Thương mại điện tử thu hút đầu tư

14:00 | 02/07/2018

Tăng trưởng bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam ở mức 35%/năm và đang thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Kết nối thị trường bằng thương mại điện tử
Thương mại điện tử hỗ trợ xuất khẩu

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2017 đã có hơn 20 thương vụ được đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) tại khu vực châu Á với tổng giá trị 83 triệu USD. Tiếp tục đà phát triển này, đầu năm 2018 kênh TMĐT lại cho thấy sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó phải kể đến, JD.com rót 44 triệu USD vào Tiki, đồng thời hợp tác cùng Central Group.

thuong mai dien tu thu hut dau tu
Ảnh minh họa

Tương tự, đại diện Tập đoàn Alibaba cho biết, sẽ đầu tư thêm 2 tỷ USD vào Lazada, nâng tổng nguồn vốn lên đến 4 tỷ USD. Nhận thức rõ thị trường TMĐT tiềm năng của Việt Nam, đồng thời không để miếng bánh màu mỡ về tay kẻ khác, Amazon cũng chọn Việt Nam là điểm đến thứ hai tại thị trường Đông Nam Á, sau Singapore.

Theo giới đầu tư, tốc độ tăng trưởng bán lẻ trực tuyến của Việt Nam ở mức 35%/năm. Dự kiến, doanh thu của thị trường này tại Việt Nam sẽ đạt 2,3 tỷ USD vào năm 2020, thay vì 1 tỷ USD trong năm 2016. Chính vì tiềm năng tăng trưởng của thị trường TMĐT, cho nên không chỉ các DN ngoại đầu tư vào kênh này mà DN trong nước cũng “đua” nhau, ồ ạt rót vốn nhằm lấy lòng người tiêu dùng hiện đại.

Trong một vài năm trở lại đây, thị trường chứng kiến sự “so găng”chưa có hồi kết giữa DN nội vào DN ngoại. Song nhờ vậy, người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn và tiếp cận với dịch vụ TMĐT chất lượng ngày càng hoàn thiện hơn của những DN trong nước như Điện máy xanh, Thế giới di động, Vingroup…

Đánh dấu cho bước chuyển mình trong hoạt động thương mại kể trên sàn giao dịch badasa.com.vn ra đời nhằm kết nối với các nhà sản xuất, nhà cung cấp sản phẩm với nhau trong nhiều ngành trên mọi miền. Với sàn giao dịch Badasa, người mua và người bán sẽ thực hiện giao thương trực tiếp. Vietnam Post có vai trò thực hiện dịch vụ chuyển hàng, thu tiền trên toàn quốc nhờ tận dụng phương tiện vận chuyển của đơn vị này đã có trước đây.

Mặc dù được đánh giá khá cao tiềm năng phát triển của TMĐT, song giới chuyên gia cho rằng, DN khi đã đầu tư vào lĩnh vực này cần thực hiện kế hoạch mang tính dài hơi. Trường hợp không triển khai tốt, cũng như không đặt ra được chiến lược phù hợp các trang TMĐT sẽ sớm đi vào dĩ vãng. Chứng minh thực tế, thời gian qua một số trang TMĐT đã phải dời bỏ thị trường trong thời gian định hình và phát triển. Đơn cử như trang web 123 mua từ tay của tập đoàn VNG đã chuyển sang cho FPT sau một thời gian dài đầu tư, Deca cũng bị bỏ qua khi hoạt động đầu tư không hiệu quả…

Cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực TMĐT, bán hàng trực tuyến đang buộc các trang thương mại tự nâng cấp và làm mới mình để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng hiện đại với hàng loạt yêu cầu rẻ, đẹp, nhanh. Một số đại diện các trang TMĐT khẳng định, sẽ hợp tác với các thương hiệu thời trang, hàng tiêu dùng trong và ngoài nước để người tiêu dùng có nhiều trải nghiệm khi mua sắm. Mong muốn tạo điều kiện thật tốt cho khách hàng hiện đại, một số trang mạng cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Theo đó, trường hợp khách hàng mua một chiếc điện thoại trên TMĐT khách hàng được cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm như nhập từ nhà cung cấp nào, bảo hành ra sao...

Thậm chí, nhiều DN TMĐT đã không tiếc tiền lên kế hoạch đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hậu cần với các nhà kho lớn đặt tại Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ cùng các trung tâm giao nhận trên khắp cả nước hướng đến kéo giảm thời gian giao hàng ngắn nhất có thể. Bởi vì, khách hàng không thật sự hài lòng với những đơn hàng có thời gian giao quá lâu.

Ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Công ty Giao nhận LEX Express cho rằng, nhu cầu giao hàng trong ngày (khoảng 3 – 4 giờ) đang gia tăng nhanh chóng, nếu DN không đáp ứng tốc độ này thì khó lòng cạnh tranh. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là việc sắp xếp trình tự giao nhận phải linh hoạt hơn, cần di chuyển nhanh và nhiều hơn cũng như cần có những phương thức hiệu quả hơn nhằm thu hút khách hàng. Ngoài ra, một trong những thách thức lớn nhất đối với nhà bán lẻ trực tuyến chính là xử lý lượng hàng hóa khổng lồ trong giỏ hàng, cho nên cần không gian kho hàng lớn gấp 3 – 4 lần so với trước đây.

Nhìn ở một khía cạnh khác, cùng với những thay đổi, nỗ lực hoàn thiện chuỗi cung ứng các DN TMĐT, các nhà đầu tư lĩnh vực này cũng mong muốn nhà nước tạo ra hành lang pháp lý rộng mở để thu hút nhiều DN tham gia. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ thanh toán điện tử được triển khai rộng rãi, hạn chế giao dịch bằng tiền mặt. Bên cạnh đó, cũng cần có chế tài hiệu quả nhằm hạn chế những trang TMĐT kém uy tín làm ảnh hưởng đến thị trường chung.

Tuyết Thanh

Tin đọc nhiều