Ngành bia: Hấp dẫn từ sự phân hóa

12:00 | 08/12/2017

Sabeco hiện tại đang đứng thứ 10 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về sản lượng tiêu thụ bia với gần 2% thị phần. 

Chứng khoán sáng 14/12: Cổ phiếu ngành bia giao dịch tích cực
Cơ hội rộng mở cho ngành bia
Khốc liệt như cạnh tranh ngành bia

Một trong những tâm điểm thu hút sự chú ý của giới đầu tư chứng khoán là thương vụ thoái vốn nhà nước tại Sabeco. Với giá khởi điểm chào bán lên đến 320.000 đồng/CP, quy mô của đợt thoái vốn này lên đến 5 tỷ USD. Mặc dù đây là mức giá khá đắt so với kết quả kinh doanh hiện tại của Sabeco mà như CTCK MBS định giá chủ 308.000 đồng/CP với P/E mục tiêu là 40x, tổng lợi nhuận kỳ vọng đạt 9%, song các chuyên gia kỳ vọng đây là một thương vụ hấp dẫn trong khu vực đối với các công ty bia lớn trên thế giới muốn gia tăng thị phần vào châu Á - Thái Bình Dương.

Có thể nói thị trường bia mang trong mình các yếu tố nhiều tiềm năng với tốc độ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ cao (2000 - 2014: 8,4% CAGR) nhờ vào thu nhập tăng trưởng nhanh và dân số trẻ. Độ tuổi trung bình của người Việt Nam là 30,1 so với 37,6 của Trung Quốc. Kỳ vọng thu nhập đang tăng cũng là một yếu tố thúc đẩy ngành khi tiêu thụ bia phụ thuộc vào mức giá và thu nhập của người tiêu dùng. Dù người Việt ngày càng chi tiêu nhiều hơn cho các dòng bia cao cấp, tuy nhiên chi tiêu bia trên thu nhập ở Việt Nam hiện nằm ở mức tương đối thấp so với các nước khác trong khu vực. Cụ thể, mức chi tiêu cho 0,5 lít bia lager ở Việt Nam chiếm 0,58% thu nhập/tháng, so với mức 0,9% và 1,04% của Thái Lan và Malaysia.

nganh bia hap dan tu su phan hoa

Xu hướng tiêu thụ các sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp hơn cũng hứa hẹn những cơ hội mới của ngành. Từ năm 2012 - 2016, phân khúc sản phẩm bia cao cấp ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất, với mức tăng trung bình 15% so với mức tăng trung bình 4,8% của phân khúc trung cấp và giá rẻ.

Xu hướng tiêu dùng này đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng trung bình Heineken từ năm 2012 đến nay là 12% so với mức tăng trung bình của ngành là 8%. Trong đó nhãn hàng Tiger (trung cao cấp) đóng góp chính với mức tăng thị phần kỷ lục lên 11,5% năm 2016 từ mức 4,8% năm 2012. Thị phần của Tiger dần chiếm thị trường của các dòng bia trung cấp như Bia 333 và Bia Hà Nội.

Theo số liệu của CTCP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam - VIRAC, doanh thu năm 2016 của Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading) đạt 33.900 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất của Sabeco và các công ty con mới chỉ đạt 30.600 tỷ đồng; trong đó, doanh thu từ bán bia đạt 26.200 tỷ đồng. Tuy nhiên Sabeco đang chiếm thị phần áp đảo với 40% sản lượng tiêu thụ nội địa.

“Miếng bánh” Sabeco thêm hấp dẫn trong bối cảnh thị trường bia Trung Quốc cạnh tranh gay gắt với sự hiện diện của những người khổng lồ sản xuất bia trong nước là China Resources Holdings, Tsingtao Brewery và Beijing Yanjing Brewery và 2 công ty thế giới (Anheuser - Busch InBev và Carlsberg), thị trường Nhật Bản khó xâm nhập và bắt đầu bão hòa. Việc chiếm lĩnh thị phần lớn tại thị trường Việt Nam, ngoài tiềm năng tăng trưởng nhanh, khai thác sâu hơn thị trường Việt Nam, đầu tư vào Sabeco còn có thể là bàn đạp để tiếp cận các thị trường bia lân cận vốn chưa có sự xuất hiện của những công ty chi phối lớn như: Lào, Campuchia, Myanmar…

“Xét trên các thị trường bia tương đồng với thị trường bia Việt Nam về mặt quy mô và tốc độ tăng trưởng, các công ty bia Việt Nam giao dịch với mức giá gần với mức trung bình nhưng lại có hiệu quả hoạt động cao hơn hẳn mức trung bình, đặc biệt đối với Sabeco”, phân tích của CTCK MBS. Sabeco hiện tại đang đứng thứ 10 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về sản lượng tiêu thụ bia với gần 2% thị phần. Dù doanh thu không cao bằng Heineken song, Sabeco sở hữu quy mô nhà máy lớn, hoạt động khá hiệu quả và đang có chiều hướng cải thiện đáng kể.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của 2 DN này đã khiến Habeco, Carlsberg, Masan Brewery, AB Inbev, Sapporo... bị bỏ lại khá xa. Như Habeco hoạt động kinh doanh trong 2 năm 2015-2016 không thực sự ấn tượng với tốc độ tăng trưởng sản lượng 2-3%/năm so với trung bình ngành 7-8%/năm, do không có nhiều dòng sản phẩm mới được đưa ra thị trường hay dòng sản phẩm mới không thành công. Do Habeco phần nhiều hướng đến thị trường bia giá rẻ, không tăng được giá bán, nên mặc dù biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 25,7% lên 27,8% nhưng biên lợi nhuận hoạt động (EBIT) lại chỉ xoay quanh mức 11%.

Ngay tại Hà Nội, khu vực hoạt động chính của Habeco thì DN đã không còn nắm thế độc tôn. Thay vào đó, ngày càng nhiều người tiêu dùng ưa thích sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh khác hơn, như: Saigon Special, Heineken, Tiger, Carlsberg… Với hãng bia lớn nhất thế giới AB Inbev với thương hiệu Budweiser sau vài năm vào Việt Nam cũng mới thu được kết quả hết sức khiêm tốn với doanh thu chưa đến 200 tỷ đồng. Sự phân hóa trên thị trường bia cũng đặt thêm dấu cộng cho triển vọng Sabeco trong tương lai.

Minh Toàn

Tin đọc nhiều