TP.HCM: Đưa Cần Giờ thành khu du lịch biển quốc tế

14:00 | 14/01/2019

Sau 40 năm sáp nhập vào TP. HCM (29/12/1978 - 29/12/2018), Cần Giờ đã thay đổi và có những bước tiến tăng trưởng kinh tế bền vững theo hướng dịch vụ, nông nghiệp, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế biển; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng; bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ…

BĐS du lịch biển: Cơ hội lớn nhưng thách thức còn nhiều
Đầu tư đúng để phát triển du lịch biển

Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng khẳng định: “Cần Giờ là huyện biển duy nhất của TP. HCM có vị trí quan trọng trong thực hiện Chiến lược biển và lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Do đó, huyện cũng xác định xây dựng Cần Giờ thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí tầm cỡ khu vực và quốc tế”.

tphcm dua can gio thanh khu du lich bien quoc te
Cần Giờ đã có những tăng trưởng kinh tế bền vững

Vào tháng 1/2018, UBND TP. HCM đã có ý kiến về quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Theo đó, quy hoạch cần phải bảo tồn hệ sinh thái của khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ. Bên cạnh đó, cũng cần đảm bảo không làm ảnh hưởng địa hình lòng sông, không gây xói lở ven bờ và không ảnh hưởng đến giao thông đường thủy nội địa, hàng hải kết nối với các cảng của thành phố; đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, khả năng phòng thủ bờ biển khu vực Cần Giờ…

Đến tháng 6/2018 UBND TP. HCM đã giao huyện Cần Giờ tổ chức lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ với quy mô 2.870ha, tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh. Hiện UBND TP.HCM đang xem xét phương án thiết kế kiến trúc cầu để kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm TP.HCM; nâng cấp, cải tạo đường Rừng Sác; phát triển hệ thống giao thông đường thủy bằng tàu cao tốc nối Cần Giờ với quận 1, nối Cần Giờ với Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, phát triển tuyến giao thông kết nối bằng máy bay trực thăng từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Cần Giờ và đầu tư cầu vượt biển hiện đại nối liền Cần Giờ - Vũng Tàu (dài khoảng 17km) cũng là những khả năng mà TP. HCM sẽ xem xét trong quá trình đầu tư phát triển huyện Cần Giờ.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó giám đốc Sở Du Lịch TP. HCM, một số thành phố trên thế giới đã rất thành công trong việc phát triển các khu đô thị du lịch lấn biển, như Singapore, Dubai... Và Cần Giờ cũng cần có điểm nhấn đặc biệt, tuy nhiên, việc lựa chọn phương án nào, cần có sự tính toán toàn diện, để đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ sinh thái cũng như không ảnh hưởng đến môi trường, đời sống, kinh tế của người dân.

Bí thư Thành uỷ TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, Cần Giờ đang thực sự phát triển từ một địa phương có nhiều khó khăn. Hiện nay, Cần Giờ có lượng du khách tăng bình quân hơn 50%/năm, doanh thu từ du lịch năm gần đây hơn 500 tỷ đồng/năm. Với Cần Giờ, TP.HCM trở thành một siêu đô thị có biển, có Khu dự trữ sinh quyển của thế giới mà các đô thị khác trong cả nước không có.

Để phát triển huyện Cần Giờ, Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với công nghệ cao, đem lại hiệu quả cao, đồng thời gìn giữ môi trường; có các mô hình sản xuất tập thể, trang trại gắn với doanh nghiệp. Cùng với đó là việc đẩy mạnh khai thác thế mạnh du lịch của huyện Cần Giờ, trong đó có hệ thống sinh thái độc đáo của rừng ngập mặn Cần Giờ với môi trường tự nhiên xanh - sạch - đẹp...

"Nếu chúng ta có tổ chức giao thông và phục vụ tốt hơn, riêng lượng khách từ TP. HCM đến đây đã góp phần lớn vào thu nhập của người dân địa phương. UBND thành phố sẽ trình cơ quan chức năng xem xét về việc thực hiện dự án phát triển Cần Giờ thành khu đô thị du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế nhưng không làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên”, ông Nhân nói.

Ngọc Hậu

Tin đọc nhiều