Xúc tiến đầu tư cơ sở hạ tầng

09:30 | 27/10/2017

Sau 20 năm tái thành lập, TP. Đà Nẵng luôn kiên định lựa chọn việc ưu tiên đột phá trên lĩnh vực hạ tầng. 

Giải bài toán nguồn lực vốn cho phát triển hạ tầng
Kêu gọi đầu tư vào cơ sở hạ tầng

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn

Hội nghị chuyên đề thu hút đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng TP. Đà Nẵng là một trong những nội dung quan trọng trong Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017. Sự kiện này đã thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ nhiều quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở địa phương.

xuc tien dau tu co so ha tang
Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng đang được xúc tiến triển khai

Tại đây, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, trong những năm gần đây TP. Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực huy động các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, nguồn vốn ODA, vốn từ các DN... để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng.

Trên thực tế, nhiều nguồn lực đầu tư, phát triển các dự án cơ sở hạ tầng đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt đô thị của thành phố. Đặc biệt, từ năm 1999 đến nay, TP. Đà Nẵng đã tiếp nhận 31 dự án ODA với tổng vốn khoảng 426 triệu USD. Các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA của địa phương trong những năm qua chiếm khoảng 80% tổng vốn đầu tư, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng.

Trong đó, có thể kể đến những dự án trọng điểm như, dự án nâng cấp cảng Tiên Sa, dự án hầm đường bộ Hải Vân, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông, Cổ Cò, đường vành đai phía Nam, xử lý nước thải sông Phú Lộc, khu công nghệ cao, Trung tâm tim mạch, Trung tâm hạt nhân và xạ trị, các công trình phục vụ APEC…

Theo ông Cao Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), TP. Đà Nẵng đã đảm bảo tốt các điều kiện đối ứng cam kết trong hiệp định để các dự án triển khai thực hiện theo kế hoạch. Nhờ sử dụng và quản lý vốn ODA hiệu quả cao nên địa phương đã và đang tạo dựng được mối quan hệ vững chắc, tin cậy với nhà tài trợ.

Trên thực tế, sau 20 năm tái thành lập, TP. Đà Nẵng luôn kiên định lựa chọn việc ưu tiên đột phá trên lĩnh vực hạ tầng. Với nhiều nỗ lực, đến nay thành phố đã chứng minh cho cả nước thấy những thành công trên lĩnh vực này. Bộ mặt của thành phố ngày càng khang trang, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn chỉnh, để lại nhiều dấu ấn với du khách cả trong và ngoài nước.

Kêu gọi đầu tư dự án trọng điểm

Tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hiện TP. Đà Nẵng đang lên kế hoạch vận động, thu hút các nguồn lực, đặc biệt từ khu vực tư nhân trong thời gian tới, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết. Trong đó, có thể kể đến dự án, đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, giai đoạn khởi động có tổng mức đầu tư 7.378 tỷ đồng, giai đoạn tiếp theo 7.857 tỷ đồng.

Dự án này đã được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc đầu tư theo hình thức PPP có dùng vốn ODA; Dự án di dời ga đường sắt và tái thiết đầu tư đô thị, tổng đầu tư dự án tương đương 7.902 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) khoảng 4.734 tỷ đồng, vốn đối ứng 3.167 tỷ đồng; Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn, hình thức đầu tư PPP; Dự án cải thiện môi trường nước TP. Đà Nẵng...

Trong số đó, dự án giao thông kết nối giữa TP. Đà Nẵng và TP. Hội An, đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư cũng như dư luận. Bởi, nó sẽ tạo tính kết nối giữa hai địa phương. Một dự án tiềm năng thu hút các nhà đầu tư tư nhân quan tâm, khai thác nhằm gia tăng giá trị du lịch, giá trị sử dụng đất và hiệu quả giao thông đi lại giữa Đà Nẵng và Quảng Nam.

TP. Đà Nẵng kêu gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án như, phát triển giao thông phi cơ giới và ứng dụng hệ thống thông minh trong quản lý điều hành giao thông, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông.

Ngay tại hội nghị, một số nhà đầu tư quốc tế đã quan tâm đến các dự án mà địa phương đang kêu gọi xúc tiến đầu tư. Ông Kang Bong Jun, đại diện cho Tập đoàn OCC (Hàn Quốc) đã giới thiệu dự án tàu điện không dây và cho rằng nó rất thích hợp trong việc vận chuyển khách du lịch trên tuyến đường TP. Đà Nẵng - TP. Hội An, bởi rất thân thiện với môi trường, an toàn và tiện lợi.

Ông Gen Takahashi, Trưởng phòng Kinh doanh quốc tế, Công ty JFE Engineering (Nhật Bản) cũng đã đề xuất phương án về kỹ thuật lẫn tài chính cho dự án quản lý rác thải tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.

Theo ông, Đà Nẵng nên lựa chọn giải pháp công nghệ mà Công ty JFE Engineering đã thực hiện thành công tại Nhật Bản về xử lý chất thải rắn là “đốt rác phát điện”, bởi giải pháp này ưu việt hơn khi phát thải ở mức thấp hơn nhiều so với quy chuẩn, đặc biệt là những giảm thiểu về ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, ông Toru Hashimoto, Giám đốc điều hành Văn phòng hợp tác phát triển, Cục hợp tác quốc tế của TP. Yokohama (Nhật Bản), địa phương đang hỗ trợ Đà Nẵng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng bền vững đã tái khẳng định, Yokohama sẵn sàng chia sẻ với Đà Nẵng những kinh nghiệm phát triển của mình thông qua một khung hợp tác xúc tiến phát triển đô thị bền vững.

Bài và ảnh Nghi Lộc

Tin đọc nhiều