽ tiếp tục “cất cánh vươn xa”. Với phương châm mến khách, trọng đối tác, thấu hiểu đối tác, mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với TP. HCM và trên cả nước, với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, với các tổ chức quốc tế, địa phương khu vực ĐBSCL luôn chào đón và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu, hợp tác trên tinh thần “đôi bên cùng có lợi”.

Tuyết Thanh

Tin đọc nhiều