Chung tay cải cách hành chính công | |
Cam go nhất là cuộc đấu tranh giữa “cũ” và “mới” | |
Thước đo cho cải cách hành chính |
Nhiều điểm nóng cần cải cách của thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực hải quan vẫn chưa được giải quyết như kỳ vọng của DN. Hơn 1.000 DN phản hồi khảo sát đánh giá cải cách TTHC hải quan năm 2016 đã khái quát lên kết quả chung này và đặt ra nhiều vấn đề để ngành hải quan tiếp tục cải thiện chính mình. Kết quả vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng cục Hải quan công bố ngày 27/4.
Chưa có chuyển biến lớn
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, khảo sát được chia thành 5 nội dung chính, và nội dung tiếp cận thông tin quy định về hải quan và TTHC hải quan được DN đánh giá tích cực với nhiều chuyển biến đáng kể so với năm 2015. Theo đó, khi tìm hiểu thông tin qua các kênh như cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan; các lớp tập huấn, đào tạo do cơ quan hải quan tổ chức; đối thoại với cơ quan hải quan; gửi công văn đề nghị cung cấp thông tin… tỷ lệ DN cho biết hài lòng/hoàn toàn hài lòng đều ở mức cao 81-97%, gia tăng đáng kể so với năm 2015.
Tuy nhiên, DN cho rằng vẫn còn một số hạn chế như các quy định pháp luật liên quan đến thủ tục hải quan thường xuyên thay đổi; có rất nhiều quy định về chính sách thủ tục hải quan mà DN không thể cập nhật kịp thời… Nhìn chung, tỷ lệ DN gặp vướng mắc khi tìm hiểu thông tin đã giảm xuống mức 47% so với 54% của năm 2015, song VCCI cho rằng con số này vẫn còn khá cao.
Bên cạnh đó, mức độ hài lòng của DN đối với kết quả phản hồi từ cơ quan hải quan về vướng mắc cũng chưa có chuyển biến lớn. DN cho rằng công văn trả lời cho các vấn đề vướng mắc của DN còn chung chung, chủ yếu đưa ra các thông tư, nghị định mà không có câu trả lời rõ ràng và các hướng dẫn cụ thể cho DN.
Sự phục vụ của cán bộ, công chức hải quan chưa được chấm điểm tích cực |
Đánh giá về thực hiện TTHC hải quan, nhìn chung DN tương đối thuận lợi, nhưng vẫn có trên 20% DN gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục hoàn thuế, không thu thuế, kiểm tra sau thông quan, xét miễn thuế, và giải quyết khiếu nại. Riêng kiểm tra sau thông quan, tỷ lệ DN gặp khó khăn tăng khá mạnh so với năm 2015 (26% so với 19%). Khi thực hiện thủ tục này, 38% DN cho biết nội dung kiểm tra bị chồng chéo, trùng lắp; 36% đồng ý thời gian kiểm tra luôn bị kéo dài hơn so với kế hoạch đã thông báo; 35% DN phải chi trả chi phí không chính thức trong các lần kiểm tra.
Sự phục vụ của cán bộ, công chức hải quan là nội dung chưa được chấm điểm tích cực. Đối với cả 5 tiêu chí đánh giá mức độ kỷ cương của công chức hải quan, tỷ lệ DN nhận xét cao/rất cao đều chỉ nằm trong khoảng 28-37%. Đồng thời, 4/5 tiêu chí này bị giảm điểm so với năm 2015. Đối với đánh giá mức độ am hiểu chuyên môn, nghiệp vụ của công chức hải quan, tỷ lệ DN đánh giá khá/tốt cũng chỉ nằm quanh mức 50% đối với mỗi thủ tục.
Nhìn chung, các DN cho rằng một số công chức hải quan chưa nắm bắt kịp thời các quy định mới nên khâu giải quyết thủ tục cho DN còn chậm, làm mất thời gian và phát sinh chi phí ngoài quy định; thái độ của công chức hải quan với DN còn chưa tốt; các vị trí thường xuyên thay đổi, luân chuyển, và khi thay đổi thì cách xử lý của mỗi người lại khác nhau… Điều đáng ngại khác là tỷ lệ DN cho biết phải trả chi phí không chính thức đã tăng nhẹ từ mức 28% năm 2015 lên 31%.
Đánh giá về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, có 25% DN tham gia khảo sát đánh giá là khó/rất khó. Cụ thể, 93% DN cho rằng quy định về kiểm tra chuyên ngành quá nhiều; 89% DN cho rằng quy định không phù hợp thực tế; 82% DN cho rằng các cơ quan phối hợp chưa tốt; 81% DN cho rằng thời gian kiểm tra chuyên ngành theo quy định quá dài…
Cuối cùng, về cơ chế một cửa quốc gia, có 35% DN trong số tham gia khảo sát đã từng thực hiện TTHC trên cổng thông tin cơ chế một cửa quốc gia. DN cho biết có nhiều thuận lợi khi thực hiện TTHC trên hệ thống này, nhưng cũng gặp phải không ít khó khăn như hệ thống hay báo lỗi (39%), đường truyền chậm, tắc nghẽn (35%), kết nối với các bộ chưa nhiều (26%)…
Cần sự chung tay phối hợp
Với kết quả khảo sát trên, các DN kiến nghị ngành hải quan cần tiếp tục có nhiều cải cách hơn nữa trong thời gian tới, tập trung vào một số lĩnh vực như tiếp tục đơn giản hoá TTHC, nâng cao chất lượng cung cấp thông tin, tăng cường quan hệ đối tác DN – hải quan, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin…
Mặc dù vậy, ông Đậu Anh Tuấn cũng lưu ý rằng trong một số thủ tục, ngành hải quan vẫn đang chịu tiếng oan gây phiền hà cho DN, bởi có nhiều khâu trong thủ tục hải quan liên quan tới hoạt động quản lý của bộ, ngành khác. Tiêu biểu là thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Ông Tuấn cho biết, Nghị quyết 19 yêu cầu các bộ, ngành công bố danh mục hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành, thời hạn thực hiện là trong quý I/2017. Tuy nhiên đến nay đã gần hết tháng 4 mà vẫn chưa có bộ, ngành nào thực hiện công bố này, khiến kiểm tra chuyên ngành vẫn là một thủ tục gây khó khăn cho DN, là điểm nghẽn khó gỡ trên môi trường đầu tư.
Ông Kim Long Biên, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban cải cách hiện đại hoá, Tổng cục Hải quan cùng đồng tình và cho rằng, để cải cách TTHC hải quan thì sự tham gia của cơ quan quản lý chuyên ngành là hết sức cần thiết. Ông khuyến nghị các bộ, ngành cần triển khai tích cực, quyết liệt hơn nữa các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra trong Nghị quyết 19 để đảm bảo đạt được các mục tiêu đặt ra.
Ông Vũ Ngọc Anh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định, ngoài sự hợp tác của các bộ, ngành, thời gian tới cơ quan hải quan sẽ tiếp tục nỗ lực cải cách và tạo mọi thuận lợi cho DN. Ông thừa nhận, đối với mỗi loại hình, quy mô DN, cán bộ hải quan cần có cách tiếp cận khác nhau. Đối với các DN lớn, có thâm niên và lý lịch tốt thì cần có cách tiếp cận khác, giảm bớt người làm công tác kiểm tra kiểm soát và giảm bớt thời gian cho DN.
Ngọc Khanh