Không hy sinh môi trường cho những lợi ích ngắn hạn | |
Thu gom và xử lý chất thải tại nông thôn: Bài toán nan giải | |
Việt Nam cam kết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh |
Người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần tuyên bố “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, lãnh đạo nhiều bộ cũng khẳng định quan điểm đó. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng không cho phép các quốc gia miễn áp dụng luật môi trường hoặc chỉ áp dụng ở cấp độ thấp để thu hút đầu tư hoặc thương mại giữa các nước thành viên với nguyên tắc “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”.
Các quy định về môi trường và khai thác tài nguyên của TPP nghiêm ngặt và có tính thực thi cao, “nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt, ví dụ như các nước trong khối sẽ không giảm thuế với hàng hóa vi phạm quy định về bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia tư vấn dự án đánh giá tác động của TPP đến bảo vệ môi trường của Việt Nam lưu ý.
Ảnh minh họa |
Như vậy, “không đánh đổi môi trường” là yêu cầu Việt Nam đặt ra trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, nhưng các quy định pháp luật chung về môi trường của Việt Nam lại chưa có bất kỳ tiêu chí nào tương tự như cam kết này, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
“Không có quy định cho phép cơ quan quản lý đầu tư được hạ thấp các quy định về môi trường”, ông Phan Tuấn Hùng - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định. Nhưng pháp luật Việt Nam tách biệt giữa đánh giá tác động kinh tế - xã hội và đánh giá tác động môi trường (TĐMT) của dự án trước khi cấp phép đầu tư) cho thấy cơ quan Nhà nước đang vi phạm nguyên tắc “không đánh đổi” này.
Có nhiều nguyên nhân được ông Hùng chỉ ra. Thứ nhất, mặc dù đi theo hai cơ chế khác nhau song có sự trùng lặp về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt báo cáo TĐMT. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 trao quyền phê duyệt báo cáo TĐMT cho chính cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cơ quan cấp dưới. Vì thế một cơ quan hoặc một cá nhân có thể lựa chọn “đánh đổi môi trường lấy kinh tế” một cách dễ dàng. Thậm chí, đi theo hai cơ chế khác nhau nhưng do cùng một cơ quan thực hiện nên có thể dẫn đến việc khó quy trách nhiệm khi có sai phạm gây tác động môi trường lớn.
Thứ hai, cả hai cơ chế phê duyệt chủ trương đầu tư và báo cáo TĐMT đều không có tiêu chí rõ ràng. Điều này dễ dẫn đến tùy tiện của cơ quan thực thi, trong đó có thể bao gồm cả sự tùy tiện “đánh đổi giữa môi trường và kinh tế”. Chưa kể cả hai cơ chế nêu trên thiếu sự giám sát của cộng đồng. Pháp luật về TĐMT yêu cầu phải tham vấn người dân nơi có dự án song nhiều nghiên cứu trước đây phản ánh hoạt động này không được thực thi hiệu quả.
Thứ ba là thủ tục đánh giá TĐMT thường do chủ đầu tư thực hiện, cơ quan Nhà nước chỉ thẩm định dựa trên báo cáo của chủ đầu tư mà rất ít có trường hợp đánh giá lại. Việc đánh giá tác động kinh tế - xã hội của dự án do cơ quan Nhà nước thực hiện cho các tác động môi trường của dự án có thể không được xem xét đầy đủ trước khi thực hiện.
Một nguy cơ khác tiềm ẩn rủi ro với môi trường là xác định quy chuẩn chất thải. Vi phạm về môi trường sẽ gây thiệt hại lan sang hoạt động thương mại, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết. Vì vậy để chủ động và sẵn sàng thực thi TPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết định thành lập Tổ công tác thực thi các cam kết về tài nguyên và môi trường trong TPP và EVFTA.
“Cần phải có chế tài mạnh với những DN không hoặc ít đầu tư cho hệ thống bảo vệ môi trường để tiết kiệm chi phí. Nếu vì cách này DN tiết kiệm được 1 tỷ đồng phải xử phạt gấp 10 lần khi phát hiện vi phạm thì sẽ có sức răn đe hơn”, ông Đức kiến nghị.
Các cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường trong TPP liên quan đến nhiều bộ, ngành sẽ góp phần thúc đẩy thực thi đầy đủ cam kết và cơ hội Việt Nam bảo vệ môi trường hơn, trước hết ở việc hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Linh Linh