Cần đổi mới kiểm tra chuyên ngành | |
Khổ vì kiểm tra chuyên ngành | |
Khi hàng hóa bị kiểm quá nhiều |
DN “chịu trận” hải quan cũng khổ
Quý III/2017 sắp đi qua, song vẫn chưa có bộ quản lý chuyên ngành nào hoàn thiện Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành (KTCN) tại khâu thông quan, trong khi Thủ tướng Chính phủ hạn chót để ban hành danh mục là trong quý I/2017.
Hồi tháng 6, đích thân Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã có ý kiến chỉ đạo về việc rà soát bất cập trong quy định về thủ tục, giấy tờ kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tổng cục Hải quan đã nhiều lần đưa ra khuyến nghị thúc giục các bộ quản lý chuyên ngành, trong đó lưu ý nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều rào cản trong hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, gây ra nhiều cản trở đối với DN.
Kiểm tra chuyên ngành chồng chéo gây nhiều gánh nặng cho DN |
Báo cáo rà soát về thủ tục KTCN của Bộ Tài chính cho biết có những mặt hàng xuất nhập khẩu hiện đang phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, nhiều chứng từ KTCN. Mặt hàng phải kiểm tra quá rộng. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, các danh mục hàng hóa phải KTCN trước thông quan quá rộng, thuộc cả mảng kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP), lẫn kiểm tra chất lượng. Và mặc dù quy trình thực hiện các thủ tục này tương đối giống nhau, song cho tới nay vẫn chưa thể gộp chung lại. Tuy có danh mục hàng hóa phải kiểm dịch động vật và danh mục hàng hóa phải kiểm dịch thủy sản trước khi thông quan nhưng chưa liệt kê được chi tiết tên hàng và chưa có mã số HS. Điều này dẫn đến phạm vi hàng hóa phải kiểm dịch rất rộng.
Không những phạm vi hàng hóa phải kiểm tra quá rộng mà có những mặt hàng vừa phải kiểm dịch vừa phải kiểm tra ATTP hoặc chất lượng như sữa chua, pho mat… vừa phải kiểm dịch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), vừa phải kiểm tra ATTP theo quy định của Bộ Công Thương. Hay như kén tằm vừa phải kiểm dịch thực vật lẫn thực vật… và thịt, vừa phải kiểm dịch động vật, kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP tại 3 đơn vị trong cùng Bộ NN&PTNT.
Chưa có danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng KTCN khiến không ít DN phải chịu trận và DN ngành thuỷ sản đang là một trong những nhóm tiêu biểu. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, cho tới nay vẫn chưa có danh mục hàng hóa thủy sản phải kiểm tra ATTP trước khi thông quan. Chưa kể là để có giấy phép nhập khẩu một lô nguyên liệu dù chỉ là 5 kg hay 5 tấn thì thủ tục đều phức tạp và kéo dài giống nhau.
Tình trạng quá nhiều hàng hóa phải kiểm tra nhưng chưa quy định quy trình, thủ tục kiểm tra, chưa có tiêu chuẩn hay quy chuẩn kỹ thuật. Với các văn bản, quy định “bủa vây” như vậy, theo Tổng cục Hải quan: Điều này gây khó khăn cho cả DN lẫn cơ quan hải quan khi thực thi.
Kiểm tra 400.000 tờ khai, chỉ phát hiện sai 49 tờ
Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Giám sát và Quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết thêm, dù KTCN chồng chéo, diện hàng phải kiểm tra rộng như vậy gây tốn kém thời gian như vậy, song số lượng lô hàng phát hiện ra sai phạm chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Thống kê của Tổng cục Hải quan trong năm 2016 có trên 400.000 tờ khai xuất nhập khẩu phải kiểm dịch. Trong đó chỉ có 49 tờ khai phát hiện vi phạm, chiếm 0,01% trên tổng số tờ khai phải kiểm tra.
Bộ Tài chính cho rằng, tình trạng KTCN hiện nay làm mất nhiều cơ hội kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DN, lãng phí ngân sách nhà nước và đôi khi còn gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đã khuyến nghị sớm có danh mục hàng phải KTCN và riêng Bộ NN&PTNT khẩn trương ban hành Danh mục phải kiểm dịch động vật và thủy sản trước thông quan có chi tiết tên hàng kèm mã số HS theo hướng thu hẹp danh mục, loại bỏ những mặt hàng có độ rủi ro thấp, phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu hiện hành.
Ông Ngô Minh Hải, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cũng lưu ý, về phương thức kiểm tra, hiện Bộ NN&PTNT chưa áp dụng quản lý rủi ro mà đang kiểm tra với toàn bộ lô hàng nhập khẩu. Vì vậy, cần thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu trên cơ sở đánh giá theo mức độ rủi ro của hàng hóa xuất nhập khẩu và mức độ tuân thủ pháp luật của DN, áp dụng chế độ DN ưu tiên. Tổng cục Hải quan đã kiến nghị Bộ NN&PTNT ban hành Danh mục hàng hóa phải kiểm tra ATTP, quy định rõ 2 loại: Hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan (có độ rủi ro cao) và hàng hóa kiểm tra trước khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ (có độ rủi ro thấp).
Vì vậy, cơ quan hải quan kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành rà soát danh mục hàng hóa phải kiểm dịch và danh mục hàng hóa phải kiểm tra ATTP trước thông quan. Theo đó, chỉ áp dụng một hình thức kiểm tra trước thông quan, rút gọn danh mục hàng hóa phải kiểm tra, đặc biệt đối với các mặt hàng đã qua chế biến sâu. Trường hợp đối với mặt hàng có độ rủi ro cao cần phải thực hiện cả 2 loại hình kiểm tra thì thống nhất đưa về một đơn vị/cơ quan đầu mối. Tránh việc DN phải đến hai cơ quan kiểm tra cho cùng một mặt hàng nhập khẩu.
Khanh Đoàn