Xi măng đổ bộ vào Trung Quốc, mừng hay lo?

14:00 | 17/12/2018

Nhìn chung, chuyện xuất khẩu xi măng của DN Việt sang Trung Quốc trước mắt vẫn là một giải pháp tốt giúp DN trong nước giải quyết tình trạng dư cung như hiện nay. Tuy nhiên, về lâu dài cũng cần có sự điều chỉnh.

Ngành Xi măng: Những nút thắt cần tháo gỡ triệt để
Xi măng: Tiêu thụ nội địa giảm, sức ép từ thị trường xuất khẩu
Thuế tác động mạnh đến ngành xi măng

Theo Global Cement, Việt Nam là nhà sản xuất xi măng lớn thứ 3 thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc và Ấn Độ, với sản lượng 148 triệu tấn mỗi năm. Theo thống kê, Việt Nam có tổng cộng 74 nhà máy sản xuất và hầu hết đều do nhà nước trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát hoặc sở hữu. Mặc dù thực tế là các nhà máy không hoạt động hết công suất lắp đặt, nhưng sản lượng sản xuất xi măng ở Việt Nam vẫn ở mức khá cao và tình trạng dư thừa nguồn cung đã xuất hiện trong vòng vài năm trở lại đây. Xét về tổng sản lượng thực tế, Việt Nam sản xuất được 78 triệu tấn trong năm 2017, con số này tăng lên 83 triệu tấn vào năm 2018 và dự kiến, tổng sản lượng sản xuất của các nhà máy năm 2019 sẽ đạt gần 90 triệu tấn.

xi mang do bo vao trung quoc mung hay lo
Xi măng là ngành có mức tiêu thụ năng lượng cao, gây ô nhiễm không khí

Có được sản lượng trên phải thừa nhận rằng Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi về nguồn nhiên liệu, thế nên việc sản xuất xi măng ở Việt Nam đã tăng nhanh về sản lượng cũng như số công ty gia nhập ngành. Có điều, sản lượng sản xuất tăng cao, trong khi cầu không hấp thu được đã đẩy ngành vào tình trạng dư cung.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), cả nước phải đối mặt với thặng dư 26 triệu tấn xi măng trong năm 2017. Lời giải cho bài toán dư cung chính là xuất khẩu và thị trường lớn nhất chính là Trung Quốc, khi quốc gia này đã quyết định cắt giảm sản lượng xi măng nội địa 10% trong năm 2018. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu xi măng Việt Nam đạt mức cao nhất trong bốn năm trở lại đây, leo lên mức 1,1 tỷ USD và sẽ còn tiếp tục tăng trong hai tháng cuối năm 2018.

Xét về số liệu, tính đến giữa tháng 11/2018, Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với khối lượng hơn 7,6 triệu tấn và giá trị đạt hơn 276 triệu USD. Bangladesh đứng thứ hai với khối lượng nhập gần 6 triệu tấn. Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines là đối tác quan trọng nhất, họ đã nhập khẩu 5,5 triệu tấn xi măng trong 10 tháng/2018. Giá bán trung bình của Việt Nam thay đổi theo từng quốc gia đối tác. Các nước Đông Nam Á đang nhập khẩu xi măng với giá cao nhất. Cụ thể, Campuchia đang nhập khẩu xi măng từ Việt Nam với 51,6 USD/tấn và Philippines phải trả 46,4 USD cho mỗi tấn nhập khẩu. Trung Quốc, với sức mạnh đàm phán, chỉ dành 36,3 USD nhập khẩu một tấn xi măng từ Việt Nam.

Lại nói về thị trường Trung Quốc, vào tháng 3/2017, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cân nhắc cắt giảm 10% sản lượng than, thép và xi măng để kiểm soát ô nhiễm không khí. Xa hơn nữa, Trung Quốc cũng đề ra kế hoạch cấm mở rộng công suất các ngành công nghiệp nặng, bao gồm cả xi măng vào năm 2018. Vì vậy, các DN Việt Nam kỳ vọng sẽ tận dụng lợi thế này để thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc.

Thế nhưng, các nhà hoạch định chiến lược, sau khi xem xét ở nhiều góc độ của nền kinh tế thế giới, đã đưa ra nhiều luận điểm cho rằng DN xi măng Việt Nam trông đợi thị trường Trung Quốc ở thời điểm hiện tại hoặc tương lai cần phải cân nhắc thêm. Nói như vậy là bởi, diễn biến giá hàng hóa trên toàn thế giới đang chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các nhân tố địa chính trị và thay đổi bức tranh kinh tế vĩ mô. Thời gian trước đây, tỷ lệ tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc so với thế giới luôn tăng hơn gấp đôi. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn giảm tốc và nhu cầu hàng hóa cơ bản dường như đã đạt đỉnh, tổng cầu hàng hóa nhập khẩu chung của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm tốc.

Ngoài ra, nếu chiếu theo số liệu ghi chép thì Trung Quốc là thị trường có tỷ lệ nhập khẩu xi măng lớn nhất từ Việt Nam. Thế nhưng, giá mua vào của Trung Quốc lại thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực.

Nhìn chung, chuyện xuất khẩu xi măng của DN Việt sang Trung Quốc trước mắt vẫn là một giải pháp tốt giúp DN trong nước giải quyết tình trạng dư cung như hiện nay. Tuy nhiên, về lâu dài cũng cần có sự điều chỉnh.

Hiện nhu cầu đối với năng lượng hóa thạch đã bắt đầu giảm tại các nền kinh tế phát triển nơi mà người dân hướng tới sử dụng nguyên liệu chất đốt sạch hơn. Ngay bản thân Trung Quốc cũng nhận thức rõ những thách thức môi trường do việc sử dụng quá nhiều than trong sản xuất. Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu, khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng tái tạo/sạch, là bằng chứng rõ nét cho xu hướng này. Ngược lại, các DN Việt Nam lại đang gia tăng sản lượng xi măng để xuất khẩu khiến cho rất nhiều người chứng kiến không biết nên mừng hay lo…

Vũ Lâm

Tin đọc nhiều