Rào cản đầu tư giáo dục: Gỡ như chưa gỡ

10:00 | 03/09/2018

Điều kiện kinh doanh thông thoáng sẽ thúc đẩy nền giáo dục nước nhà.

Xu thế giáo dục STEM

Tới thời điểm giữa tháng 8/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã cắt giảm được 56,8% điều kiện kinh doanh (ĐKKD) do cơ quan này quản lý. Tuy nhiên các nhà đầu tư cũng như giới chuyên gia cho rằng hoạt động cắt giảm của bộ vẫn mang tính cơ học. Nhiều điều kiện trong số này bị cắt giảm do đã quá lạc hậu và không thể tồn tại trong thực tế. Trong khi đó, vẫn còn nhiều điều kiện làm khó nhà đầu tư muốn tham gia vào lĩnh vực này.

rao can dau tu giao duc go nhu chua go
Điều kiện kinh doanh thông thoáng sẽ thúc đẩy nền giáo dục nước nhà

Theo phương án của Bộ GD&ĐT, các ĐKKD được cắt giảm nằm trong Nghị định 73/2012/NĐ-CP và Nghị định 46/2017/NĐ-CP. Bà Nguyễn Kim Dung - Giám đốc pháp chế Công ty Apollo Việt Nam và Đại học Anh quốc Việt Nam, thành viên Nhóm Công tác GD&ĐT, Diễn đàn DN Việt Nam cho biết, để đấu tranh cho việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh nằm trong 2 nghị định này, các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục đã mất tới hơn 4 năm. Kết quả là sự ra đời của Nghị định 86/2018/NĐ-CP vừa có hiệu lực từ 1/8 vừa qua.

Theo đó, nhiều điều kiện lỗi thời, làm khó nhà đầu tư đã chính thức được “khai tử”. Chẳng hạn bỏ điều kiện giảng viên dạy ngoại ngữ phải có bằng thạc sĩ. Hoặc một thủ tục gây khó khăn là để được cấp phép hoạt động trung tâm ngoại ngữ trước đây phải mất 3 giấy phép, mỗi giấy cần tối thiểu 2 tháng lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Tuy nhiên đến nay theo Nghị định 86 đã giảm xuống còn 2 giấy phép, là bước thúc đẩy lớn cho các DN, đặc biệt DN FDI trong giáo dục.

Một quy định khác cũng được đánh giá là trái khoáy nằm trong Nghị định 73, đó là cơ sở giáo dục hoạt động dưới 20 năm thì được thuê cơ sở đào tạo, nhưng hoạt động trên 20 năm bắt buộc phải xây dựng. Theo các DN, quy định này là làm khó các nhà đầu tư đã hoạt động hiệu quả và lâu dài tại Việt Nam. Bởi cơ sở giáo dục đã hoạt động ổn định lại bắt buộc phải đi xây dựng, trong khi việc thuê cơ sở vật chất đang rất thuận lợi.

Một quy định cụ thể hơn can thiệp vào hoạt động của các cơ sở giáo dục, đó là với một số ngành đào tạo đặc thù như nấu ăn, âm nhạc, mỹ thuật… các văn bản trước đây yêu cầu người giảng dạy phải có bằng thạc sĩ. Trong khi đó trên thực tế, đối với một số ngành như khách sạn, nhà hàng… thì người có bằng đào tạo chưa chắc đã truyền đạt tốt bằng người giàu kinh nghiệm. Do đó việc bỏ quy định này là bước chuyển biến lớn tạo thuận lợi cho các cơ sở đào tạo, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam rất cần những lao động có kỹ năng và có sự truyền đạt từ các chuyên gia có kinh nghiệm.

Sau khi đưa ra nhiều dẫn chứng, bà Dung nhấn mạnh, các thay đổi trên được các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục rất mong đợi, song thời gian để chờ đợi sửa đổi là quá dài. “8 đề xuất mà để sửa đổi phải mất hơn 4 năm với hàng loạt hội thảo để lấy ý kiến, đến nay khi nghị định có hiệu lực chúng tôi thấy rất vui. Tuy nhiên những yêu cầu chính đáng như vậy phải chờ đợi đến giờ này mới được phê duyệt là điều rất đáng tiếc”, bà Dung nhấn mạnh.

Theo các nhà đầu tư và chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, cũng bởi nhiều ĐKKD tồn tại trong lĩnh vực này rất vô lý và trái với đòi hỏi thực tiễn, cho nên việc cắt giảm vừa qua tuy tỷ lệ lớn song vẫn chưa đáp ứng đủ so với mong mỏi của nhà đầu tư. Ông Hoàng Anh Đức - Công ty cổ phần giáo dục Edufit cho rằng, các nhà đầu tư rất cần được tự chủ về chương trình đào tạo. Do đó không nên yêu cầu các trường tư thục phải thực hiện chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành chung cho hệ thống công lập.

Ông Đức khuyến nghị, bộ nên đưa ra yêu cầu, mục tiêu kỳ vọng về chuẩn đầu ra cơ bản, còn việc thực hiện thì do cơ sở giáo dục tự lựa chọn các hình thức thực hiện, đảm bảo chất lượng cơ bản, đồng thời cập nhật linh hoạt và hiệu quả các tiến bộ giáo dục thế giới. Ví dụ, trong các chương trình đào tạo chuyên ngành y tế, bộ chỉ cần quy định các tiêu chuẩn cơ bản, còn tiêu chuẩn cơ sở do các DN tự ban hành chắc chắn luôn cao hơn các quy định của bộ.

Đại diện của một trường quốc tế tại Việt Nam cho rằng, các ĐKKD trong lĩnh vực giáo dục vẫn lẩn khuất rất tinh vi trong các văn bản mà vừa qua việc cắt giảm đã bỏ sót. Chẳng hạn điều 90 trong Nghị định 46 quy định thủ tục để trường đại học hoạt động đào tạo đặt ra yêu cầu danh sách trích ngang cán bộ giảng viên cơ hữu và cán bộ quản lý; và thống kê cơ sở vật chất phục vụ đào tạo chung toàn trường, cần có xác nhận của UBND cấp tỉnh. Quy định trên tạo thêm thủ tục hành chính vì vụ chức năng của Bộ Giáo dục vẫn thẩm tra 2 hạng mục này. Như vậy là thủ tục trùng thủ tục.

Đó là chưa kể cắt giảm ĐKKD mà không cắt giảm thủ tục hành chính song hành thì hiệu quả cắt giảm ĐKKD sẽ không cao. Ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT chia sẻ dù ĐKKD giảm đi, song thủ tục hành chính chưa chắc đã giảm tương ứng. Đơn cử cách đây hơn 10 năm, từ thời điểm nhận giấy phép đồng ý về mặt chủ trương thành lập Đại học FPT cho đến khi khai giảng khóa đầu tiên, nhà trường chỉ mất khoảng 9 tháng, còn bây giờ chỉ thủ tục để thành lập một phân hiệu ít nhất cũng phải 3 năm…

Lan Hương

Tin đọc nhiều