Taxi truyền thống, Uber, Grab: Tự đổi mới để tăng sức cạnh tranh

08:47 | 31/07/2017

Thời báo Ngân hàng có cuộc trao đổi với ông Hồ Huy, Chủ tịch Mai Linh Group xung quanh câu chuyện taxi truyền thống cho rằng phải cạnh tranh không bình đẳng với Grab, Uber. 

Đâu là lợi thế cạnh tranh?
Taxi và cuộc chiến công nghệ
taxi truyen thong uber grab tu doi moi de tang suc canh tranh
Ông Hồ Huy

Ông đánh giá thế nào về thị trường vận tải khi Uber, Grab “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam?

Sau khi thị trường vận tải Việt Nam xuất hiện Uber và Grab thì số lượng phương tiện vận tải hành khách bằng taxi có sự tăng đột biến về số lượng. Ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước về vận tải, phương tiện vận tải taxi cũng gần như không kiểm soát hết được.

Thông thường, việc tăng số đầu xe của các hãng taxi truyền thống là rất khó khăn, phải trình qua nhiều cấp, ngành xem xét và nếu đã hết “quota” so với quy hoạch thì không được phê duyệt. Còn ngược lại với Uber, Grab không chịu sự ràng buộc nào. Vì không đăng ký kinh doanh mà huy động sự tham gia của các xe ô tô cá nhân vào kinh doanh vận tải trên nền tảng công nghệ nên số lượng xe Uber, Grab bùng phát.

Chỉ tính riêng tại TP. Hồ Chí Minh, trong vòng vài năm trở lại đây số lượng taxi Uber và Grab đã lên tới 23.000 xe. Tuy nhiên, con số này mới chỉ là tương đối vì còn rất nhiều xe không đăng ký.

Tại Hà Nội, Sở Giao thông - Vận tải cũng vừa công bố số lượng xe Uber, Grab. Theo đó, tính đến hết ngày 31/5/2017, thành phố này có 4.900 xe Grab, 1.900 xe Uber. Nhưng đây cũng chỉ vì số lượng xe thí điểm được kiểm đếm, còn lượng xe “chui” thì khó nắm bắt được.

Việc tăng nhanh số lượng xe Uber, Grab thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của các hãng taxi truyền thống, thưa ông?

Điều tôi muốn nhấn mạnh là góc độ pháp lý trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi của Uber, Grab. Đây là những DN kinh doanh phần mềm công nghệ thông tin, không phải là DN kinh doanh vận tải. Nhưng thực tế hiện Uber và Grab lại đang hoạt động kinh doanh vận tải như những hãng taxi.

Họ không có pháp nhân ở Việt Nam, không đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Việt Nam, không trang bị các thiết bị dành cho xe kinh doanh taxi… Những điều này hoàn toàn vi phạm các quy định pháp luật của Việt Nam về kinh doanh vận tải bằng taxi.

Mặc dù vậy, Uber, Grab lại tăng rất nhanh về số lượng xe, nhất là ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, khiến thị trường cạnh tranh khốc liệt, trong đó có sự bất bình đẳng về thuế, phí và các điều kiện kinh doanh khác. Qua đó gây thiệt hại lớn về doanh thu cho các hãng taxi truyền thống, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hàng ngàn người lao động.

Ông đang nói về sự bất bình đẳng trong cạnh tranh? Vậy taxi truyền thống thua thiệt như thế nào so với các đối thủ?

Theo quy định hiện hành, DN taxi truyền thống đang được áp dụng 13 quy định về thuế, giá, logo, phù hiệu xe, lái xe… Việc tăng hay giảm giá cước vẫn phải khai báo với cơ quan chức năng như Sở Tài chính, Sở Giao thông - Vận tải…

Còn Uber, Grab không chịu bất kỳ ràng buộc nào. Một xe ôtô cá nhân, tham gia ký kết với Uber hoặc Grab thông qua một hợp tác xã hoặc DN vận tải, sau đó được Uber hoặc Grab đưa vào hệ thống, cấp tài khoản là có thể bắt đầu tham gia chở khách như taxi truyền thống. Giá cước có thể tăng hoặc giảm không cần khai báo. Điều này đồng nghĩa cơ quan quản lý cũng chẳng thể nắm được.

Grab Taxi gia nhập thị trường Việt Nam từ tháng 2/2014. Uber chậm chân hơn đối thủ chút ít, có mặt tại Việt Nam từ tháng 6/2014. Nhưng với những “ưu đãi” khó chấp nhận trong cạnh tranh như nói trên, Mai Linh cũng như các DN taxi truyền thống đều bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu giảm sút. Riêng năm 2016, Mai Linh ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thấp nhất 5 năm gần đây.

Như vậy, quan điểm của ông cho rằng Nhà nước bị thất thu ngân sách vì Uber, Grab?

Theo tôi, ngoài việc khó quản lý về mặt số lượng thì việc thu thuế của một số đơn vị như Uber, Grab cũng gặp khó khăn. Với số lượng xe của Uber, Grab rất lớn như hiện nay thì Nhà nước có thể thất thu được hàng nghìn tỷ đồng.

Nếu như trong năm 2015, Mai Linh và Vinasun nộp ngân sách hơn 460 tỷ đồng; trong 6 tháng đầu năm 2016 nộp ngân sách trên 200 tỷ đồng thì Uber và Grab chỉ được yêu cầu đóng 19,9 tỷ đồng.

Trong điều kiện này, chắc hẳn Mai Linh cũng đang ráo riết để đổi mới chính mình, nếu không muốn tụt hậu?

Mai Linh hiện vẫn tiếp tục tập trung vào lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng taxi và xem đây là mũi nhọn. Để cạnh tranh với Uber và Grab, DN đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng triển khai áp dụng công nghệ gọi xe trong toàn hệ thống, nhất là trong điều kiện cạnh tranh không bình đẳng. Mai Linh coi việc áp dụng công nghệ trong thời kỳ CMCN 4.0, hội nhập quốc tế là sự sống còn. Chúng tôi áp dụng công nghệ theo văn hóa Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế để phát triển bền vững.

Từ giữa tháng 5, tại TP. Hồ Chí Minh, Mai Linh đã áp dụng mức giá mở cửa chỉ 5.000 đồng. Đây là một giải pháp về giá để cạnh tranh với Uber, Grab. Một yếu tố quan trọng giúp cạnh tranh là Mai Linh sẽ tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Xin cảm ơn ông!

PV thực hiện

Tin đọc nhiều