PCI: Xây dựng động năng cạnh tranh mới

14:00 | 02/01/2019

Các chuyên gia cho rằng, việc lồng ghép cần có trọng tâm trọng điểm không nên ôm đồm những cấu phần mà các đơn vị tổ chức nhà nước đã làm tốt. Điều này sẽ tăng tính chính xác và hiệu quả thông tin từ các mẫu điều tra.

Lồng ghép hệ thống chỉ số đánh giá về quan hệ và kỹ năng lao động vào cuộc điều tra PCI (Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Đó là ý tưởng mới mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đang nghiên cứu xây dựng.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế VCCI cho biết: “Kỳ vọng của chúng tôi không chỉ hỗ trợ hoàn thiện bộ chỉ số về thị trường lao động mà còn lớn hơn muốn chuyển tải thông điệp xuống chính quyền cấp tỉnh, làm thay đổi hành vi, chuyển biến trong việc cải thiện nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”.

pci xay dung dong nang canh tranh moi
Ảnh minh họa

Theo phân tích của ILO, so với các chỉ số của thế giới về kỹ năng làm việc (WISE), Việt Nam về cơ bản đã có các chỉ số từ số liệu thống kê, nhưng chúng được phân loại theo các tiêu chí khác nhau so với các tiêu chí của WISE. Đặc biệt còn thiếu các chỉ số thống kê tiêu chuẩn về đo lường kết quả phát triển kỹ năng và quan hệ lao động ở nơi làm việc…

Trong khi đó việc hoàn thiện bộ chỉ số về thị trường lao động là vô cùng cần thiết giúp các cơ quan quản lý nhà nước có bằng chứng rõ ràng và chính xác đưa ra được chính sách phù hợp thúc đẩy phát triển và cải thiện nguồn nhân lực.

Bà Valentina Barucci - Quyền Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho biết, đây là yếu tố rất quan trọng cho phát triển kinh tế hiện nay. Đặc biệt, trong điều kiện Việt Nam đang hội nhập sâu hơn nữa vào quá trình toàn cầu hóa thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hơn bao giờ hết càng phải nhận thức được tầm quan trọng của việc thu thập và chia sẻ các thông tin tuân thủ yêu cầu lao động của các hiệp định này.

Chỉ ra việc đánh giá chưa đầy đủ về kỹ năng lao động của Việt Nam, TS. Nguyễn Quang Việt - Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp nêu lên một thực trạng, đó là xem kỹ năng như là kỹ năng chân tay. Trong khi đó, kỹ năng gắn với vấn đề đào tạo người lao động suốt đời. Hơn nữa đây là 1 trong 12 trụ cột Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Tuy nhiên, trụ cột kỹ năng của Việt Nam chỉ đứng thứ 97/140 nước, riêng chỉ số dạy kỹ năng trong các trường phổ thông và đại học đứng 128/140, sự phù hợp vị trí việc làm đứng thứ 104.

“Trụ cột này đang là một trong những chỉ số kéo năng lực cạnh tranh của Việt Nam đi xuống. WEF cho rằng, điều này kìm hãm khả năng thích ứng và tăng trưởng của nền kinh tế”, TS. Việt cho biết.

Trong khi đó, mặc dù Báo cáo PCI thực hiện trong hơn 13 năm qua với mẫu trên 12.000 DN là cuộc điều tra DN thường niên lớn nhất tại Việt Nam; trong đó có riêng một hệ thống đo lường chỉ tiêu chất lượng lao động gắn với hai chỉ số quan trọng trong bộ chỉ số thị trường lao động theo chuẩn quốc tế là quan hệ lao động (IR) và kỹ năng lao động. Tuy nhiên thông tin này thời gian qua chưa được sử dụng nhiều, chưa hữu dụng.

Những khoảng trống này càng cho thấy sự cần thiết và phù hợp khi ILO và VCCI hướng tới việc lồng ghép các chỉ số đánh giá quan hệ lao động và kỹ năng lao động vào điều tra PCI. Theo nhóm nghiên cứu PCI, điều tra PCI có thể hỗ trợ hoàn thiện các tiêu chuẩn thống kê lao động quốc tế đối với các chỉ số kỹ năng như tính toán chỉ số thuận lợi kinh doanh, chỉ số làm việc theo ngành, mức độ khó của tuyển dụng theo nghề nghiệp. Với chỉ số IR có thể đưa ra thông tin về tỷ lệ tham gia lao động hưởng lương, số lần đình công, số ngày làm việc bị mất/100 công nhân. Đồng thời nhóm nghiên cứu cũng gợi ý cải tiến mở rộng PCI về việc tham gia học nghề, giáo dục dạy nghề của người lao động, mức đóng phát triển kỹ năng lao động của DN…

Nhóm nghiên cứu đề xuất lộ trình sẽ hợp tác với ILO và sử dụng kỹ thuật tài chính của ILO để nghiên cứu chỉnh sửa bổ sung phiếu điều tra năm 2019 và thực hiện khảo sát thử. Qua khảo sát thử, Báo cáo PCI 2019 sẽ có một chương riêng về IR và kỹ năng lao động. Cao nhất của sự hợp tác này, nhóm nghiên cứu đề nghị sử dụng PCI là kênh thường niên, định kỳ cung cấp thu thập các dữ liệu chính thức về chất lượng và quan hệ lao động.

Nhìn nhận nếu hợp tác này thành công sẽ góp phần hoàn thiện bộ chỉ số về thị trường lao động là điểm nhấn mới để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc lồng ghép cần có trọng tâm trọng điểm không nên ôm đồm những cấu phần mà các đơn vị tổ chức nhà nước đã làm tốt. Điều này sẽ tăng tính chính xác và hiệu quả thông tin từ các mẫu điều tra.

Hoa Hạ

Tin đọc nhiều