Sẽ có sóng đầu tư từ Malaysia vào công nghiệp ô tô?

13:00 | 19/04/2019

16 DN uy tín của Malaysia trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô đã tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực linh, phụ kiện ô tô và các dịch vụ kỹ thuật trong ngành ô tô. Mục đích của chuyến đi là xây dựng và mở rộng mạng lưới hợp tác, kinh doanh, phân phối, hứa hẹn sẽ có thêm dòng vốn đầu tư từ Malaysia vào ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam.

Ngành ô tô Việt Nam đang hấp dẫn nhà đầu tư?
Nhập khẩu ô tô quý I/2019 gần bằng nửa năm 2018

Đoàn DN Malaysia bao gồm các nhà sản xuất phụ tùng và linh kiện ô tô có uy tín cung cấp cho Toyota, Honda, Nissan, Mazda, Mitsubishi, BMW, Hyundai… cũng như 2 thương hiệu nội địa của quốc gia này là Proton và Perodua, cùng các thương hiệu khác.

se co song dau tu tu malaysia vao cong nghiep o to
Ảnh minh họa

Ông Dato Mohd Zamruni Khalid - Đại sứ Malaysia tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam là thị trường đầy hấp dẫn với ngành công nghiệp sản xuất ô tô bởi đây là thị trường có dân số trẻ, chính sách rất thu hút trong đầu tư kinh doanh nói chung và ngành sản xuất ô tô nói riêng.

Đặc biệt, theo ông Dato Mohd Zamruni Khalid, sự nổi lên của VinFast đã khiến ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam trở nên đặc biệt hấp dẫn, tạo cơ hội lớn cho những nhà sản xuất cũng như các nhà cung cấp linh kiện khám phá thêm thị trường này. Với mức độ sử dụng ô tô ở Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, ông nhấn mạnh rằng các DN ô tô Malaysia rất kỳ vọng vào việc mở rộng cơ hội đầu tư tại thị trường Việt Nam.

Hiện tại ngành công nghiệp ô tô tại Malaysia có 27 nhà sản xuất ô tô và hơn 600 nhà sản xuất linh kiện, lớn thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á, với sản lượng hàng năm đạt trên 500.000 xe. Ngành công nghiệp ô tô đóng góp khoảng 4%, tương đương 10 tỷ USD vào GDP hàng năm của quốc gia này. Ngoài ra, ngành này còn sử dụng hơn 700.000 lao động trên toàn quốc.

Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của Malaysia, đứng vị trí 13 trên thế giới và thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam cũng là điểm đến đầu tư quan trọng của Malaysia. Tính đến hết năm 2018, Malaysia ở vị trí thứ 8 trong số quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Thứ hạng này có thể còn nâng lên nếu các DN hai nước tìm kiếm được cơ hội hợp tác trong ngành công nghiệp ô tô.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng hy vọng, DN hai nước sẽ tận dụng được những cơ hội phát triển, trao đổi học tập kinh nghiệm trong các lĩnh vực linh kiện, phụ tùng ô tô mà Malaysia có thế mạnh. Ông Phòng khẳng định, với việc thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hứa hẹn đối với ngành công nghiệp ô tô của các nước, trong đó có Malaysia.

Tuy nhiên theo ông Lương Đức Toàn - Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công thương, mỗi năm Việt Nam vẫn nhập khẩu trên 3 tỷ USD các loại linh kiện, phụ tùng phục vụ lắp ráp ô tô cũng như sửa chữa xe. Nếu các nhà sản xuất ô tô Việt Nam không có giải pháp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thì sẽ rất khó cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh ATIGA có hiệu lực, thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về Việt Nam còn 0%.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam ra đời muộn hơn so với các nước trong khu vực, do đó chịu áp lực cạnh tranh cao. Song điều đáng mừng là 2 năm gần đây, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển khá nhanh. Năm 2018, Việt Nam đã sản xuất, lắp ráp được trên 250.000 xe. Các sản phẩm sản xuất ra đã đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe trong nước.

Hiện ngành có trên 40 DN tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô. Tuy nhiên, hầu hết là các DN có quy mô vừa và nhỏ. Công suất thiết kế của các DN có thể sản xuất, lắp ráp khoảng 800.000 xe/năm; tuy nhiên hiện sản xuất đang ở dưới mức thiết kế. Vì vậy, các DN sản xuất ô tô trong nước đang rất cần cơ hội hợp tác với các nhà sản xuất có kinh nghiệm của nước ngoài để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu.

Lan Hương

Tin đọc nhiều