Ngành thép Việt Nam: Cơ hội từ những khoảng trống

12:00 | 15/02/2017

Cơ hội cho các DN khai thác những khâu còn khuyết trong chuỗi giá trị ngành như phôi dẹt, thép cuộn cán nóng, hay các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như thép cơ khí chế tạo.

Hòa Phát đang dẫn đầu ngành thép?
Không thể nói đất nước cần thép thì phải xây nhà máy
Nóng cổ phiếu thép

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2016, tổng các loại sản phẩm thép trong nước sản xuất đạt 17,5 triệu tấn, tăng 16,8% so với năm trước. Trong đó, lượng tiêu thụ thép sản xuất nội địa đạt 15,3 triệu tấn, tăng 23,7% so với năm 2015. Ngành thép Việt Nam có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu phôi thép, thép xây dựng và thép cán nguội cho nhu cầu trong nước (khoảng 7-8 triệu tấn/năm).

Ví như năm 2016, lượng sắt thép thô đạt 5.154,3 nghìn tấn, tăng 20,5% so với cùng kỳ; thép cán đạt 5.351,5 nghìn tấn, tăng 26,8% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc đạt 4.702,9 nghìn tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Năm 2017, Bộ Công Thương dự kiến sản lượng sắt thép thô đạt 5.590,9 nghìn tấn, tăng 16,6% so với ước thực hiện năm 2016, sản lượng thép cán đạt 5.840,3 nghìn tấn, tăng 18% so với ước thực hiện năm 2016 đáp ứng đủ nhu cầu thép trong nước và xuất khẩu.

nganh thep viet nam co hoi tu nhung khoang trong
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, dù “sản xuất sắt thép năm 2016 tăng trưởng cao, vẫn chỉ mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu sắt thép nội địa”, báo cáo của Bộ Công Thương chỉ ra như vậy và cũng là lời giải thích cho tình trạng nhập siêu thép kỷ lục của Việt Nam năm 2016. Nguyên nhân là “chủng loại thép tấm cán nóng là nguyên liệu đầu vào cần thiết cho nhiều ngành như sản xuất thép cán nguội, tôn mạ, ống thép, đóng tàu, cơ khí chế tạo, có nhu cầu lớn (khoảng 10 triệu tấn/năm) trong nước lại chưa sản xuất được, hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu”, Bộ Công Thương cho biết.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2016, Việt Nam nhập siêu gần 7 tỷ USD sắt thép các loại. Cụ thể Việt Nam đã nhập khẩu 18,4 triệu tấn sắt thép, trị giá hơn 8 tỷ USD - tăng 18,4% về lượng và 7,2% về trị giá so với năm trước 2015 và gần 3 tỷ USD nhập khẩu các sản phẩm từ sắt thép, trong khi đó, xuất khẩu sắt thép các loại chỉ ở mức 3,9 tỷ USD.

Những khoảng trống thị trường càng nhìn rõ trong trung và dài hạn khi nhu cầu phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng trong nước vẫn còn rất lớn. Sản lượng thép nội địa tới năm 2020 đạt 10 triệu tấn gang, 18 triệu tấn phôi thép và 22 triệu tấn thành phẩm; và tầm nhìn tới năm 2025 là 18 triệu tấn gang, 25 triệu tấn phôi thép và 30 triệu tấn thành phẩm. Tuy nhiên, theo quy hoạch thép cho đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025 thiếu 20 triệu tấn.

Cùng với những khoảng trống lớn về thị trường, bức tranh hoạt động của các DN thép cũng đang hứa hẹn những bước khởi sắc mới của ngành này khi chính các DN thép ngày càng có chiến lược kinh doanh hợp lý hơn. Ví như những biến động của thị trường thép thế giới cuối 2015, đầu 2016 đã khiến biên lợi nhuận gộp của nhiều DN thép giảm, dao động từ -10% đến 6%.

Tuy nhiên, với các DN có hướng đi phù hợp, tốc độ tăng trưởng vẫn đạt mức cao như Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Tập đoàn Hoa Sen (HSG) tương tứng 17% đến 18%. Một phân tích cũng cho thấy việc điều chỉnh chính sách tồn kho phù hợp hơn trong quý I/2016 đã giúp biên lợi nhuận của các DN dần được cải thiện dù giá thép vẫn giảm trong tháng 1 và chỉ hồi phục nhẹ từ tháng 3/2016. Như: HPG đạt biên lợi nhuận gộp 32%, HSG 24%, TLH (Tập đoàn Thép Tiến Lên) 23%, KKC (CTCP Sản xuất và Kinh doanh Kim Khí) 18%, NKG (CTCP Thép Nam Kim) 16%, SMC (CTCP Đầu tư Thương mại SMC) 10%…

Chưa kể cơ hội tăng trưởng của các DN thép Việt vẫn còn rất tốt nếu tìm được hướng đi phù hợp. Ví như HPG, với việc tối ưu hóa quy mô sản xuất với quy trình sản xuất khép kín đã trụ vững trong giai đoạn khó khăn vừa qua.

Với HSG, dự phòng tăng trưởng cho HSG vẫn ở mức 15% cho 3 năm tới bởi cầu nội địa vẫn tốt. Quyết định chống bán phá giá giúp DN nội cạnh tranh tốt với hàng Trung Quốc. Cùng với đó là tiềm năng xuất khẩu lớn sang Mỹ, cùng dây chuyền nhà máy mới tại Nghệ An và Nhơn Hội giúp HSG có sức cạnh tranh hơn tại miền Bắc và miền Trung.

Ông Đặng Trần Hải Đăng - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu VietinBankSc chỉ ra cơ hội cho các DN khai thác những khâu còn khuyết trong chuỗi giá trị ngành như phôi dẹt, thép cuộn cán nóng, hay các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như thép cơ khí chế tạo.

Một hướng đi khác là việc đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tốt và biên lợi nhuận cao như các sản phẩm gia công sau cán như tôn mạ, ống thép, là các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu thép toàn cầu. Tuy nhiên, nguyên liệu thép sản xuất que hàn có biên lợi nhuận gộp cao, ở mức 20%, thì đa số vẫn phải nhập khẩu.

Hoa Hạ

Tin đọc nhiều