TTTTTD Quốc gia Việt Nam: Sức mạnh đến từ TTTD

09:54 | 06/09/2017

Là một trong những đơn vị chủ chốt thực hiện dự án FSMIMS của NHNN Việt Nam, Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã triển khai thành công các hợp phần của dự án, qua đó nâng cao tính minh bạch của thông tin tín dụng (TTTD), tạo sức bật cho tín dụng đi vào nền kinh tế. 

Tìm hiểu về thông tin tín dụng
Hệ thống xếp hạng tín dụng: Bộ lọc mang tên CIC

Được biết, mục tiêu của dự án là hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, CIC và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam nâng cao chất lượng thực hiện các chức năng chính của mình phù hợp với các chuẩn quốc tế cho khu vực ngân hàng thông qua việc: Xây dựng một hệ thống tập trung, tích hợp các quy trình nghiệp vụ và một kiến trúc công nghệ thông tin hiện đại; và tăng cường năng lực thể chế để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ của mình.

tttttd quoc gia viet nam suc manh den tu tttd
Trụ sở CIC

Hợp phần 1 của dự án được triển khai thành công đã giúp CIC sắp xếp lại quy trình nghiệp vụ; cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ cung cấp cho khách hàng; phát triển, đào tạo cán bộ những kiến thức lập báo cáo tín dụng mới cũng như trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết để sử dụng những kiến thức và quy trình mới.

Các hoạt động chính của hợp phần 1 là các dịch vụ tư vấn ngắn hạn hỗ trợ sắp xếp lại quy trình nghiệp vụ và cải tiến chất lượng các yêu cầu báo cáo TTTD, hỗ trợ dài hạn cho việc áp dụng các quy trình mới và đảm bảo chất lượng của các sản phẩm mới; các chương trình đào tạo kỹ năng chuyên môn và lập kế hoạch IT, quản lý và các vấn đề liên quan. Sau khi hoàn thành, hợp phần 1 đã mang lại kết quả khá khả quan.

Từ thắng lợi của Hợp phần 1 dự án FSMIMS, CIC đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tin tưởng giao triển khai Hợp phần 2. Hợp phần này nhằm hỗ trợ CIC mua sắm và cài đặt các hệ thống dữ liệu tập trung hoá phục vụ cho việc thu thập, lưu trữ, xử lý, phân tích và chia sẻ TTTD.

Các hệ thống hiện tại là tự xây dựng và đang hoạt động với công suất tối đa. Để CIC có khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng một cách nhanh chóng của thị trường đối với thông tin trong kỷ nguyên mở rộng tín dụng theo cấp số nhân, một kiến trúc hệ thống IT tập trung hoá sẽ được trang bị và triển khai.

Yêu cầu cốt yếu khi thực hiện hợp phần này là CIC phải xây dựng được một kho lưu trữ dữ liệu lõi để thu thập các dữ liệu báo cáo đến và xử lý/hợp nhất chúng để đáp ứng các nhu cầu người sử dụng.

Thực hiện hợp phần này và để đáp ứng các yêu cầu của dự án, CIC đã triển khai thực hiện Hợp đồng CG1 “Các ứng dụng quản lý dữ liệu CIC (các máy chủ chính, kho dữ liệu lõi, ứng dụng liên quan)”. Hệ thống CG1 bắt đầu vận hành từ ngày 6/3/2016 và hoạt động tương đối ổn định, đem lại nhiều lợi ích cho NHNN trong công tác quản lý cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp tin cho khách hàng.

Hệ thống này đã đảm bảo tính bao quát, thu thập tất cả các chỉ tiêu TTTD vào Cơ sở dữ liệu TTTD Quốc gia: cập nhật vào kho dữ liệu TTTD Quốc gia được hơn 25 triệu mã CIC; các loại thông tin về hồ sơ pháp lý, hợp đồng tín dụng, thẻ tín dụng, tài chính doanh nghiệp, tài sản bảo đảm... đều từng bước được rà soát và nâng cao chất lượng theo các chỉ tiêu thông tin; thu thập và xử lý dữ liệu từ VAMC về các khoản nợ xấu đã mua vào cơ sở dữ liệu quốc gia định kỳ hàng tháng, từ Trung tâm hỗ trợ đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

Bên cạnh đó, hệ thống cũng nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm cung cấp cho các đối tượng sử dụng như: cung cấp thông tin cho Ban Lãnh đạo NHNN để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý nợ xấu của các TCTD; cung cấp cho các đơn vị chức năng như Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; Vụ Dự báo, thống kê; Vụ Chính sách tiền tệ; chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố trong đánh giá, phân tích tình hình hoạt động tín dụng của các TCTD theo địa bàn, vùng miền.

Đối với TCTD và khách hàng vay, hệ thống giúp cải tiến chất lượng sản phẩm, phát triển các sản phẩm mới; tăng cường cung cấp thông tin tự động; rút ngắn thời gian tạo lập và cung cấp thông tin; đáp ứng yêu cầu cung cấp TTTD cho khách hàng vay pháp nhân và thể nhân theo quy định, góp phần nâng cao tính minh bạch, khách quan của TTTD và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng vay. Đặc biệt, khi thực hiện dự án CG1, TTTD cung cấp từ hệ thống mới phù hợp với các thông lệ PCR của các nước OECD.

Theo CIC, hệ thống mới sau khi đi vào vận hành đảm bảo tính bao quát, thu thập tất cả các chỉ tiêu TTTD vào Cơ sở dữ liệu TTTD Quốc gia. Thông tin thu thập hiện tại bao gồm các chỉ tiêu báo cáo theo TT02, TT03 và một số nhóm thông tin ngoài ngành. Trong thời gian tới, CIC có kế hoạch làm việc để bổ sung thêm nguồn thông tin từ các tổ chức khác như thông tin thẻ căn cước (Bộ Công an), thông tin thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại…

Bên cạnh đó, hệ thống mới đi vào vận hành đã nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm cho các đối tượng sử dụng. Đối với đối tượng khai thác là NHNN, hệ thống đáp ứng yêu cầu cung cấp báo cáo định kỳ và đột xuất cho các đơn vị khai thác là các vụ, cục, Chi nhánh NHNN và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Đối với đối tượng sử dụng là TCTD và khách hàng vay, hệ thống đáp ứng yêu cầu cải tiến chất lượng, phát triển các sản phẩm mới, tăng cường cung cấp thông tin.

Hệ thống mới đã cung cấp TTTD cho TCTD và khách hàng vay, rút ngắn thời gian cung cấp thông tin xuống còn 1 phút cho 90% yêu cầu khai thác, thời gian chờ tối đa trong vòng 3 ngày. Cùng với hệ thống công nghệ thông tin mới, CIC đã đưa vào khai thác nhiều sản phẩm mới trong các module Báo cáo cho NHNN (M3), Quản lý rủi ro tín dụng (M4), Đăng ký tín dụng và báo cáo tín dụng của người vay (M5), góp phần nâng cao tính minh bạch, khách quan của TTTD và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng vay.

Thanh Thủy

Tin đọc nhiều