Tăng cường tự vệ là cần thiết

09:33 | 06/06/2019

Áp thuế tự vệ không chỉ giúp bảo vệ sản xuất trong nước mà còn tránh nguy cơ rủi ro cho hàng hóa của Việt Nam.

Những bạn hàng lớn từ Đông Bắc Á
Ngành dây cáp điện tìm hướng xuất khẩu
Lo ngại gì khi nhập siêu quay lại?

Bộ Công thương vừa ban hành Quyết định số 1480/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm bằng nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc, với mức thuế bị áp từ 2,46-35,58%. Biện pháp chống bán phá giá tạm thời này sẽ có hiệu lực từ ngày 5/6/2019. Như vậy, các sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không có hợp kim, ở dạng thanh, que hình, đã được đùn ép, đã hoặc chưa xử lý bề mặt, đã hoặc chưa được gia công thêm dùng làm cửa nhôm, vách nhôm, tủ nhôm, trang trí nội ngoại thất, kết cấu trong xây dựng nhà cửa và các công trình xây dựng khác... được các DN nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ chịu tác động bởi các quy định tại Quyết định 1480.

tang cuong tu ve la can thiet
Áp thuế tự vệ không chỉ giúp bảo vệ sản xuất trong nước

Sở dĩ, Bộ Công thương đưa ra quyết định trên là do trước đó, Cục Phòng vệ thương mại đã nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhôm thanh định hình có xuất xứ từ Trung Quốc của 4 công ty có nhà máy sản xuất tại Việt Nam là CTCP Nhôm Austdoor, CTCP Nhôm Sông Hồng, Công ty TNHH Tung Yang và CTCP Tập đoàn Mienhua, cho rằng sản phẩm nhôm nhập khẩu với số lượng lớn từ Trung Quốc với mức giá thấp đã gây thiệt hại cho ngành và các DN sản xuất nhôm trong nước. Sau khi cơ quan điều tra xác nhận hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định của pháp luật, Bộ Công thương đã ra mức áp thuế đối với mặt hàng nhập khẩu này để tăng cường phòng vệ thương mại. Trước đó, bộ này cũng đã quyết định áp dụng mức thuế tự vệ với mặt hàng thép hình chữ H từ Trung Quốc, Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ có mức thuế từ 20% - 29,4%...

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 202,02 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 100,74 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Về nhập khẩu hàng hóa, riêng trong tháng 5/2019, kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 22,8 tỷ USD, tăng 8,6% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng so với tháng trước là vải tăng 11,8%, sắt thép tăng 9,4%, tiếp đó là điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng...

Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 101,28 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 5 tháng có 21 mặt hàng nhập khẩu với trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 80,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. Điều đáng nói là trong số các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ thì có sản phẩm sắt thép, mặc dù thời gian gần đây sản lượng mặt hàng này sản xuất trong nước vẫn không ngừng tăng cao.

Một số chuyên gia cho rằng, thời gian qua do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng leo thang nên không ít sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc đã tìm đường xuất qua những quốc gia khác trong đó có Việt Nam; một số công ty, nhà máy sản xuất đặt tại Trung Quốc có xu hướng di dời qua Việt Nam để tránh mức thuế cao mà Mỹ đang áp cho sản phẩm hàng hóa xuất đi từ quốc gia này. Trong đó, sắt thép là một trong những mặt hàng Trung Quốc hiện đang có kim ngạch xuất khẩu cao sang Mỹ.

“Chính vì vậy, việc trong nước tăng cường các biện pháp tự vệ, áp thuế cao đối với những mặt hàng có nguy cơ xuất sang Việt Nam để chống lẩn tránh thuế nhằm bảo vệ nền sản xuất và các DN nội trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang có diễn biến phức tạp hiện nay là việc làm phù hợp và cần thiết”, một chuyên gia phân tích.

Tuyết Thanh

Tin đọc nhiều