Xuất khẩu thủy sản: Vẫn duy trì được lợi thế

10:30 | 26/12/2018

Dự báo năm 2019 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn duy trì được những lợi thế cạnh tranh nhất định trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản của Thái Lan và Ấn Độ sang EU đang gặp vấn đề về đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của EU

Thủy sản: Điểm sáng ấn tượng năm 2018
3 đối tượng thủy sản nuôi chủ lực
Xuất khẩu thủy sản năm 2018 dự kiến khoảng 8,8 tỷ USD

Đứng thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Na Uy, sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã có mặt ở 160 thị trường. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2018 đã thiết lập mốc kỷ lục 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước.

xuat khau thuy san van duy tri duoc loi the

Thống kê cho thấy hai mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản là tôm và cá tra có sự tăng, giảm trái chiều. Trong khi xuất khẩu cá tra đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,4%; thì xuất khẩu tôm chỉ đạt 3,58 tỷ USD, giảm 7,1%. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ tôm của một số quốc gia như Mỹ, Canada sụt giảm đáng kể, dẫn tới hàng tồn kho của các nước xuất khẩu tôm như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU cao. Trong khi các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Việt Nam… đang vào vụ thu hoạch dẫn tới giá tôm trên thị trường giảm. Ngoài ra, tại EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, tôm xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với các rào cản khắt khe hơn về chất lượng.

Theo kế hoạch, năm 2019, mục tiêu mà ngành thủy sản đặt ra là tốc độ tăng giá trị sản xuất tăng 4,25% so với năm 2018, tổng sản lượng thủy sản 7,9 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2019 phấn đấu đạt 10 tỷ USD. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã tác động tạo chuyển hướng nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Đây là cơ hội cho ngành hàng cá tra Việt Nam.

Một điểm tích cực nữa là khả năng EU sẽ gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản của Việt Nam. Còn nhớ cuối tháng 10/2017 EU đã gắn “thẻ vàng” cho thủy sản của Việt Nam vì chưa tuân thủ các quy định của EU về chống khai thác bất hợp pháp, không theo quy định và không khai báo (IUU). Tuy nhiên, phái đoàn các thành viên Ủy ban Nghề cá của Nghị viện châu Âu (MEPs) đến Hà Nội và các tỉnh ven biển Việt Nam cuối tháng 10 đầu tháng 11/2018 đã công nhận các nỗ lực của Việt Nam trong cam kết giải quyết các vấn đề IUU và nhấn mạnh rằng Việt Nam đã dành đủ các nguồn nhân lực và tài chính để thực hiện điều này. Dự kiến đến tháng 1/2019, Đoàn Thanh tra EC sẽ quay lại và xem xét vấn đề khắc phục “thẻ vàng” đối với Việt Nam.

Dự báo năm 2019 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn duy trì được những lợi thế cạnh tranh nhất định trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản của Thái Lan và Ấn Độ sang EU đang gặp vấn đề về đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của EU; Ủy ban châu Âu đã thông qua việc đệ trình Hiệp định thương mại tự do Viêṭ Nam – EU (EVFTA), chuẩn bị cho việc ký kết và hoàn tất tiến trình. Sau khi EVFTA có hiệu lực, không chỉ giúp DN Việt Nam được hưởng lợi từ thuế suất mà còn hưởng lợi rất lớn từ chính sách điều chỉnh.

Đối với 2 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc, cơ hội cũng đang rộng mở. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản qua Mỹ đạt 1,3 tỷ USD trong vòng 10 tháng đầu năm 2018. Kết luận sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2016 -31/7/2017 đối với sản phẩm cá tra-basa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ có mức thuế thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó (POR13). Theo thông báo, DOC sẽ ban hành kết luận cuối cùng trong vòng 120 ngày kể từ ngày ra kết luận sơ bộ (dự kiến vào khoảng tháng 1/2019).

Với thị trường Trung Quốc việc nước này đã áp dụng chính sách giảm thuế nhập khẩu đối với 221 mặt hàng thủy sản từ các quốc gia ưu tiên thuộc WTO, trong đó có Việt Nam từ tháng 7/2018 cũng góp phần đẩy mạnh xuất khẩu cá tra vào thị trường này khi thuế nhập khẩu cá tra fillet giảm từ 10% xuống 7%, thuế nhập khẩu cá tra tươi hoặc ướp lạnh giảm từ 12% xuống 7%.

Đây là cơ hội cho các DN thủy sản tận dụng lợi thế như CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) kỳ vọng, nếu Mỹ áp thuế cho mặt hàng cá tra hay các sản phẩm thay thế như cá rô phi từ Trung Quốc, thì các DN Việt sẽ có cơ hội lớn để chiếm lĩnh thị phần tại thị trường lớn nhất nhì thế giới này.

CTCK Sacombank (SBS) đánh giá ngành thủy sản năm 2019 sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng từ 6-8%/năm. Các DN niêm yết trên sàn, điển hình như VHC, ANV, ABT sẽ có nhiều lợi thế để duy trì được đà tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận.

Nhất Thanh

Tin đọc nhiều