Ảnh minh họa |
Theo tính toán của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2015 đã đáp ứng 94,8% nhu cầu sống tối thiểu, chứ không chỉ là 80% nhu cầu như cách tính của nhiều cơ quan quản lý hiện nay. Do đó Vitas kiến nghị lộ trình tăng lương nên được thực hiện chậm rãi hơn, để đảm bảo cân bằng lợi ích của người lao động và cả DN.
Phương án cụ thể mà Hiệp hội này đưa ra là LTT vùng năm 2016 sẽ tăng khoảng 6% (vùng 1 tăng 200.000 đồng, các vùng còn lại tăng 150.000 đồng), các năm 2017 và 2018 mỗi năm tăng khoảng 7% (vùng 1 tăng 250.000 đồng, các vùng còn lại tăng 200.000 đồng). Như vậy đến năm 2018 LTT vùng sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.
Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Vitas cho rằng các DN dệt may đang đối mặt với nhiều thách thức như sức ép cạnh tranh về đơn hàng, giá điện, than, phí và phụ phí cảng và tàu biển… đều tăng. Đặc biệt, tiền LTT vùng chỉ tính từ ngày 1/1/2010 đến nay đã tăng 2,2 – 2,3 lần.
Ông Cẩm phân tích, việc tăng LTT vùng hàng năm đi đôi với tăng tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm (bảo hiểm xã hội từ 2010 đến 2014 cứ 2 năm tăng thêm 1%) đã ảnh hưởng rất lớn đến DN. Hiện nay, DN phải trích nộp 24% (bảo hiểm xã hội 18%, bảo hiểm y tế 3%, bảo hiểm thất nghiệp 1%, kinh phí công đoàn 2%), phải đóng 10,5% và 1% đoàn phí nếu là đoàn viên công đoàn. Số tiền người lao động đóng thực chất DN cũng phải lo để họ có tiền lương thực tế đủ trang trải, cải thiện cuộc sống và gắn bó với DN.
Khi LTT vùng 2016 tăng mức đóng sẽ tăng lên tương ứng. Đặc biệt, theo luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ 1/1/2016 thì mức đóng sẽ căn cứ vào tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Số tiền này sẽ còn tăng thêm khoảng 30%.
Bên cạnh đó, Vitas cũng đề nghị Nhà nước nghiên cứu giảm tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn một cách hợp lý. Theo thống kê của VCCI, các nước trong khu vực như Malaysia đóng khoảng 13%, Philippines 10%, Indonesia 8%, Thái Lan 5%. Như vậy tỷ lệ đóng 24% của Việt Nam đang thuộc hàng cao nhất trong khu vực.
Theo Vitas tăng LTT vùng ở mức cao và duy trì tỷ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn cao như hiện nay cũng là một nguyên nhân khiến nhiều DN làm ăn thua lỗ, trốn đóng, chậm đóng BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Theo số liệu của ngành thuế, hiện nay cả nước có khoảng 483.000 DN đang hoạt động, trong đó hơn 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ và gần 70% DN kinh doanh không có lãi. Đây là số liệu đáng báo động để Nhà nước cân nhắc khi điều chỉnh tăng LTT.
Lý giải về con số kiến nghị tăng 6% trong năm 2016, ông Cẩm cho biết, nếu theo cách tính của khu vực châu Á thì LTT đã đáp ứng 94,8% nhu cầu sống. Vậy từ nay đến năm 2018 mỗi năm chỉ cần tăng 2% sẽ đảm bảo mức sống tối thiểu. Yếu tố khác là mức tăng năng suất lao động hiện nay khoảng 3-3,5%/năm. Tuy nhiên không thể cộng trực tiếp số này vào mức tăng LTT được, mà phải trừ vào tỷ lệ thất nghiệp hiện nay. Như vậy nếu tăng lương theo năng suất lao động cũng chỉ có thể thêm tối đa 1%.
Về mức trượt giá, theo Vitas trong năm nay chỉ số giá tiêu dùng sẽ không thể tăng quá 3%. Như vậy tổng kết lại các chỉ tiêu để tính toán tăng LTT thì năm 2016 mức tăng không nên quá 6%.
Bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch Vitas cũng nêu lên nguyện vọng của hầu hết các DN trong hiệp hội, đó là việc tăng LTT nên được giãn thời gian ra khoảng 2 năm/lần, mức tăng 12%. Như vậy sẽ giảm bớt nhiều việc cho DN để tập trung vào sản xuất kinh doanh. Hiện nay đa phần DN đã trả lương cao hơn mức LTT, phổ biến ở mức 4,05 - 4,8 triệu đồng/người/tháng. Các DN thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam có mức lương khoảng 5,6-6 triệu đồng/người/tháng.
“Do đó trường hợp LTT tăng lên, chúng tôi đánh giá chỉ khoảng 10% số lao động được hưởng lợi trực tiếp từ quy định này”, bà Dung cho biết thêm.
Khanh Đoàn