Năng lực cạnh tranh: Không hẳn đã giảm độ sáng

09:41 | 26/10/2018

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, việc đầu tư vào công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao là điều vô cùng cần thiết với các DN hiện nay trong bối cảnh lợi thế của lao động giá rẻ đang và sẽ giảm đi rất nhiều.

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Minh bạch nâng cao năng lực cạnh tranh
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho công nghiệp

Giảm thứ hạng, đừng quá lo

Với cách tiếp cận mới, Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) có cách tính điểm mới, từ 0 đến 100. Cách tiếp cận này nhấn mạnh rằng, năng lực cạnh tranh (NLCT) không phải là một cuộc chơi mà người này được lợi, người khác sẽ chịu thiệt hại (Zero-sum game), thay vào đó tất cả các nền kinh tế sẽ đều được lợi nếu biết cách tận dụng.

nang luc canh tranh khong han da giam do sang

Một thông tin không vui trong tuần qua là Báo cáo NLCT toàn cầu năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) chỉ xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 77/140, tụt 3 bậc so với xếp hạng 2017 (74/135). Tuy nhiên sau những khoảnh khắc hụt hẫng ban đầu và bình tĩnh nhìn lại kỹ hơn báo cáo lần này, mọi người lại thấy bức tranh không hẳn “tối đi” mà chuyển biến theo hướng mới.

Theo đó, ngay từ tên gọi mới GCI 4.0 đã mang hàm ý WEF đang chuyển trọng tâm sang yếu tố công nghệ, sáng tạo khi xem xét thứ hạng năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế. Đồng thời, từ năm 2018, WEF chính thức áp dụng phương pháp mới và công bố Báo cáo NLCT toàn cầu 2018 với việc đánh giá và xếp hạng chỉ số GCI 4.0.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và NLCT (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), do cách tiếp cận khác nhau nên xếp hạng NLCT toàn cầu 4.0 không so sánh được với xếp hạng NLCT toàn cầu như trước đây. Nói cách khác, do đây mới là năm khởi đầu của cách tính NLCT mới nên phải từ năm sau, qua đánh giá và xếp hạng của WEF thì chúng ta mới thực sự biết Việt Nam tiến hay lùi trong bảng xếp hạng.

Theo kết quả xếp hạng lần này, chỉ số GCI 4.0 của Việt Nam (so với GCI 4.0 tham khảo của năm 2017) giảm 3 bậc nhưng điểm tuyệt đối đã cải thiện 0,2 điểm (từ 57,9 lên 58,1) với 4/12 trụ cột tăng điểm. Trong đó, trụ cột có điểm cải thiện nhiều nhất là Hiệu quả thị trường lao động (tăng 3,2 điểm). Tiếp đến là Mức độ ứng dụng CNTT tăng 1,4 điểm; Quy mô thị trường mở rộng tăng 1,1 điểm; và Sức khỏe tăng 0,7 điểm. Điểm số về Ổn định KTVM được đánh giá không có sự thay đổi so với năm 2017.

Nhận diện yếu điểm, đối mặt và vượt lên

Song nói như vậy không có nghĩa là chúng ta chủ quan, xem nhẹ những cảnh báo đặt ra từ kết quả xếp hạng lần này khi có tới 7/12 trụ cột giảm điểm. Trong đó, trụ cột Kỹ năng giảm 1,5 điểm; Thể chế giảm 1,2 điểm; các trụ cột Cơ sở hạ tầng, Hiệu quả thị trường hàng hoá, Hiệu quả thị trường tài chính đều có mức giảm 0,6 điểm; Năng lực Đổi mới sáng tạo giảm 0,5 điểm và Mức độ năng động trong kinh doanh giảm 0,3 điểm. Theo các chuyên gia, kết quả này cho thấy các động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tiến kịp xu thế 4.0 của Việt Nam còn yếu và chưa hiệu quả. Trong đó, thủ tục hành chính vẫn là rào cản nặng nề, văn hoá doanh nhân giảm điểm, mức độ trao đổi và đa dạng hoá còn thấp, mức độ thương mại hoá hạn chế.

Đáng chú ý nếu so sánh trong ASEAN, Việt Nam đứng sau hầu hết các nước, chỉ trên Lào và Campuchia. Và cũng chỉ có Việt Nam, Lào, Campuchia giảm bậc, các nước ASEAN khác đều tăng bậc trong xếp hạng năm nay. Như vậy, có thể nói Việt Nam đang tụt lại đằng sau các nước ASEAN về NLCT 4.0.

“Muốn tiến kịp các nước trong khu vực đòi hỏi phải đẩy nhanh quá trình phát triển theo xu thế 4.0. Trong đó, cần tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện MTKD; ứng dụng CNTT rộng rãi, trong đó có lĩnh vực hành chính công; nâng cao hiệu quả các thị trường, nhất là thị trường hàng hoá (hiện đang xếp ở vị trí gần cuối bảng – thứ 102), cũng như cần có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy tính sáng tạo, năng động trong kinh doanh thay vì tư duy tạo rào cản để quản lý”, bà Thảo khuyến nghị.

Không bình luận trực tiếp về xếp hạng của Việt Nam theo báo cáo 2018 của WEF nhưng TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, việc đầu tư vào công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao là điều vô cùng cần thiết với các DN hiện nay trong bối cảnh lợi thế của lao động giá rẻ đang và sẽ giảm đi rất nhiều. Theo ông: “Vấn đề ở đây là chúng ta phải cải cách MTKD thuận lợi để cho DN có động lực, có niềm tin lâu dài vào việc đầu tư đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ”.

Nhìn lại lộ trình mà kinh tế Việt Nam đã đi qua, có thể thấy, MTKD đã và đang có những bước cải thiện vững chắc. Tuy nhiên, để đáp ứng các đòi hỏi, thách thức mà CMCN 4.0 đặt ra – như cách mà chính WEF cũng phải thay đổi các tiêu chí đánh giá trong báo cáo NLCT của mình - khi dựa ngày càng nhiều hơn vào công nghệ, đổi mới sáng tạo trong khi các lợi thế như tài nguyên hay lao động giá rẻ ngày giảm dần. Dưới góc nhìn đó, có lẽ càng ở những trụ cột mà Việt Nam hiện đang có điểm số thấp, càng cần những tập trung ưu tiên cao độ.

Tất nhiên, trong đó có những cải thiện quyết liệt sẽ mang lại hiệu quả ngay, nhưng cũng có những yếu tố mang tính nền tảng, đòi hỏi thời gian và nguồn lực lớn. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta phải bắt tay vào làm ngay nếu muốn thấy được những kết quả tích cực mang lại trong tương lai.

Đỗ Lê

Tin đọc nhiều