DN giảm lợi nhuận 15-20% vì phí cảng biển của Hải Phòng | |
Cải cách hoà nhịp cùng cuộc sống | |
Gia tăng sức bật cho kinh tế cảng |
Đã hơn một tháng qua kể từ thời điểm Nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND ngày 13/12/2016 của HĐND TP. Hải Phòng (Nghị quyết 148) về việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực các cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP. Hải Phòng có hiệu lực nhưng cộng đồng DN dường như vẫn chưa hết sốc và choáng váng trước một quyết định thiếu cả tính hợp pháp và hợp lý này.
DN sốc vì phí cao và hiệu lực “điện giật”
Theo dư luận từ cộng đồng DN những ngày qua, trong khi phần phí thu này chỉ để phục vụ cho phần cơ sở hạ tầng đường nối từ cao tốc xuống cảng Hải Phòng thì mức phí mà Hải Phòng đang thu là quá cao và có dấu hiệu phí chồng phí, tận thu thay vì chỉ bù đắp cơ bản chi phí liên quan hạng mục phí như theo quy định về phí tại Luật Phí và Lệ phí 2015 cũng như theo cam kết WTO.
Ảnh minh họa |
Theo đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), hiện các DN đang trả trung bình gần 5 triệu đồng cho 1 container hàng hóa đi từ Hà Nội đến Hải Phòng hoặc ngược lại (gồm chi phí vận chuyển, bốc dỡ, cầu đường, thuê forwarder làm thủ tục hải quan, bảo hiểm hàng hóa…). Trong khi đó, chỉ riêng với quyết định mới này của Hải Phòng, mức phí 500 nghìn đồng/container 40ft sẽ khiến tổng chi phí mà DN phải chi trả tăng thêm 10%.
Phí cao cũng là vấn đề được Hiệp hội Bông sợi Việt Nam đưa ra. “Theo phản ánh của một số DN dệt sợi trung bình và lớn tại Thái Bình và Hà Nam, với lượng xuất - nhập khẩu 150-400 container (40ft)/tháng/DN thì mỗi DN sẽ phải chi thêm từ 900 triệu đến 2,4 tỷ đồng/năm cho chi phí này, chưa kể các chi phi đi lại và chờ đợi làm thủ tục” - đại diện hiệp hội này cho biết.
Với mức phí Hải Phòng đưa ra thì, trong 1 năm Tổng công ty May Đức Giang sẽ mất thêm 5 tỷ đồng/năm, Tổng công ty May 10 chi thêm khoảng 2,18 tỷ đồng, Tổng công ty cổ phần dệt may Hà Nội mất khoảng 686 triệu đồng và Tổng công ty cổ phần dệt may Hưng Yên khoảng 473 triệu đồng/năm…
Theo Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF), không chỉ phí cao và hiện tượng phí chồng phí mà quyết định này của Hải Phòng còn có dấu hiệu được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Nghị quyết 148 đã vi phạm các cam kết của Việt Nam với WTO và hàng loạt hiệp định song phương khác mà Việt Nam đã ký kết khi có sự phân biệt đối xử vô cùng lớn giữa hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất... so với hàng hóa xuất, nhập khẩu tại cảng Hải Phòng.
Nghị quyết này còn gây sốc và khó khăn cho các DN về mặt thời điểm ban hành và hiệu lực “nhanh như điện”, ban hành 13/12/2016, áp dụng ngay từ ngày 1/1/2017.
“Điều này đẩy hàng nghìn DN vào thế khó khăn, áp lực lớn vì toàn bộ các đơn hàng, hợp đồng, giá sản phẩm và dịch vụ liên quan cho năm 2017 đều đã đàm phán, ký kết với các đối tác trước đó. DN không có thời gian "trở tay", nhất là trong đàm phán với các đối tác quốc tế và không bố trí kịp nguồn lực thực hiện quy định nên nhiều DN có nguy cơ bị phạt hợp đồng, thiệt hại trong sản xuất kinh doanh, mất uy tín, mất đối tác...”, theo VPSF.
Trong khi đó, Hải Phòng chưa hề bố trí đủ hoặc hợp lý các nguồn lực thực hiện, việc thu phí rất thủ công làm mất thời gian của DN và dẫn tới nhiều hệ lụy vô cùng bất cập. Để thực hiện xong việc nộp phí/1 lần thông quan, mỗi DN phải bố trí ít nhất 1 nhân viên chuyên trách và mất tầm 90 phút để hoàn tất nộp phí.
Nếu việc nộp phí diễn ra cuối ngày, DN còn phát sinh chi phí lưu kho, bãi qua đêm, dẫn đến bị chậm hàng, đình đốn kinh doanh, chịu thêm lãi suất ngân hàng... chỉ vì không kịp giờ làm thủ tục thông quan. Cụ thể, theo số liệu ban đầu từ các DN và Hiệp hội DN, có ít nhất 18,75% DN làm thủ tục ở Hải Phòng bị lưu kho bãi qua 1 đêm.
Gáo nước lạnh dội vào Nghị quyết 19
Tình trạng “trên thảm, dưới đinh” đã từng xảy ra trong những năm trước như các quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh cuối năm 2015 đặt ra một loạt các điều kiện, tiêu chí đối với các tàu thuyền kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long- Bái Tử Long; quy định “bia tỉnh ta” của Hà Tĩnh hay “xi măng tỉnh ta” của Quảng Nam…
Nhưng sau những điều hành quyết liệt của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh thì tình trạng này đã giảm mạnh trong thời gian gần đây. Nhưng Nghị quyết 148 của Hải Phòng có thể xem là dấu hiệu cho thấy tình trạng trên có thể lại tái diễn trong thời gian tới nếu không được xem xét và xử lý nghiêm khắc, dứt điểm.
Chính phủ mới đã và đang có nhiều nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ các giấy phép con… được cộng đồng đón nhận và kỳ vọng. Một DN đã thốt lên rằng Nghị quyết của địa phương (Nghị quyết 148 của Hải Phòng) như một gáo nước lạnh dội vào nghị quyết đầy nhiệt huyết của Chính phủ (Nghị quyết 19 của Chính phủ), phá vỡ thành quả nỗ lực thực hiện Nghị quyết 19 mà Chính phủ đã đang nỗ lực tích gom suốt mấy năm qua.
Cộng đồng DN, các cơ quan nghiên cứu và luật sư tư vấn đều rất bức xúc. Nghị quyết này đã bào mòn niềm tin của DN của xã hội và gây nhiều tác động bất lợi đến môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là tính minh bạch và có thể tiên liệu trước về các chính sách.
Nhìn vấn đề ở rộng hơn, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó tổng thư ký VPSF cho rằng, những hiện tượng như trên có thể ảnh hưởng đến chính sách tài khóa của quốc gia. Cách thức, nội dung và mục đích đưa ra phí mới của Hải Phòng là vấn đề đáng báo động.
Tăng phí, nguồn thu địa phương tăng nhưng tổng thu nhập của DN giảm dẫn tới thuế thu nhập DN giảm. Điều này có nghĩa, địa phương thu phí càng cao, ngân sách trung ương càng giảm do giảm nguồn thu từ thuế thu nhập DN. Ví dụ, nếu Hải Phòng tăng thu được khoảng 1.500 tỷ - 2.500 tỷ tiền phí/năm, thì nghĩa là DN sẽ giảm số tiền đóng thuế cho nhà nước tầm 20% tổng chi phí đó, tức khoảng 300 - 500 tỷ đồng.
Loại phí này sẽ làm giảm mạnh sức cạnh tranh của Việt Nam, không chỉ tác động xấu tới tâm lý của đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp là DN đang kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam mà còn có khả năng ảnh hưởng lớn tới đánh giá và xếp hạng của Việt Nam trong khu vực và quốc tế về các chỉ số thương mại, logistics.
Trong khi đó, tạo thuận lợi cho thương mại, rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí cho DN, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất cho DN là vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ đã dành rất nhiều tâm huyết, công sức chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khắc phục và từng bước phấn đấu nâng thứ hạng Việt Nam cũng như xây dựng chiến lược cạnh tranh cho từng ngành để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Nhưng xu hướng bộc lộ thông qua quy định tại Hải Phòng cho thấy, nếu các địa phương tiếp tục cách thức quy định này, chi phí logistics không những giảm còn tăng cao, thời gian tại các cửa khẩu kéo dài, thủ tục rườm rà, quy định pháp luật liên quan kém ổn định... thì Việt Nam có thể gặp khó khăn để cạnh tranh với các quốc gia xung quanh về các chiến lược thu hút đầu tư, kinh doanh, thu hút hàng hóa trung chuyển...
VPSF đã hai lần gửi công văn, tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và HĐND - UBND TP. Hải Phòng kiến nghị đình chỉ thi hành Nghị quyết 148. Và một lần nữa, ngày 13/2/2017 VPSF cùng lãnh đạo các các Hiệp hội: Dệt may, Da giày và Túi xách, Bông sợi, Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội dịch vụ Logistics, Hiệp hội DN Nhật Bản, đại diện Jetro và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã lại cùng họp bàn hướng tiếp tục kiến nghị Thủ tướng cho dừng thực hiện quy định này của Hải Phòng để chung tay cùng Thủ tướng đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh bởi bản thân việc tăng phí này của Hải Phòng đã gây tổn hại lớn nhưng nếu không dập được thì sẽ là tiền lệ cho các tỉnh khác tăng phí… lúc đó những nỗ lực mà Chính phủ đã đang làm sẽ đạt được gì?
Đỗ Lê