Khai thác dịch vụ phải đầu tư thực chất

09:24 | 14/12/2016

Việc đầu tư dịch vụ để tăng nguồn thu là điều mà NH nào cũng mong muốn song không phải NH nào cũng gặt hái được thành công.

Đưa dịch vụ ngân hàng vào giáo dục
Hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao tiếp cận dịch vụ ngân hàng
Điểm sáng về phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng

Chưa thể lấy thu bù chi

Sau nhiều năm đầu tư nâng cao sản phẩm dịch vụ NH nhưng đến nay nhiều NH vẫn chưa thể cải thiện được nguồn thu hoạt động dịch vụ, thậm chí có những NH “lỗ nặng” ở mảng này.

Đơn cử, trong 3 quý đầu năm 2016, ngoại trừ một vài NH có thể duy trì tăng trưởng so với cùng kỳ, song nếu tính tỷ trọng trong tổng thu nhập của mảng này thì không đáng kể. Ví dụ, so với cùng kỳ Techcombank đạt 911,3 tỷ đồng, tăng 12%; VIB 167 tỷ đồng, tăng 40%; Eximbank duy trì ở mức 219 tỷ đồng; NamA Bank chỉ đạt 14,7 tỷ đồng. VPBank rơi vào nhóm NH có tỷ trọng giảm 5% so với cùng kỳ. Những NH như LienVietPostBank lỗ 212 tỷ đồng, VietABank lỗ 4,3 tỷ đồng...

khai thac dich vu phai dau tu thuc chat
Dù không đạt được kỳ vọng ở lĩnh vực thu dịch vụ, nhưng các NH không thể đi ngược với xu thế đầu tư này

Những NH lớn tỷ lệ tăng trưởng dịch vụ vẫn có song tỷ trọng trong tổng thu nhập trên từng NH không lớn, thậm chí có xu hướng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Chẳng hạn, dịch vụ hoạt động của Vietcombank 9 tháng chiếm 11,59% tổng thu nhập thuần, giảm so với mức 12,65% cùng kỳ năm trước. Tương tự, BIDV giảm từ 10,67% xuống 8,84%; VietinBank giảm từ 7,32% xuống 6,95%...

Một lãnh đạo BIDV chi nhánh Bình Chánh (TP.HCM) cho rằng, việc đầu tư dịch vụ để tăng nguồn thu là điều mà NH nào cũng mong muốn song không phải NH nào cũng gặt hái được thành công. Có nhiều lý do để các NH chưa thể lấy “thu bù chi” ở mảng này, trong đó đáng kể nhất là dịch vụ thẻ.

Tính đến nay, mỗi NH đều có thể đưa ra con số báo cáo là đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào việc phát hành thẻ, máy ATM, hệ thống CNTT để đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ. Tuy nhiên, việc thu phí từ các giao dịch thẻ luôn gặp phải phản ứng gay gắt từ phía người tiêu dùng.

Vị này cho biết thêm, mỗi năm số người sử dụng thẻ tăng lên. Nếu năm 2011, doanh số sử dụng đạt hơn 724.000 tỷ đồng và doanh số thanh toán hơn 895.000 tỷ đồng, thì đến năm 2015 các con số này lần lượt 1.637.000 tỷ đồng và 1.685.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 126% và 88%.

Sự tăng trưởng về doanh số sử dụng thẻ buộc các NH liên tục phải đầu tư đa dạng hóa nâng cấp các loại thẻ lên mức hiện đại nhất nhưng nguồn phí thu từ thẻ không tăng được như kỳ vọng. Điều này gây ra tổn thất khá lớn cho các NH có mục tiêu đầu tư dịch vụ tiện ích để bán.

Chủ yếu quảng bá hình ảnh

Theo một lãnh đạo NamA Bank, với mục tiêu phát triển thành NH bán lẻ dịch vụ hiện đại, thời gian qua NH này đầu tư hàng triệu USD để nâng cấp hệ thống CNTT. Trong đó, sự việc đáng nhớ nhất là cách đây 2 năm, NH bỏ hơn 700 tỷ đồng đầu tư hệ thống CNTT để người dân TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng đã có thể truy cập Internet miễn phí để quảng bá dịch vụ NH tại các điểm công cộng như công viên, nhà văn hóa, quảng trường… do NamA Bank cung cấp.

Mục đích NamA Bank phát wi-fi miễn phí để người dân khi dò tìm wi-fi của NamA Bank, cung cấp thông tin cá nhân như email, điện thoại, sau đó mật khẩu truy cập wi-fi sẽ được gửi về cho người sử dụng.

Theo vị lãnh đạo NH, chi phí đầu tư không nhiều nhưng công tác bảo trì thì khá mệt. Điều này chứng tỏ số tiền đầu tư ban đầu sẽ phải nhân lên theo cấp số nhân nhưng kết quả đạt được không nhiều như mong muốn. Đó là người dân trong nước khá thờ ơ, số khác cung cấp thông tin email, số điện thoại không đúng sự thật… thế nên, đến nay không ít NH còn không đạt được cả mục tiêu cơ sở dữ liệu cá nhân của khách hàng để hướng đến chiến lược trở thành NH bán lẻ.

Tỷ lệ lợi nhuận từ dịch vụ trên tổng thu nhập lãi thuần tăng trưởng của Sacombank trong quý III đến 27%, nhưng một lãnh đạo NH này chia sẻ nếu so nguồn thu với mức đầu tư thì không đáng vào đâu. Trong đó, có nhiều dự án NH nghĩ rằng sẽ thu được ít nhiều kết quả. Chẳng hạn như NH đã quyết định đầu tư gần 9 tỷ đồng để xây dựng 11 nhà vệ sinh công cộng tiêu chuẩn 4-5 sao tại TP.HCM. Máy ATM của NH cũng được đặt tại các địa điểm này. Thế nhưng, tỷ lệ người sử dụng máy ATM tại các điểm nêu trên không nhiều…

Một Phó tổng giám đốc Sacombank cho hay, tính đến nay, hoạt động dịch vụ của NH thông thường được ghi nhận từ dịch vụ bao thanh toán, gồm thu từ phát hành tín dụng thư (L/C), thanh toán quốc tế đối với DN và các loại phí cho thẻ ATM, thẻ thanh toán quốc tế, chuyển tiền… đối với các khách hàng cá nhân. Đồng thời ghi nhận từ hoạt động ngân quỹ, tư vấn, ủy thác và đại lý, dịch vụ kiều hối...

Qua tìm hiểu của người viết, các khoản thu này không phải NH nào cũng có thể khai thác được. Thế nhưng, các NH vẫn đang quyết tâm bám trụ chiến lược đầu tư trở thành NH bán lẻ để thu hút sự chú ý của khách hàng, trong bối cảnh kinh doanh tín dụng ngày càng khó khăn.

Theo TS. Bùi Quang Tín, giảng viên trường Đại học NH TP.HCM, dù không đạt được kỳ vọng ở lĩnh vực thu dịch vụ, nhưng các NH không thể đi ngược với xu thế đầu tư này. Bởi đây không chỉ là chiến lược đơn lẻ mà còn là chủ trương, mục tiêu phấn đấu của cả Chính phủ. Có điều, để cải thiện tình hình, thời gian tới đây, bên cạnh việc kỳ vọng người dân thay đổi thì các NH cần có thêm nhiều sách lược hơn, bổ trợ cho hình thức kinh doanh này. Điều này có nghĩa các NH cần luôn có ý thức “làm mới” mình để đáp ứng nhu cầu hội nhập thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, ứng dụng công nghệ hiện đại.

Nhằm đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh trong thời kỳ mới, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ theo hướng kết hợp việc đẩy mạnh những sản phẩm dịch vụ truyền thống đồng thời khai thác phát triển những sản phẩm mới như các sản phẩm phái sinh, tăng cường thu hút nguồn kiều hối trên cơ sở phối hợp với các công ty xuất khẩu lao động, các công ty dịch vụ kiều hối, tổ chức chuyển tiền ở nước ngoài, các NH đại lý nước ngoài... NH cần có chính sách khai thác và tạo điều kiện thuận lợi phát triển dịch vụ chuyển kiều hối qua hệ thống NH; triển khai dịch vụ quản lý tài sản, ủy thác đầu tư, cung cấp thông tin và tư vấn cho khách hàng.

Quỳnh Vũ

Tin đọc nhiều