Nâng cạnh tranh nhìn từ phát triển cụm ngành

08:37 | 19/02/2016

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, bản thân các DN cần chủ động tìm kiếm, liên kết và hỗ trợ các DN khác theo hướng liên kết dọc hoặc liên kết ngang hiệu quả

Việt Nam đứng thứ 82 về cạnh tranh tài năng toàn cầu
Tay nghề thấp cũng phải… cạnh tranh!
Tối đa hóa lợi thế cạnh tranh

Thiếu thiết kế chính sách đúng tầm

Hội nhập sẽ khiến hoạt động cạnh tranh diễn ra khốc liệt. Nhìn từ phía cơ hội, cạnh tranh sẽ giúp cho các DN có “đất” để phát triển hơn trong một môi trường rộng mở và công bằng hơn. Nhưng nếu xét ở góc độ thách thức, hội nhập buộc các DN không còn cách nào khác là phải bước vào cuộc chơi cạnh tranh một cách sòng phẳng, có thể một mất một còn. Và để tránh một viễn cảnh không mong muốn là DN phải giải thể hoặc phá sản thì nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT) là yêu cầu sống còn.

Để nâng cao NLCT, ngoài những nỗ lực của chính DN, thì các chính sách định hướng, hỗ trợ phát triển của Nhà nước có vai trò rất quan trọng. Thực tế ở hầu hết các quốc gia, một trong những chính sách quan trọng giúp thúc đẩy nâng cao NLCT của DN được sử dụng mạnh mẽ là chính sách phát triển cụm ngành.

nang canh tranh nhin tu phat trien cum nganh
Phát triển cụm ngành cần tránh theo phong trào “tỉnh anh có, tỉnh tôi cũng phải có”

Ở Việt Nam, vấn đề này trong những năm qua đã được đặt ra như một lựa chọn chính sách. Tuy nhiên trong thực tiễn, phát triển cụm ngành chưa đạt được mục tiêu như nội hàm của nó trong hỗ trợ thúc đẩy sự hoạt động của các DN, nâng cao NLCT.

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có được các cụm ngành được hình thành và phát triển đúng nghĩa là các cụm ngành.

Cụ thể, các cụm ngành ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở bước tích tụ, tập trung đất để sản xuất theo quy mô (Khu công nghiệp, cụm công nghiệp). Hay ở các địa phương cũng đã có một số làng nghề hình thành một cách tự phát từ các nghề truyền thống của các gia đình trong vùng. Và một số hiếm hoi khu công nghiệp có sự tham gia của một số DN nước ngoài, DN FDI như Panasonic ở Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội, Canon ở Quế Võ - Bắc Ninh, Toyota, Yamaha, Honda ở Vĩnh Phúc… Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ.

Một trong những nguyên do, theo TS. Vũ Thị Minh Luận, Khoa Quản trị Doanh nghiệp, Học viện Chính sách và Phát triển là do vấn đề phát triển cụm ngành chưa được hiểu và thiết kế chính sách đúng tầm mặc dù các điều kiện để phát triển cụm ngành là đã khá rõ ràng.

“Theo chúng tôi, để thiết kế được các chính sách phù hợp và triển khai các chính sách trong thời gian tới, trước hết các bên liên quan cần thiết phải tiếp cận việc phát triển cụm ngành dưới góc độ của Lý thuyết hệ thống” – TS. Luận nêu quan điểm.

Khuyến khích đầu tàu

Theo quan điểm này, mỗi cụm ngành là một hệ thống, phát triển cụm (NLCT của cụm) sẽ do chính các phần tử trong hệ thống quyết định (các DN, các tổ chức hỗ trợ như trường đại học, viện nghiên cứu….) và cũng do chính sự liên kết giữa các phần tử hệ thống (các mối liên kết dọc, ngang, chéo giữa các phần tử) quyết định. Các mối liên kết nên hướng tới các mối liên kết cùng thắng, tức là các bên đều có lợi.

Lý thuyết hệ thống chỉ ra trong hệ thống đó, sẽ và cần có các phần tử nổi trội và không thể phát triển hệ thống một cách thiếu thông suốt, trồi sụt. Do đó trong trường hợp cụm ngành, cũng rất cần thiết phải có các DN thực sự nổi trội, là nhân tố dẫn dắt cho toàn cụm ngành. Đồng thời, khi có bất kỳ những vướng mắc của các DN trong cụm thì chúng phải được tháo gỡ một cách kịp thời, đảm bảo tính thông suốt.

Lý thuyết hệ thống cũng cho thấy, khi hệ thống được đặt trong môi trường, thì kết quả của hệ thống sẽ do các phần tử trong hệ thống quyết định, các yếu tố thuộc môi trường là các tác động lên hệ thống, sẽ đóng vai trò tạo điều kiện hỗ trợ, chứ không là nhân tố quyết định.

Bởi thế theo nhóm nghiên cứu của TS. Luận, các chính sách về phát triển cụm ngành nên là những chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ để các DN trong cụm nâng cao NLCT. Trong đó, sẽ có các chính sách thu hút các DN lớn tham gia trong cụm làm nhân tố dẫn dắt cụm; sẽ có các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các DN vừa nâng cao nội lực, vừa tăng cường các mối liên kết, hợp tác.

Song song với đó, Nhà nước cũng cần thường xuyên rà soát, ban hành các chính sách về môi trường kinh doanh và đầu tư đảm bảo các nhà đầu tư sẵn sàng tham gia vào khu vực sản xuất – kinh doanh.

Trong thời gian ngắn sắp tới, đối với các cụm đã hình thành (mô hình khu, cụm công nghiệp tập trung), cần rà soát lại các khu, cụm công nghiệp hiện tại để đánh giá năng lực hiện tại của các DN, đồng thời có các giải pháp tăng cường thu hút các DN bên ngoài vào các khu đang có thế mạnh về sản xuất ngành sản phẩm (chẳng hạn điện tử ở Vĩnh Phúc, dệt may ở TP. Hồ Chí Minh, công nghệ ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc…).

Với các khu, cụm công nghiệp hiện tỷ lệ lấp đầy ít (khoảng dưới 30%) và các khu, cụm ít có NLCT có thể xem xét để tổ chức lại theo hướng chỉ giữ lại những khu, cụm đã đạt một số điều kiện để phát triển cụm liên kết ngành, gắn với lợi thế của các DN trong cụm và địa phương.

Trong khi đó với các DN chưa tham gia cụm, nhưng có điều kiện để hình thành cụm (thường là các mô hình tập trung tự phát, kiểu như các làng nghề, các cụm tiểu thủ công nghiệp và chủ yếu các DN đã có thế mạnh về ngành nghề mà DN tham gia sản xuất kinh doanh nhưng còn rất nhiều điểm yếu trong các công đoạn sản xuất) thì Nhà nước cần hỗ trợ cho DN để khắc phục các điểm yếu trong các mắt xích của chuỗi giá trị ngành hàng mà các DN đang sản xuất – kinh doanh.

Các chính sách thiết kế nên hướng tới hỗ trợ DN theo hình thức “kéo” như: Tìm kiếm, dự báo thị trường đầu ra cho sản phẩm; Nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng những phương thức sản xuất mới nhằm tiết kiệm chi phí, đổi mới sản phẩm và tiến tới việc đạt lợi thế kinh tế nhờ quy mô; Thu hút các DN có khả năng, tiềm lực sản xuất lớn (nhất là các DN FDI) tham gia trong cụm để làm những nhân tố kéo cho cả cụm; Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo hỗ trợ sản xuất cho các DN.

Như vậy, việc nâng cao NLCT cho DN và chính sách phát triển cụm ngành có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam. Để nâng cao NLCT cho các DN Việt Nam hiện nay, Chính phủ đã có khá nhiều giải pháp như tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, khuyến khích DN phát huy khả năng của họ trong sản xuất kinh doanh nội địa và xuất khẩu.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những hạn chế và thách thức, đòi hỏi Nhà nước cần có những chính sách phát triển cụm ngành tích cực và hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, để nâng cao NLCT của các DN, bản thân các DN cần chủ động tìm kiếm, liên kết và hỗ trợ các DN khác, theo hướng liên kết dọc trong chuỗi giá trị hoặc liên kết ngang hiệu quả từ đó giúp hình thành được mối liên hệ tốt hơn giữa các DN và nâng cao NLCT.

Bài và ảnh Anh Tuấn

Tin đọc nhiều