Không giao DN về SCIC: Trước vì lợi ích, sau vì sân sau?

12:00 | 22/02/2017

Chậm chuyển giao DN về cho SCIC là vấn đề của cả nền kinh tế, của tái cơ cấu tổng thể, chứ không phải của riêng SCIC

SCIC bán vốn nhà nước thu về 16.112 tỷ đồng
SCIC thoái vốn tại CTCP Đầu tư và Phát triển Miền Trung
SCIC tiếp tục chào bán bất thành cổ phiếu Maritime Bank

Từ năm 2013, Chính phủ đã quyết chuyển 234 DN do các bộ và địa phương làm đại diện vốn Nhà nước tại DN này về cho Tổng công ty Quản lý và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý. Từ đó, Chính phủ đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo thúc giục các bộ, địa phương và DN thực hiện việc chuyển giao nhưng cho đến nay, vẫn còn tới 173 DN chưa được thống nhất chuyển giao. Các bộ, địa phương và SCIC đã thống nhất về danh sách chuyển giao 61 DN và Thủ tướng đã chỉ đạo thực hiện chuyển giao các DN này trước quý I/2017. Tuy nhiên, đến nay công việc vẫn chưa hoàn thành.

khong giao dn ve scic truoc vi loi ich sau vi san sau
1.216.106 cổ phần tại CTCP Đầu tư Phát triển miền Trung được SCIC chào bán đấu giá

Không chuyển giao vì… không muốn!

“Nhiều bộ, UBND tỉnh, thành phố chưa quan tâm đúng mức và chỉ đạo sát sao việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại DN về SCIC. Một số bộ và địa phương trì hoãn việc chuyển giao hoặc chỉ chuyển giao một số ít DN trên tổng số DN thuộc đối tượng chuyển giao”, ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó tổng giám đốc SCIC cho biết.

Theo ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Phản ánh từ thực tế cho thấy vẫn có hiện tượng một số bộ, ngành và địa phương trì hoãn và không muốn chuyển giao vì những DN đó đang “phục vụ cho sự phát triển của địa phương”. Đã vậy, nhiều trường hợp DN tranh thủ bán bớt vốn Nhà nước tại các công ty con, công ty liên kết, trước khi bàn giao về SCIC cho dù Thủ tướng đã chỉ đạo “không được bán”. Một số địa phương thành lập tổng công ty, nhóm công ty mẹ - công ty con để quản lý DN nhằm tránh phải chuyển về SCIC. Ngược lại, có ý kiến phản ánh SCIC không muốn tiếp nhận các DN có tình hình SXKD không thuận lợi.

Bộ Công Thương hiện có 8 DN chưa thực hiện chuyển giao, đại diện Ban Đổi mới DN của bộ nêu nguyên nhân “chậm là do vướng mắc nhiều cơ chế, chính sách”. Ví như Tổng công ty Thép Việt Nam đã cổ phần hoá (CPH) năm 2008 đến nay chưa quyết toán CPH vì các đơn vị thành viên có nhiều đất đai, gặp vướng mắc trong xử lý tài chính.

Điển hình cho kiểu làm “sáng tạo” để không phải giao DN về cho SCIC là Hà Nội. Địa phương này có 39 DN thuộc đối tượng chuyển giao, nhưng “thành phố đã xây dựng chính sách tài chính đặc thù theo Luật Thủ đô nên không chuyển giao các DN nói trên về SCIC nữa”.

Nhiều sự thật phía sau sự chậm trễ được chỉ thẳng ra với những nguyên nhân mà các bộ và địa phương lý giải, tựu trung lại là do “quy định đang vướng, nhiều vấn đề của DN chưa được giải quyết”…

Còn SCIC thì kể khổ: SCIC đã tiếp nhận hơn 1.000 DN, nhưng tổng giá trị hơn 9.900 tỷ đồng (theo giá thị trường là 15.000 tỷ đồng), chỉ bằng 1% tổng số vốn Nhà nước tại DN. Hơn 80% trong số các DN này lúc được bàn giao thuộc loại kém hiệu quả và 7% thuộc diện kiểm soát đặc biệt, thua lỗ. Phần lớn trong số 1.000 DN được chuyển giao trong giai đoạn 2006-2008. Từ đó đến nay, số DN SCIC tiếp nhận được rất ít, dù Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo SCIC chủ động đôn đốc.

Khẳng định SCIC đã làm tốt nhiệm vụ là người đại diện và quản lý vốn Nhà nước tại DN, ông Hiển cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận, SCIC đã áp dụng hệ thống quản trị DN tiên tiến; phân loại DN thành các nhóm; A: DN hoạt động hiệu quả, B: DN hoạt động chưa hoặc không hiệu quả, C: DN khó khăn và DN thua lỗ thuộc diện kiểm soát đặc biệt… từ đó SCIC có phương án quản trị, tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.

SCIC chủ động xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu DN; nghiên cứu, tham gia quyết định các phương án kinh doanh của DN; đầu tư thêm vốn vào các DN kinh doanh có hiệu quả, qua đó tạo ra giá trị gia tăng cho vốn Nhà nước; tập trung xử lý tồn tại của các DN thuộc danh mục quản lý... Qua hơn 10 năm hoạt động, đa số các DN do SCIC tiếp nhận bàn giao sau khi được tái cơ cấu với sự tham gia tích cực của SCIC đều có kết quả sản xuất kinh doanh tốt.

Nếu không làm thì cách chức

Chẳng né tránh, PGS-TS. Dương Đăng Huệ - nguyên Vụ trưởng Vụ Dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp thẳng thắn chỉ ra “Chính phủ giao nhưng bộ và địa phương không làm bởi phía trước là lợi ích, phía sau là sân sau. Hai nữa là do thiếu chế độ kỷ luật hành chính, không làm không phải chịu trách nhiệm pháp lý”. Ông Huệ đề xuất là Chính phủ phải ra nghị quyết và yêu cầu Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh cam kết thực hiện. Nếu không làm thì cách chức.

Ông Hiếu cũng khẳng định quy phạm pháp luật về chế tài xử lý chưa đầy đủ và thiếu rõ ràng, nên không tạo được áp lực để các bên có liên quan phải thực hiện quyết liệt như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Còn TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM cho rằng, vướng về quy định là có nhưng không phải là nguyên nhân cơ bản. Ông khẳng định trên nền quy định pháp luật hiện tại, vẫn có thể chuyển giao được nếu tích cực chủ động thực hiện. Ông khẳng định nguyên nhân chính là tư tưởng chưa muốn làm và kỷ cương kỷ luật chưa nghiêm. “Sự chậm trễ chuyển giao là biểu hiện sự giằng xé về lợi ích. Nó cho thấy vì sao tái cơ cấu nền kinh tế chậm chạp.Chậm chuyển giao DN về cho SCIC là vấn đề của cả nền kinh tế, của tái cơ cấu tổng thể, chứ không phải của riêng SCIC”. Theo ông, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt, quy định vướng thì sửa.

Ông khẳng định “làm được việc chuyển giao này là tốt cho xã hội, tốt cho nền kinh tế, thúc đẩy cải cách và phát triển của Việt Nam”. Ông cho biết CIEM và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có báo cáo, phân tích rất trực diện, thẳng thắn thực trạng chậm trễ này với các nguyên nhân khách quan và chủ quan, đề xuất cách thức tiến hành khắc phục, phân định rõ việc nào làm trước, việc nào làm sau, khi nào làm và thời hạn thực hiện rõ ràng.

Linh Đan

Tin đọc nhiều