Khơi dòng vốn ngoại vào giáo dục

09:34 | 06/02/2017

Năm 2017, tổng số vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo dự kiến sẽ tăng mạnh sau khi nghị định mới về hợp tác giáo dục của nước ngoài được ban hành

Bất động sản hút vốn ngoại
Dòng vốn ngoại năm 2016 nhiều biến động
Hút vốn ngoại vào khu công nghiệp

Dạy học trực tuyến hút nhà đầu tư

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kết thúc năm 2016, tổng số dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt 70 dự án, tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 47 triệu USD.

Điểm nổi bật nhất trong hoạt động đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục là các địa phương đã thu hút được khá nhiều mô hình hợp tác theo hướng “đào tạo kiểu mới”, ứng dụng công nghệ hiện đại, áp dụng phương pháp dạy - học trực tuyến (e-Learning) để mở rộng phạm vi và quy mô.

khoi dong von ngoai vao giao duc
Dạy học trực tuyến đang thu hút mạnh cả nhà đầu tư và người học

Điểm qua một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM có thể thấy xu hướng hợp tác “đào tạo kiểu mới” đang khá hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, trong năm 2016, Tập đoàn Chungdahm của Hàn Quốc đã hợp tác với CTCP Tập đoàn Giáo dục Egroup để mở ra hệ thống đào tạo tiếng Anh tại Hà Nội và các thành phố lớn. Phía Chungdahm cam kết đầu tư 10 triệu USD để phát triển dự án này nhằm xây dựng một chương trình học tiếng Anh cho trẻ em từ 6-14 tuổi bằng phương pháp học vừa kết hợp trực tuyến vừa ứng dụng thực tiễn.

Trước đó, nhà đầu tư Chungdahm cũng đã khá thành công với dự án Apax English. Bởi chỉ sau một năm khai trương tại Hà Nội, 15 cơ sở đào tạo của Chungdahm và Egroup đã thu hút trên 12.000 học viên và chỉ trong 6 tháng cuối năm 2016, liên doanh này mở thêm 3-4 cơ sở tại TP.HCM thu hút thêm hàng ngàn người học.

Mới đây hơn, Tập đoàn Dongsim (cũng của Hàn Quốc) đã ra mắt sản phẩm “Khoa học diệu kỳ” dành cho trẻ từ 3-5 tuổi. Ngay lập tức dự án giáo dục mầm non của Dongsim nhận được sự hợp tác nhiệt tình từ các cơ sở đào tạo trong nước. Theo đó, tại Hà Nội hàng loạt các cơ sở như: trường mầm non Vườn Trẻ Thơ, trường mầm non Mặt Trời Sáng, Công ty TNHH TM-DV giáo dục trực tuyến EDO… đã ký kết hợp tác với đối tác này để phát triển sản phẩm giáo dục mầm non hiện đại từng được thực hiện thành công tại Hàn Quốc và Trung Quốc.

Theo phân tích của TS. Trương Tiến Tùng, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội, xu hướng hợp tác liên kết đào tạo theo mô hình dạy học trực tuyến đang ngày càng trở thành xu hướng được đông đảo người học quan tâm. Vì vậy trong các năm tới hoạt động đầu tư của các tập đoàn giáo dục nước ngoài vẫn sẽ tập trung vào hướng xây dựng các sản phẩm giáo dục theo mô hình trực tuyến, liên kết với các cơ sở đào tạo trong nước. Bên cạnh đó, ở trong nước các tập đoàn kinh tế lớn cũng sẽ đầu tư mạnh mẽ vào các dự án dạy học trực tuyến của các công ty khởi nghiệp.

Pháp lý đầu tư sẽ nhiều “cởi mở”

Quan sát từ thực tế nhiều dự báo cho rằng, những tháng đầu năm 2017 việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào các chương trình giảng dạy và đào tạo sẽ phát triển rất mạnh, đặc biệt là mảng ứng dụng trên thiết bị di động.

Trong quý I/2017 rất có thể dự án SK Telecom của Tập đoàn SK (Hàn Quốc) sẽ là dự án “xông đất” cho mảng đầu tư nước ngoài vào giáo dục Việt Nam với chương trình trường học dạy lập trình bằng robot thông minh. Các dự án dạy tiếng Anh theo công nghệ mới của Chungdahm, hệ thống dạy học hiện đại Bigschool (của CTCP trường học lớn Việt Nam), Đại học trực tuyến FUNiX (thuộc FPT Education)… sẽ tiếp tục là những cơ sở thu hút đông đảo người học và mở rộng hợp tác đầu tư.

Trên cơ sở thực tiễn, các chuyên gia lĩnh vực giáo dục dự báo rằng năm 2017 các hình thức hợp tác xã hội hóa trong giáo dục và đào tạo sẽ nở rộ. Bởi giữa tháng 1 vừa qua, Bộ GD&ĐT và WB đã khởi động dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông với tổng kinh phí 80 triệu USD (trong đó vốn vay ODA là 77 triệu USD).

Khi dự án này đi vào thực tiễn, chương trình giáo dục phổ thông sẽ có nhiều đổi mới, chú trọng vào kỹ năng của người học. Từ đó việc phối hợp, hợp tác đào tạo theo nhu cầu cũng sẽ được các nhà đầu tư, DN ngành giáo dục quan tâm, rót vốn để tạo dựng các cơ sở đào tạo tư nhân hoặc liên kết.

Trong khi đó, đứng từ góc độ pháp lý đầu tư, hiện nay Bộ GD&ĐT đã soạn thảo xong nghị định mới, thay thế cho Nghị định 73/2012 về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Trong dự thảo nghị định mới này, nhiều quy định về quy trình thành lập, điều kiện đầu tư và cơ sở vật chất tối thiểu được nới lỏng, cởi mở.

Chẳng hạn, theo quy định hiện nay tất cả các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đều phải trải qua 3 bước xin phép thành lập. Tuy nhiên, với quy định mới, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, trường mầm non, phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài thành lập thì chỉ cần trải qua 2 bước là có thể thành lập. Hay về điều kiện đầu tư, trước đây, các nhà đầu tư buộc phải bỏ tiền để xây dựng cơ sở vật chất trong khi chưa biết cơ sở mở ra có hiệu quả hay không.

Nhưng theo quy định mới, các nhà đầu tư không cần đầu tư xây dựng mà có thể thuê lại cơ sở vật chất trong thời hạn là tối thiểu 5 năm. Bên cạnh đó, nghị định mới cũng cho phép nhà đầu tư nước ngoài được phép góp vốn, mua cổ phần, nhận chuyển nhượng quyền đầu tư của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoặc vốn đầu tư trong nước đã được thành lập ở Việt Nam.

Với những động thái nêu trên, năm 2017 kỳ vọng đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đào tạo tại Việt Nam sẽ có nhiều bứt phá. Đây cũng sẽ là cơ hội để các DN Việt hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cho ra đời những sản phẩm phù hợp và thiết thực với môi trường Việt Nam để hợp tác và cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên thế giới đang tích cực bỏ vốn vào hàng trăm các dự án giáo dục thế hệ mới.

Thạch Bình

Tin đọc nhiều