Khó có dự án lớn từ Nhật

09:01 | 25/02/2015

Trong mắt NĐT Nhật Bản, nhìn chung môi trường đầu tư của Việt Nam tuy đã được cải thiện đôi chút song vẫn rơi vào mức độ rủi ro cao.

66% DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi đây là địa điểm đầu tư quan trọng. Tuy nhiên, kết quả này không hoàn toàn đáng mừng. Bởi trong mắt NĐT Nhật Bản, nhìn chung môi trường đầu tư của Việt Nam tuy đã được cải thiện đôi chút song vẫn rơi vào mức độ rủi ro cao.

kho co du an lon tu nhat
Ảnh minh họa

Những rủi ro này được Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) chỉ ra tại Lễ công bố Khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN Nhật Bản tại Việt Nam, tổ chức vừa qua. Trong số những rủi ro hàng đầu, khoảng 60% số DN khảo sát lựa chọn vấn đề hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành không minh bạch, chiếm tỷ lệ lớn nhất. Nhìn rộng ra, tỷ lệ này khiến Việt Nam rơi vào vị trí thứ 3 về độ rủi ro của hệ thống pháp luật, trong số 15 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương được khảo sát.

Ngoài ra, hơn một nửa số DN nhận định vấn đề rủi ro khác là chi phí nhân công tăng vọt; thủ tục hành chính phức tạp; chính sách, thủ tục thuế phức tạp. Về cơ sở hạ tầng, NĐT đánh giá yếu tố này của Việt Nam đang dần được cải thiện, khi tỷ lệ DN đánh giá về độ rủi ro của yếu tố này là 42,2%, rơi vào vị trí thứ 9 và có cải thiện so với tỷ lệ 49,5% của năm 2013. Với các vấn đề rủi ro trong kinh doanh, Việt Nam vẫn thuộc tỷ lệ cao khi có hơn 70% DN trả lời chi phí nhân công tăng và sự khó khăn trong thu mua nguyên vật liệu, linh kiện tại nước sở tại cũng chưa có cải thiện đáng kể.

Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội dẫn kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam đạt 33,2%, chỉ tăng 1 điểm % so với năm trước. Tỷ lệ này cao hơn Philippines (28,4%) nhưng còn thấp hơn Trung Quốc (66%), Thái Lan (55%), Indonesia (43%), Malaysia (41%).

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý cơ cấu DN cung cấp nguyên phụ liệu và linh phụ kiện cho DN Nhật Bản gồm 3 phần tỷ lệ: DN bản địa, DN Nhật đầu tư tại Việt Nam và DN nước ngoài khác đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, tỷ lệ cung cấp của DN bản địa hiện chiếm 43,5%, tăng 2,5 điểm % so với năm trước.

Như vậy, khi tính cụ thể ra thì tỷ lệ cung cấp linh phụ kiện của các DN bản địa mới chỉ đạt 14,4%. Điều này cho thấy sức cạnh tranh của Việt Nam ở yếu tố này còn thấp, bởi tỷ lệ nội địa hoá do các DN bản địa Trung Quốc thực hiện được là 38,2% và Thái Lan là 23,2%.

Bên cạnh đó, ngoài DN bản địa và DN Nhật Bản tại Việt Nam, hầu hết linh phụ kiện được cung cấp từ các DN Đài Loan đang đầu tư tại Đài Loan. Vì vậy, JETRO khuyến cáo, để nâng cao sức cạnh tranh về giá thành sản xuất của các DN Nhật Bản tại Việt Nam thì gia tăng tỷ lệ cung cấp của DN bản địa Việt Nam là rất quan trọng.

Ông Atsusuke Kawada cũng cho biết, NĐT Nhật Bản đánh giá lợi thế về môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn nằm ở nguồn lao động giá rẻ. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 15 quốc gia được cho là có nguồn lao động giá rẻ. Hơn một nửa số DN đánh giá cao về tình hình chính trị, xã hội ổn định.

Khi tập hợp ý kiến của DN Nhật Bản về khuyến nghị cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, đại diện JETRO cho biết đa phần ý kiến phản ánh rằng cần tập trung cải thiện hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính. Theo đó, hệ thống pháp luật chưa được hoàn thiện, trước khi đưa ra quy định pháp luật chưa được nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng; nội dung mơ hồ và vận dụng không nhất quán.

Liên quan đến thanh tra thuế, việc Việt Nam áp dụng các quy định truy thu, hồi tố quá dài và phức tạp làm mất thời gian và chi phí kinh doanh của NĐT. Về thủ tục hành chính, DN than phiền vẫn có lệ phí không chính thức với thủ tục hải quan. Thời gian sửa đổi và gia hạn giấy chứng nhận đầu tư không rõ ràng, đặc biệt trong dịch vụ và thương mại các tiêu chí không rõ ràng. Về thuế, các quy định thay đổi quá nhanh (thuế nhà thầu nước ngoài), giải thích về quy định pháp luật của cán bộ phụ trách không nhất quán, thủ tục xin hoàn thuế GTGT phiền hà và rất chậm trễ.

Với các yêu cầu cải thiện như vậy, NĐT Nhật Bản kỳ vọng hội nhập quốc tế sẽ thúc đẩy quá trình cải cách các thủ tục hành chính hiện nay. Cụ thể là 69,6% số DN trả lời là kỳ vọng khi hội nhập thì thủ tục thông quan được đơn giản hoá. Tiếp theo là hệ thống thuế, bãi bỏ hàng rào nhập khẩu và thống nhất về cách giải thích cũng như vận dụng về quy định xuất xứ.

Về xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian qua đang giảm dần, ông Atsusuke Kawada giải thích, số vốn đầu tư giảm do xu thế dự án đang dịch chuyển sang quy mô nhỏ và vừa. Số vốn đầu tư dự án khoảng 5 triệu USD, chiếm khoảng 85%, do đó thời gian tới khó kỳ vọng có dự án lớn. Ông cho biết xu hướng này xảy ra chủ yếu do gần đây đồng Yên Nhật Bản giảm, do đó dự án quy mô lớn ra nước ngoài cũng sẽ giảm vì lý do này.

Ngọc Khanh

Tags: #đầu tư
Tin đọc nhiều