Trung tâm mua sắm: Áp lực từ doanh nghiệp ngoại

10:16 | 11/12/2015

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, chỉ trong vài năm gần đây, các trung tâm mua sắm (TTMS) ở Việt Nam mọc lên ngày càng nhiều cả về quy mô lẫn số lượng. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn quốc tế thì TTMS ở Việt Nam đại đa số ở dạng vừa và nhỏ. 

trung tam mua sam ap luc tu doanh nghiep ngoai
Ảnh minh họa

Đặc biệt, thực tế hoạt động kinh doanh của hầu hết các TTMS ở Việt Nam không hiệu quả, phần lớn vẫn phải chịu cảnh thua lỗ, gian hàng ảm đạm, khách đến xem hàng là chủ yếu chứ không mua sắm…

Dẫn chứng, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, nhiều trung tâm lớn, vốn đầu tư cao, có vị trí đắc địa đã phải tạm ngừng hoạt động hay thậm chí là đóng cửa như Hàng Da Galleria, Grand Plaza...

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, bà Loan cho rằng sở dĩ các TTMS chưa thành công, là do tâm lý của người Việt vẫn thích những loại hình bán lẻ theo kiểu “chợ truyền thống”, nên việc kinh doanh các mặt hàng cao cấp/xa xỉ ở các TTMS thực tế chỉ dành cho một phân khúc người tiêu dùng nhỏ và khá phân tán khi họ thường mua hàng ở nước ngoài, hàng xách tay, online…

Cùng với đó là ảnh hưởng của suy thoái và khủng hoảng kinh tế (kéo dài từ 2008 đến nay) đến sức mua bình quân của người tiêu dùng, dẫn đến tâm lý “thắt chặt” hầu bao. Nguồn cung mặt bằng bán lẻ phong phú hơn nhưng giá thuê vẫn ở mức cao khiến nhiều DN bán lẻ không thể tiếp cận.

TTMS và bán hàng trực tuyến phát triển nhanh, cạnh tranh trực tiếp với nhau và các định dạng khác. Và đặc biệt, nhiều TTMS chưa có chiến lược marketing thu hút khách hàng và hỗ trợ khách hàng cũng như quảng bá hình ảnh…

Và nhiều người cho rằng, một số TTMS hoạt động không có hiệu quả, cũng không ít ý kiến lo ngại TTMS đang ở cảnh chợ chiều, thậm chí nó còn được ví von là “xác chết biết đi”. Tuy nhiên, bà Loan vẫn cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của các TTMS vẫn sẽ là xu hướng trong thời gian tới của ngành bán lẻ hiện đại (?).

Từ thực trạng đó, các chuyên gia nhận định rằng đây cũng chính là những điểm yếu trong lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam hiện nay. Nguyên nhân được đưa ra là các TTMS đang còn thiếu và yếu trong tính chuyên nghiệp, chiến lược phát triển dài hạn, tiềm lực tài chính và logistics. Theo đó, các DN vẫn đang hoạt động trong tình trạng bến bãi phân tán, kém hiệu quả, kho hàng hạn chế khiến lượng hàng dự trữ mỏng, mạng lưới phân phối chưa thể hiện sự chuyên nghiệp…

Thêm nữa, các đối thủ ngoại cùng ngành đang đầu tư mạnh vào Việt Nam, khiến DN trong nước cũng đứng trước nhiều thách thức. Nếu không chủ động phát triển theo xu hướng hiện đại và chuyên nghiệp sẽ dễ mất cơ hội làm chủ trên sân nhà.

Xét trên tổng thể, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, ngành bán lẻ đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn khi Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại.

Theo ông Tuyển, nguyên nhân chính là do những cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ, phân phối trong các hiệp định mới có thay đổi so với quy định trong WTO, như những quy định liên quan đến việc kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) với việc mở cơ sở bán lẻ thứ hai, sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam.

Và gần đây, việc kết thúc đàm phán và chuẩn bị ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định thương mại với EU, việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN… cũng là những chất xúc tác thu hút các nhà bán lẻ ngoại. “Sự tham gia ngày càng nhiều hơn của các nhà bán lẻ nước ngoài cũng sẽ mở ra nhiều phương thức kinh doanh mới mà các DN nội địa cần phải chuẩn bị, vừa thích nghi vừa học tập”, ông Trương Đình Tuyển khẳng định.

Hà Sơn

Tin đọc nhiều