Sức hút với các nhà đầu tư ngoại

10:25 | 02/08/2019

Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tiếp tục phát triển toàn diện với tốc độ tăng trưởng trên 30%/năm trong những năm gần đây là miếng bánh màu mỡ đối với các DN nước ngoài.

Thương mại điện tử hướng về thị trường tỉnh lẻ
Thị trường thương mại điện tử gia tăng sức nóng
Logistics và bài toán thương mại điện tử

Năm 2018 và nửa đầu năm 2019 đã chứng kiến sự rót vốn rất mạnh từ các nhà đầu tư Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản... Theo đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), với xu thế nền tảng công nghệ phát triển mạnh, các DN nước ngoài có lợi thế về vốn, chiến lược và công nghệ nên chiếm ưu thế tại thị trường Việt Nam trong mảng kinh doanh trực tuyến.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường TMĐT Việt Nam được dự báo tiếp tục bùng nổ trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng trên 30% nhờ sự phổ biến của internet và điện thoại thông minh cùng với thế hệ người tiêu dùng mới am hiểu công nghệ hơn. Trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0, ngoài việc tạo thuận lợi, cơ hội cho các DN trong nước kinh doanh trực tuyến thì đây cũng là thị trường béo bở cho các DN nước ngoài.

suc hut voi cac nha dau tu ngoai

Theo VECOM, thời gian qua cũng đã có nhiều DN nước ngoài muốn hợp tác trong nhiều lĩnh vực của TMĐT. Đại diện VECOM cho rằng, lĩnh vực TMĐT Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ và nhận được sự quan tâm rất lớn của nhiều tập đoàn, DN nước ngoài.

Bà YJ. Park – Giám đốc KICC (Trung Tâm hợp tác công nghệ thông tin Hàn Quốc tại Hà Nội) cho biết, thị trường TMĐT ở Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh. Do đó, rất nhiều DN đến từ Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực này mong muốn hợp tác với Việt Nam, nhất là cung cấp các giải pháp phục vụ cho kinh doanh trực tuyến.

Đơn cử như Công ty Yuhantechnos, DN này đến từ Hàn Quốc, chuyên cung cấp hệ thống quản lý giao nhận hàng hóa, kho bãi, hải quan, vận tải, chuyển phát nhanh và vận chuyển đang mong muốn hợp tác và đầu tư tại Việt Nam. Hiện Yuhantechnos đang hợp tác với hơn 2.000 khách hàng tại Hàn Quốc với nhiều tên tuổi lớn như các công ty FedEx, DHL, Korean Air, Asiana Airlines, Lotte Duty Free và một số công ty trong lĩnh vực logistics khác.

Bà YJ. Park nhấn mạnh, các DN hoạt động trong lĩnh vực TMĐT Hàn Quốc rất mong muốn hợp tác đầu tư với các DN Việt Nam, đồng thời muốn đưa những công nghệ tiên tiến trong kinh doanh trực tuyến áp dụng ở Việt Nam góp phần thúc đẩy TMĐT phát triển.

Trên thực tế, thị trường TMĐT Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu thuộc về một số tên tuổi lớn như Lazada, Tiki hay Shopee. Các DN này đều được hậu thuẫn bởi những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh hoặc những tập đoàn lớn nước ngoài. Chính sức hấp dẫn của thị trường TMĐT khiến các nhà đầu tư nước ngoài liên tục rót vốn đầu tư thông qua liên doanh liên kết, hoặc đầu tư góp vốn, hoặc đầu tư trực tiếp.

Năm 2018, Tiki đã nhận thêm tiền từ Tập đoàn JD, bổ sung vào khoản đầu tư 44 triệu USD từ trước đó và đến tháng 9/2018, công ty này tiếp tục nhận thêm 122 tỷ đồng từ VNG. Tương tự, Shopee Việt Nam cũng được công ty mẹ là Tập đoàn SEA (Singapore) bơm thêm hơn 1.200 tỷ đồng vốn điều lệ. Trong khi đó, Tập đoàn Alibaba cũng quyết định đổ thêm 2 tỷ USD vào Lazada để tăng khả năng cạnh tranh…

Chính sự rót vốn lớn này mà lần lượt các sàn TMĐT này đang dẫn đầu về lượng người truy cập trong 6 tháng đầu năm 2019. Dữ liệu được thu thập vào tháng 7/2019 cho thấy, Shopee đang dẫn đầu bảng xếp hạng với gần 38,6 triệu lượt truy cập web mỗi tháng, nền tảng bán hàng này cũng xếp hạng số 1 trên môi trường điện thoại di động; Theo sau là Tiki đạt 33,7 triệu lượt truy cập mỗi tháng…

Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2018 là 9 tỷ USD. Báo cáo cũng dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình năm của giai đoạn 2015 – 2018 là 25% và thị trường đạt 33 tỷ USD vào năm 2025. Nếu đúng như kịch bản này thì quy mô thị trường TMĐT Việt Nam vào năm 2025 sẽ đứng thứ 3 ở Đông Nam Á, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD). Với tốc độ tăng trưởng này thì sẽ còn nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia rót vốn trong thời gian tới.

Không chỉ thu hút nhà đầu tư nước ngoài, các startup Việt trong lĩnh vực TMĐT cũng thực hiện nhiều thương vụ gọi vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoại. Điển hình như Sendo.vn, sàn giao dịch TMĐT có lượng truy cập lớn ở Việt Nam, cuối năm 2018, Sendo đã huy động được 51 triệu USD từ 8 nhà đầu tư, bao gồm SBI Holdings, Daiwa PI Partners, SoftBank Ventures Korea. Đây là một trong những vòng gọi vốn lớn nhất đối với giới startup Việt Nam. Trong bản đồ TMĐT Việt Nam nửa đầu năm 2019, Sendo.vn lần đầu tiên đứng ở vị trí thứ 4. Với các nguồn lực tài chính từ các nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia đều nhận định, cuộc chiến TMĐT Việt Nam hứa hẹn sẽ còn nhiều hấp dẫn.

Hiếu Nguyễn

Tin đọc nhiều