Kinh doanh đòi nợ: Cần được xem xét thấu đáo hơn

09:00 | 21/11/2019

Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) ngày 20/11, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp rất nhiều ý kiến và đề xuất, đặc biệt liên quan đến các vấn đề như ưu đãi đầu tư; đề xuất của Chính phủ bổ sung ngành “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh…

Đưa vào vùng “cấm”

Tại Tờ trình về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) trước Quốc hội ngày 15/11, Chính phủ đề xuất bổ sung ngành “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đây cũng là nội dung ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận nhất từ các đại biểu. Đáng chú ý có một số đại biểu đã dành toàn bộ thời gian cho phép chỉ để đưa ra căn cứ, lý lẽ của mình để dẫn tới đề nghị bỏ hay không bỏ ngành nghề này trong dự thảo Luật.

kinh doanh doi no can duoc xem xet thau dao hon

Trong đó, một nhóm ý kiến cho rằng không nên cấm mà nên tăng cường biện pháp quản lý nhà nước đối với các loại hình này. Luồng quan điểm thứ hai đồng ý với Tờ trình của Chính phủ nên cấm hoạt động kinh doanh này, vì trên thực tế là không có lợi và không diễn ra đúng như mong muốn. Đồng thời, đề nghị tăng cường các biện pháp của các cơ quan tố tụng, cơ quan tư pháp để giải quyết những quan hệ dân sự này. Hai luồng ý kiến này đều có những cơ sở, lý lẽ riêng.

Ở nhóm ý kiến thứ nhất, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng, dịch vụ này xuất phát từ nhu cầu trong nền kinh tế thị trường và phân công lao động và không nên theo quan điểm “việc gì không quản được thì cấm”. Tương tự, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cũng cho rằng không nên đưa dịch vụ này vào ngành, nghề cấm kinh doanh vì đây cũng là một hoạt động kinh doanh đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc sống. “Thực tế cho thấy, nhiều người cho vay không đòi được nợ đã dẫn đến truy sát cả gia đình, người thân, bạn bè, hàng xóm của người nợ. Bởi nếu kiện ra tòa thì thời gian rất lâu, chi phí kiện tụng không nhỏ và nếu người đi vay bị xử đi tù thì điều quan trọng nhất là món nợ của họ cũng không đòi được. Hơn nữa, liệu việc quy định này có ngăn chặn được hiện tượng đòi nợ thuê xảy ra?. Nên tôi cho rằng, vấn đề là các cơ quan chức năng phải vào cuộc và có chế tài quản lý thật chặt chẽ, truy tố hình sự đối với những người đòi nợ thuê có hành vi bạo lực côn đồ”, đại biểu Thơ nói.

Trong khi đó, dẫn số liệu về hiệu quả của dịch vụ đòi nợ cao hơn so với khởi kiện ra tòa cả về mặt thu hồi nợ và thời gian thu hồi, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, nên tiếp tục cho phép ngành kinh doanh này hoạt động và nhất thiết phải tăng cường quản lý để dịch vụ này không bị biến tướng.

Loại hình “lành ít, dữ nhiều"

Dành toàn bộ thời gian 7 phút của mình để bàn về vấn đề này, đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) nêu thực tế, ở nhiều nơi xuất hiện tình trạng lợi dụng đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ để đe dọa, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích và các hành vi đe dọa khủng bố đối với người thân của các con nợ. Thậm chí gần đây, có đối tượng đòi nợ thuê còn có những hành vi nguy hiểm và phức tạp hơn như điện thoại nhắn tin đe dọa, khủng bố cả hàng xóm, người quen của con nợ. “Như có trường hợp giáo viên nợ thì gọi điện, nhắn tin đe dọa khủng bố ban lãnh đạo và các giáo viên khác của nhà trường. Hay hàng xóm của con nợ bỗng nhiên liên tục bị nhắn tin, gọi điện thoại khủng bố…”, đại biểu Ngọc dẫn chứng.

Từ thực tiễn và ý kiến kiến nghị của cử tri, đại biểu Ngọc cho rằng, việc Chính phủ đề nghị cấm ngành, nghề kinh doanh này là phù hợp. “Ở đây không phải “không quản được thì cấm”, mà vì ngành, nghề này gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội”, bà Ngọc nói. Cùng quan điểm cho rằng kinh doanh dịch vụ đòi nợ đang bị biến tướng với xu hướng hại nhiều hơn lợi, các đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk)… cũng nhất trí với việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh này vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. “Thực tế các quan hệ giữa bên có nợ cần thu hồi và bên nợ là quan hệ dân sự. Và hiện nay Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống luật pháp, các cơ quan và các thiết chế bảo vệ thi hành luật pháp. Hơn nữa, các hiện tượng biến tướng của kinh doanh dịch vụ đòi nợ xuất hiện ngày càng nhiều đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội”, đại biểu Nguyễn Thị Xuân nói và cho rằng: “Không chỉ lý do Nhà nước không quản lý được nên phải cấm mà vấn đề là phải giải bài toán giữa hiệu quả kinh doanh và hiệu ứng của xã hội, có đáp ứng được yêu cầu của xã hội hay không hay là chỉ gây những hệ lụy tiêu cực cho người dân, cho xã hội quá lớn. Nên cấm là cần thiết và phù hợp với thực tiễn”.

Cũng cho rằng dịch vụ đòi nợ ở Việt Nam đã bị biến tướng đến mức độ “hết sức khủng khiếp”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu vấn đề: “Chúng ta hãy tưởng tượng có khi chỉ cần một món nợ nhỏ, nhưng có thể có một vài người xăm trổ đến nhà đe dọa, rồi khủng bố bằng điện thoại… Như vậy, tình trạng mất an ninh trật tự gia tăng trong khi bản thân cơ quan Nhà nước phải mất công để đi quản lý thêm vấn đề này nữa. Rõ ràng là không cần thiết”. Đồng thời, đại biểu Nhưỡng nhận định: “Đây là loại hình xã hội hiện nay hình dung "lành thì ít dữ thì nhiều". Bây giờ chúng ta cứ gọi hình thức đó là kinh doanh nhưng thực ra là loại hình hoạt động mang tính tiêu cực hơn là tính tích cực. Đây là một vấn đề không còn là bình thường nữa. Chúng ta không nên để loại hình kinh doanh này tồn tại”.

Giải trình làm rõ thêm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quá trình soạn thảo dự Luật đã hết sức cân nhắc về nội dung này. Đây là một vấn đề rất phức tạp.

“Trên thực tế diễn ra không như chúng ta mong muốn, dẫn đến tình hình an ninh, trật tự xã hội rất phức tạp. Cấm loại hình kinh doanh này là đề nghị rất quyết liệt của ngành Công an và ngành Tư pháp. Vì vậy, chúng tôi thấy vấn đề này nên đưa vào để cấm. Tuy nhiên, căn cứ ý kiến của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát và làm sao xây dựng được một cơ sở để báo cáo lại với Quốc hội trước khi xem xét quyết định vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Đỗ Phạm

Tin đọc nhiều