Kiểm soát lương lãnh đạo DNNN: Chốt chặn nào phù hợp?

09:17 | 29/05/2015

Kiểm soát thu nhập cần nhìn trong dài hạn.

kiem soat luong lanh dao dnnn chot chan nao phu hop
Ảnh minh họa

Thu nhập của cấp lãnh đạo, quản lý tại các DNNN sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Đó là mục đích của dự thảo Nghị định Quy định quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra lấy ý kiến mới đây.

Theo tinh thần của dự thảo, mức lương bình quân của cấp quản lý sẽ được phân chia theo lợi nhuận kế hoạch. Lương, thưởng tỷ lệ thuận với lợi nhuận, đồng nghĩa DN hoạt động càng hiệu quả thì thu nhập của lãnh đạo càng tăng và ngược lại. Đồng thời, mức lương bình quân của người quản lý cũng được tính căn cứ trên lương bình quân của lao động, theo mức cao hơn từ 5-9 lần. Điều này nhằm đảm bảo khoảng cách thu nhập không quá xa giữa người lao động và các cấp lãnh đạo DN.

Dự thảo cũng đặt ra “chốt chặn” để tránh tình trạng lãnh đạo DN tự tính vống cho mình mức lương “trên trời”. Cụ thể, nếu công ty có lợi nhuận kế hoạch dưới 500 tỷ đồng thì mức lương của người quản lý không quá 80 triệu đồng/tháng. Tương ứng, với lợi nhuận kế hoạch từ 500 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng, từ 1.000 tỷ đồng đến dưới 2.000 tỷ đồng và từ 2.000 tỷ đồng trở lên, thì mức lương bình quân của người quản lý tăng thêm tối đa lần lượt không quá 5 triệu đồng, 15 triệu đồng và 20 triệu đồng. Với các quy định như vậy, mức lương bình quân của người quản lý DN không được vượt quá 100 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc ấn định mức lương cụ thể như dự thảo nghị định lại có nguy cơ trở thành “mua dây buộc mình”. Một số quy định quá chặt chẽ đến mức có thể chưa thực đúng với sự vận động của thị trường lao động.

Một chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích, những mức lợi nhuận và mức lương tương ứng mà dự thảo đưa ra có phần thiếu bằng chứng, lập luận cụ thể. Với kịch bản, nếu năng suất tốt, lợi nhuận cao thì được tăng lương và ngược lại, theo vị này cũng là chưa hợp lý. Bởi trên thực tế, nhất là trong ngắn hạn, thì năng suất lao động cũng chưa chắc cùng chiều kết quả kinh doanh. Có khi năng suất tăng lên nhưng kết quả kinh doanh vẫn dậm chân tại chỗ, vì lợi nhuận còn phụ thuộc nhiều yếu tố thị trường bên ngoài khác. Vì vậy, việc quy định cứng như dự thảo trong chừng mực nào đó có thể gây thiệt thòi vì chưa thể đánh giá đúng đóng góp của lãnh đạo DN.

Cũng theo vị này, mức thu nhập cứng đặt ra trong bối cảnh kinh tế thị trường biến động từng ngày, sẽ nhanh chóng trở thành thiếu cập nhật và kém hấp dẫn người lao động. Đặc biệt đối với các vị trí như giám đốc điều hành, kế toán… đều là các vị trí thuê ngoài, không kiêm nhiệm, các chức danh này đòi hỏi kỹ năng cao, phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường, phải cạnh tranh với DN tư nhân, DN nước ngoài. Do đó mức lương phải thay đổi để đủ sức hấp dẫn nhằm giữ chân những nhân lực này.

“Trong đội ngũ quản lý chỉ cần quy định chặt mức lương của người đại diện chủ sở hữu Nhà nước để tạo động lực, gắn trách nhiệm với lợi ích, những vị trí còn lại phải mang tính thị trường. Vấn đề này mới là nhu cầu lớn trong cải cách DNNN sắp tới”, chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư bình luận.

Với khung quy định chặt của dự thảo nghị định, nhiều ý kiến đánh giá, đã thể hiện sự can thiệp hơi quá sâu. Điều này dường như mâu thuẫn với tinh thần Nhà nước chỉ tạo ra khung quản lý, còn lại để cho DN tự chủ, vận hành theo đúng quy luật của kinh tế thị trường.

Khanh Đoàn

Tags: #lương
Tin đọc nhiều