Thẻ thanh toán: Hiệu quả cần được khẳng định

11:00 | 09/02/2017

Từ những nỗ lực của các NH trong việc cung ứng và quảng bá sản phẩm, dịch vụ người dân đã bắt đầu quen với một phương tiện thanh toán tiện lợi, nhanh gọn, dễ đăng ký, dễ sử dụng.

Doanh số chi tiêu thẻ thanh toán quốc tế tăng mạnh
Những nguyên tắc bảo mật cho thẻ thanh toán
Kinh doanh online: Dùng thẻ thanh toán để không mất tiền

Thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở thành một trong những phương thức thanh toán chủ đạo của người dân tại Việt Nam. Để dịch vụ thẻ thanh toán phát triển bền vững và hiệu quả, các TCTD cũng như công ty liên kết đang tấp cập đưa ra thêm nhiều giải pháp phù hợp hơn nữa để hướng tới mục tiêu chung đưa tiền mặt lui về phía sau chiếc thẻ nhựa.

Định hình và phát triển

Nhiều năm qua, các NH liên tục đầu tư CNTT hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ thanh toán theo Quyết định số 291/2006/TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006 - 2011 và đặc biệt sự ra đời của Quyết định số 20/2007/NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam điều chỉnh các quy định về phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ NH, dịch vụ thẻ thanh toán thực sự sôi động.

Từ những nỗ lực của các NH trong việc cung ứng và quảng bá sản phẩm, dịch vụ người dân đã bắt đầu quen với một phương tiện thanh toán tiện lợi, nhanh gọn, dễ đăng ký, dễ sử dụng.

the thanh toan hieu qua can duoc khang dinh
Việc sử dụng thẻ đang ngày trở nên phổ biến với người tiêu dùng Việt Nam

Cụ thể hơn, nếu như năm 2007, toàn thị trường mới có khoảng gần 9,34 triệu thẻ thì đến nay các đơn vị đã phát hành trên 110 triệu thẻ. Với dân số khoảng 90 triệu người, thì bình quân mỗi người sở hữu hơn một thẻ NH. Cùng với sự gia tăng số lượng thẻ, doanh số thanh toán và doanh số sử dụng thẻ NH cũng tăng trưởng không ngừng.

Một điểm đáng chú ý đối với thị trường thẻ thanh toán trong 10 năm qua tại thị trường Việt Nam mà người ta được chứng kiến nữa là khi NHNN bắt đầu cấp phép thí điểm cho các công ty công nghệ tài chính (còn gọi là fintech) được thực hiện các dịch vụ trung gian thanh toán đã tạo thành lực đẩy cho các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ.

Những cái tên như Mobivi, Payoo, VNPay, VNPT EPay, Nganluong và ECPay… ngày càng phổ biến với các hình thức thanh toán đa dạng. Theo ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc VietUnion, qua mỗi năm, các công ty đều đưa ra những giải pháp thanh toán ưu việt hơn bằng cách tích hợp các dịch vụ trên nền tảng công nghệ nhằm hỗ trợ mọi phân khúc khách hàng khác nhau, thuận tiện từ khâu lựa chọn đến khâu thanh toán.

Chỉ tính riêng Payoo đã có hơn 4.000 điểm thanh toán. Công ty này liên kết với hơn 40 nhà cung cấp dịch vụ tiện ích với hệ thống hơn 100 loại hàng hóa khác nhau, kết nối hơn 20 NH và hơn 200 đơn vị thương mại điện tử, công ty bảo hiểm, cho vay tài chính… Ngoài Payoo, trên thị trường đang có hàng chục công ty fintech hoạt động rất mạnh.

Vẫn cần thêm giải pháp

Với những số liệu có được, có thể nói 10 năm qua là một giai đoạn đầy khó khăn của lĩnh vực thanh toán với nhiều hình thức mới mẻ cho cả nhà cung cấp lẫn người tiêu dùng. Và cũng phải thừa nhận rằng các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán vừa phải khai phá thị trường vừa chịu những rào cản về tâm lý, chính sách quản lý chưa tương thích lẫn thói quen của người tiêu dùng.

Song với nỗ lực không mệt mỏi, sự đầu tư thích đáng cho công nghệ của các TCTD và đơn vị trung gian thanh toán, thanh toán không dùng tiền mặt từng bước định hình và phát triển. Yêu cầu và nhu cầu của khách hàng ngày càng cao nên chúng ta có thể nhận thấy có sự “đuổi bắt” giữa cung và cầu trong thị trường thanh toán. Vì dịch vụ tốt đến đâu thì nhu cầu của người tiêu dùng cao đến đó. Do vậy, có ý kiến cho rằng các loại hình thẻ thanh toán mới được hình thành góp phần thay đổi cái nhìn về dịch vụ tài chính hiện đại. Nhưng nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao cũng tạo nên sức ép thay đổi đối với các nhà cung cấp.

Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Bình Phương, Phó Tổng giám đốc Nam A Bank cho rằng, dù đạt được nhiều thành tựu như trên nhưng những nhà cung cấp dịch vụ thẻ thanh toán tại Việt Nam còn nhiều biểu hiện phát triển chưa bền vững. Thực tế, vẫn còn một số NH chủ yếu thiên về số lượng, chưa đi kèm với sự thay đổi căn bản về chất lượng cũng như tăng cường giao dịch của chủ thẻ sau khi đã phát hành thẻ.

Và chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế là hiện nhiều chủ thẻ vốn quen với việc sử dụng tiền mặt và dễ dàng tiếp cận với nguồn tiền mặt luân chuyển nên họ vẫn chưa có thói quen mua hàng hóa dịch vụ bằng thẻ mà dùng nó để rút tiền mặt tại ATM để thanh toán. Điều đó lý giải vì sao việc mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ của các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Còn theo ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Techcombank, ngày nay các công ty giải pháp tài chính đã có sự liên kết chặt với NH để sở hữu những thế mạnh riêng và bổ sung cho nhau trong việc hợp tác phát triển ngành tài chính toàn diện. Tuy nhiên, NH với nền tảng khách hàng hiện tại và mạng lưới chi nhánh rộng khắp vẫn chưa phải là lợi thế, nhất là thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn khá phổ biến.

Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tuy đã có khá nhiều nhưng chưa có chính sách mang tính đột phá để tạo một lực bẩy cho công cụ thanh toán thẻ và thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, do chưa có các quy định được luật hóa về việc yêu cầu kinh doanh dịch vụ đặc thù phải thực hiện thanh toán qua NH (như một số nước đã thực hiện) nên các đơn vị kinh doanh hàng hóa dịch vụ, thậm chí ngay cả nhiều đơn vị kinh doanh bán lẻ lớn vẫn không sẵn sàng chấp nhận thanh toán thẻ. Lý do chính là tâm lý thích tiền mặt và có thể là một số thủ thuật để có lợi trong quá trình nộp thuế thu nhập trong hoạt động kinh doanh.

Từ những khó khăn hiện hữu, giới tài chính cũng như các công ty giải pháp tài chính kỳ vọng trong năm 2017 này, Nhà nước cần xem xét có quy định về các loại hình kinh doanh bắt buộc phải chấp nhận thanh toán qua NH nhằm minh bạch hóa các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh và cũng là tạo cơ sở cho việc theo dõi và quản lý thuế như hoạt động lữ hành du lịch, khách sạn, giao dịch bất động sản…

NHNN cũng cần có những quy định chặt chẽ hơn hạn mức được phép thanh toán bằng tiền mặt, bao gồm cả các khoản chi từ ngân sách để đem lại hiệu quả chung cho nền kinh tế. Hay ở góc nhìn khác, một lãnh đạo NHTM cho rằng, NHNN cần xem xét đề xuất với các cơ quan liên quan có hình thức xử lý, chế tài nặng với những đơn vị kinh doanh không muốn chấp nhận thẻ vì sợ phải minh bạch hóa các nguồn thu.

Thị trường thẻ thanh toán đang có đà phát triển tốt, thế nên, chỉ cần một “cú hích” nữa, thị trường sẽ được thay đổi mang tính cấu trúc và cách thức vận hành. Nói như một chuyên gia tài chính, thách thức của thị trường thẻ thanh toán đối với nhà hoạch định chính sách trong năm mới là khung pháp lý cần cải tiến để thích ứng với thay đổi “vừa chấp nhận đột phá, vừa kiểm soát được các biến động, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng và duy trì tính thống nhất của thị trường”...

Nhà nước cần xem xét có quy định về các loại hình kinh doanh bắt buộc phải chấp nhận thanh toán qua NH nhằm minh bạch hóa các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh và cũng là tạo cơ sở cho việc theo dõi và quản lý thuế như hoạt động lữ hành du lịch, khách sạn, giao dịch bất động sản…

Quỳnh Vũ

Tin đọc nhiều