QR Code: “Đòn bẩy” đẩy mạnh thanh toán online

09:06 | 14/10/2019

Hiện nay, không khó để nhận ra QR Code đang dần phủ sóng trên tất cả các “mặt trận” như siêu thị, nhà hàng, shop thời trang, rạp chiếu phim…

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Khuyến khích áp dụng QR code
QR Code và cuộc chạy đua của các ngân hàng
qr code don bay day manh thanh toan online
Ảnh minh họa

Theo cập nhật mới nhất, tổng số các tổ chức tài chính tham gia vào mạng lưới thanh toán QR Code tại thị trường Việt Nam lên tới 24 ngân hàng và 9 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Toàn thị trường có hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR Code.

Không cần nhiều thao tác phức tạp, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và quét mã QR đơn giản, người dùng đã có thể thanh toán các loại hóa đơn một cách thuận tiện. Ngoài ra, để khuyến khích người dùng, các ngân hàng, ví điện tử trung gian thanh toán như MoMo, ZaloPay, Payoo… còn tích cực tung ra các chương trình khuyến mãi, hoàn tiền nếu sử dụng QR Code để thanh toán.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho rằng, thực tế, thanh toán bằng QR Code đem lại nhiều sự tiện lợi cho cả người dùng, ngân hàng và các doanh nghiệp. Về phía người dùng có thể thanh toán nhanh hơn, độ bảo mật, an toàn cao. Bởi lẽ khi thanh toán qua thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ thì có thể lộ thông tin trên thẻ, từ đó gặp những rủi ro về tin tặc.

Về phía ngân hàng, QR Code giúp cho các ngân hàng có thể mở rộng, phổ biến lượng khách hàng sử dụng ứng dụng trên mobile để thanh toán và về tương lai lâu dài, ngân hàng sẽ không mất chi phí để phát hành ra thẻ vật lý. Ngoài ra, các ngân hàng còn có thể đẩy mạnh thanh toán online thông qua việc mở rộng các điểm chấp nhận thanh toán. Vì độ bảo mật cao, QR Code cũng cho phép các ngân hàng giảm chi phí cho hệ thống bảo mật.

Đối với các doanh nghiệp, cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng QR Code, sẽ có sự tiện lợi khi không cần lắp đặt các máy POS để khách thanh toán. Nhưng bên cạnh đó, cửa hàng cũng cần đảm bảo các sản phẩm đều có mã QR Code.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng nhận định, hiện nay thanh toán bằng QR Code đa phần vẫn được người tiêu dùng sử dụng để thanh toán món hàng nhỏ, với món hàng lớn, khách hàng thường dùng hình thức chuyển khoản vì có nhiều lớp bảo mật hơn. “Trong thời gian tới, các ngân hàng nên thúc đẩy người dùng thanh toán bằng QR Code, kể cả với các món hàng lớn. Đồng thời, đem QR Code tới cả các cửa hàng nhỏ lẻ hiện nay chưa áp dụng hình thức này”, ông Hiếu đề nghị.

Là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc áp dụng hình thức thanh toán bằng QR Code, hiện nay ABBANK đã triển khai hình thức thanh toán này nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng trong thanh toán giao dịch chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, mua hàng cho nhiều dịch vụ đa dạng ở nhà hàng, siêu thị, cửa hàng, taxi, mua sắm online….

Đại diện ABBank cho biết, doanh số giao dịch thanh toán QR ngày càng tăng. Tổng doanh số giao dịch bằng QR Code 9 tháng đầu năm 2019 của ABBANK là 15 tỷ đồng. Sắp tới, ABBank sẽ cung cấp thêm dịch vụ rút tiền bằng mã QR cho các giao dịch từ tài khoản thanh toán và tài khoản thẻ nội địa.

Không thể phủ nhận các tiện ích mà thanh toán qua QR Code mang lại cho người dùng và cả về phía ngân hàng, doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, mỗi ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán lại có một hệ thống mã QR riêng. Do đó, khách hàng thuộc hệ thống mã QR nào thì chỉ thanh toán được trong hệ thống đó.

Trước vấn đề này, NHNN đã ban hành “Đặc tả kỹ thuật QR Code trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam”, với mong muốn người mua hàng chỉ cần cài đặt duy nhất một ứng dụng quét mã là có thể thanh toán ở bất kỳ đâu, các đơn vị bán hàng cũng chỉ cần áp dụng mã QR duy nhất mà không phải lo lắng người mua hàng không có ứng dụng tương thích với mình.

“Việc có một bộ tiêu chuẩn về QR Code là hợp lý. Sau gần 2 năm đưa ra bộ tiêu chuẩn về QR Code, đến năm 2020, NHNN nên quy định tất cả các hệ thống ngân hàng và các đơn vị trung gian thanh toán áp dụng mã QR chung, để tạo sự thuận tiện cho người dùng, từ đó sẽ tạo điều kiện để đẩy mạnh thanh toán điện tử tại Việt Nam”, ông Hiếu cho biết.

Đại diện ABBank cũng cho rằng, bên cạnh việc NHNN ban hành tiêu chuẩn chung về QR Code, thì hệ thống kỹ thuật của các ngân hàng/tổ chức trung gian thanh toán cũng phải điều chỉnh, nâng cấp để khách có thể quét thanh toán mọi loại hình, mọi sản phẩm dịch vụ mà không bị hạn chế về mặt công nghệ.

Quỳnh Trang

Tin đọc nhiều