Năm mới, thay đổi tư duy sử dụng tiền mặt

10:00 | 02/02/2017

Để trở thành người tiêu dùng hiện đại, năm mới người tiêu dùng nên tăng việc sử dụng thẻ để thanh toán. 

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã có nhiều chuyển biến tích cực
Khi lượng tiền cung ứng hợp lý
Nên sử dụng thẻ để thanh toán

Lợi ích của việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ngày càng cho thấy sự tiện lợi và chi phí thấp cho người tiêu dùng. Theo đó, để nắm bắt kịp xu hướng thời đại, giới chuyên môn khuyên người tiêu dùng nên lựa chọn giải pháp này ngay từ năm mới.

nam moi thay doi tu duy su dung tien mat
Năm mới, người tiêu dùng nên thay đổi xu hướng xài tiền mới

Mới đây, Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại NH tối thiểu đạt 70%. Ngoài ra, 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm có thiết bị chấp nhận TTKDTM; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ, viễn thông sẽ TTKDTM; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện TTKDTM.

Không những vậy, các cơ quan còn xem xét ban hành quy định giao dịch mua bán bất động sản và những tài sản có giá trị lớn (như ô tô, xe máy, tàu thuyền…) cũng thực hiện TTKDTM. Hoặc toàn bộ những hoạt động như thu phí cầu đường, mua xăng dầu, mua vé xe buýt, đi taxi, chi trả bảo hiểm xã hội, thu học phí... được khuyến khích phát triển các loại thẻ đa dụng, đa năng, thẻ phi vật lý, thẻ không tiếp xúc.

Như vậy, để đi theo xu hướng hiện đại cũng như bám sát vào mục tiêu vận hành của chính phủ, từ năm 2017, người tiêu dùng trên cả nước nên từ bỏ những thói quen truyền thống trong việc sử dụng tiền. Trước hết, một số dịch vụ công cộng cơ bản như đóng tiền điện, nước, cáp truyền hình, internet... nên đóng qua NH tốt hơn là đi đóng trực tiếp. Theo đó, khách hàng chỉ cần có tài khoản NH là có thể ủy thác cho NH thanh toán các khoản chi phí sinh hoạt nhằm thúc đẩy TTKDTM.

Theo giới chuyên môn, ngày nay, người tiêu dùng không nên e ngại về chuyện sẽ gặp phải rủi ro trong việc sử dụng thẻ để chi tiêu vì các NH đã nâng cao tính bảo mật tuyệt đối trong việc dùng thẻ. Điều này được minh chứng bằng việc ngày càng có nhiều người tin tưởng để sử dụng dịch vụ NH thay vì sử dụng tiền mặt.

Đơn cử, theo số liệu vừa được NHNN cập nhật những ngày giáp Tết, tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm dần, từ 14,02% năm 2010 còn khoảng 12% hiện nay; trong khi đó tỷ lệ người dân có tài khoản NH ở mức khá cao, đến cuối tháng 10/2016 đã đạt trên 67,4 triệu tài khoản cá nhân (so với mức 16,8 triệu tài khoản vào cuối năm 2010). Trên toàn quốc hiện có trên 254.000 POS và 17.379 ATM được lắp đặt (tăng lần lượt 13,77% và 5,39% so với thời điểm cuối năm 2015).

Đồng thời, số lượng thẻ NH phát hành, số lượng và giá trị giao dịch thẻ tăng khá nhanh, đến cuối tháng 10/2016 số lượng thẻ phát hành đạt mức trên 110,8 triệu thẻ (tăng 11,36% so với thời điểm cuối năm 2015). Đáng chú ý, một số NHTM đã chủ động trong việc đầu tư, áp dụng nhiều giải pháp công nghệ thanh toán mới, hiện đại như xác thực vân tay, sinh trắc, sử dụng mã QR Code, thanh toán phi tiếp xúc, mang lại tiện lợi và an toàn trong giao dịch thanh toán điện tử.

Như vậy, để trở thành người tiêu dùng hiện đại, năm mới người tiêu dùng nên tăng việc sử dụng thẻ để thanh toán. Tuy nhiên, trong việc sử dụng, để an toàn tuyệt đối thì giới chuyên gia cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần phải tăng tính bảo mật trong thanh toán. Một khi khách hàng hiểu và nhận thức đầy đủ về việc sử dụng dịch vụ NH, cách thức, quy trình và các yêu cầu về bảo mật thông tin sẽ hạn chế rất nhiều rủi ro phát sinh liên quan đến dịch vụ thẻ hay thanh toán trực tuyến, chuyển tiền, rút tiền.

Linh San

Tin đọc nhiều