Ngành nào hưởng lợi từ cuộc chiến Mỹ - Trung

07:55 | 24/09/2018

Công ty chứng khoán Bảo Việt lại đưa ra nhận định, ngành dệt may của Việt Nam là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Thâm hụt thương mại của Mỹ tăng vọt: Hệ quả từ cuộc chiến thuế quan?
Ngăn chặn cuộc chiến thương mại: Trump hối thúc Trung Quốc đưa ra thỏa thuận tốt hơn
Đôla Úc cũng là nạn nhân của cuộc chiến thương mại

Kết thúc phiên giao dịch hôm cuối tuần (21/9/2018), chỉ số VN-Index tái lập mốc 1.000 điểm. Một lần nữa giới đầu tư cho rằng yếu tố cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung đã tạo hiệu ứng tâm lý nâng đỡ thị trường.

Trong một diễn biến mới nhất, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã quyết định đánh thuế 10% lên lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ đầu tuần tới. Mức thuế này dự kiến sẽ tăng mạnh lên 25% vào cuối năm nay nếu cán cân thương mại giữa hai quốc gia không ghi nhận sự cải thiện đáng kể.

nganh nao huong loi tu cuoc chien my trung

Động thái này của Mỹ đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ Trung Quốc và ngay lập tức Bắc Kinh cũng phản đòn với việc áp các khoản thuế mới lên lượng hàng hóa trị giá 60 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ. Cuộc chiến Mỹ - Trung nhìn chung còn rất phức tạp, có thể sẽ mang lại những tác động tiêu cực lẫn tích cực cho nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Tác động có thể nhận thấy là dòng tiền đầu cơ của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán có dấu hiệu “tạm rút” khỏi Việt Nam trong các tháng qua. Nhưng “trong nguy có cơ”, cuộc chiến Mỹ - Trung có thể mang đến cho các DN Việt Nam một số cơ hội mới, đặc biệt trong các lĩnh vực mà chúng ta có thế mạnh như lắp ráp điện tử, dệt may, giày dép...

Chia sẻ trên blog cá nhân, ông Nguyễn Xuân Thành thuộc Đại học Fulbright cho rằng, so sánh với danh mục hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc bị áp thuế lần này, các sản phẩm tương tự mà Việt Nam cũng xuất sang Hoa Kỳ có giá trị 13 tỷ USD, trong đó lớn nhất là đồ gỗ nội thất 4,8 tỷ USD và nông thủy sản 2,5 tỷ USD.

“Trước mắt, các DN Việt Nam xuất khẩu nội thất, thủy sản, vali – túi xách sang Hoa Kỳ sẽ hưởng lợi; trong khi các DN sản xuất hàng nội thất, thực phẩm, hóa chất, nhựa, cao su cho thị trường nội địa sẽ phải chịu cạnh tranh mạnh hơn từ hàng Trung Quốc nhập khẩu”, ông Nguyễn Xuân Thành nhận định.

Trong khi đó, Công ty chứng khoán Bảo Việt lại đưa ra nhận định, ngành dệt may của Việt Nam là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nhờ hai khía cạnh. Thứ nhất là đồng nhân dân tệ mất giá mạnh so với USD, giúp các DN nhập được vải và các nguyên phụ liệu dệt may, da giày với giá rẻ hơn. Thứ hai là các ngành này của Việt Nam có thể lấy thêm được thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhờ mức giá cạnh tranh hơn. Tất nhiên quá trình hưởng lợi cũng sẽ diễn ra với quy mô vừa phải và từ từ do khá nhiều các DN trong nước như Thành Công, May Sài Gòn... đang chạy hết công suất cũng như cần phải có kế hoạch đầu tư thêm nếu gia tăng các đơn hàng từ Mỹ.

Tương tự như dệt may, ngành hàng điện tử cũng có thể hưởng lợi. Năm 2017, trong top 10 các mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ thì có đến 8 mặt hàng thuộc nhóm hàng điện thoại di động, đồ điện tử và thiết bị viễn thông. Riêng với mặt hàng điện thoại di động, giá trị xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ năm 2017 là 70 tỷ USD, chiếm 86% tổng giá trị điện thoại di động nhập khẩu vào Mỹ. Top 5 nhãn hàng điện thoại di động được sản xuất ở Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ là Apple, LG, ZTE, Motorola và Samsung.

Đối với Samsung, Việt Nam hiện là nơi sản xuất lớn nhất của tập đoàn này với sản lượng khoảng 240 triệu chiếc/năm, theo sau là Trung Quốc với sản lượng 150 triệu chiếc/năm, Ấn Độ (50 triệu), Hàn Quốc (40 triệu), Brazil (12 triệu) và Indonesia (8 triệu). Samsung đang có kế hoạch cắt giảm sản lượng khoảng 40 triệu sản phẩm tại Trung Quốc do giá nhân công cao và những rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang nên tập đoàn này càng có lý do để đẩy mạnh chuyển hướng đầu tư sang các nước khác như Việt Nam.

Chung quan điểm, Hãng nghiên cứu Capital Economics (Anh) cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng sẽ khiến các tập đoàn sản xuất di dời cơ sở sản xuất của mình tại Trung Quốc sang các quốc gia khác và châu Á là nơi phù hợp để đặt chỗ. Điều này đã từng kiểm chứng trên thực tế khi Mỹ đánh thuế nặng vào mặt hàng tấm panel điện mặt trời có xuất xứ từ Trung Quốc năm 2012, các DN đã chuyển cơ sở lắp ráp sang Malaysia. Một cuộc khảo sát gần đây của Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho thấy 1/4 các DN trong ngành ôtô phản hồi rằng phải cân nhắc di chuyển cơ sở sản xuất của mình từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á.

“Việt Nam, với chi phí nhân công thấp và đã gắn kết sâu rộng vào chuỗi cung ứng tại khu vực phía Nam của Trung Quốc dự kiến sẽ là người hưởng lợi”, Capital Economics nhận định.

Nam Minh

Tin đọc nhiều