Đà Nẵng đón sóng đầu tư

13:05 | 01/03/2019

Sau một thời gian dài thu hút đầu tư, đặc biệt đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có phần giảm sút, với nhiều nỗ lực của mình, đến năm 2018 Đà Nẵng đã đón nhận những tín hiệu tích cực từ việc thu hút đầu tư cả trong lẫn ngoài nước...

Thêm doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Đà Nẵng
2 tháng 2019, Đà Nẵng hút vốn FDI vượt cả năm 2018

Nhiều dự án “khủng”

Năm 2018 thu hút vốn FDI của Đà Nẵng đã tăng gấp đôi so với năm 2017. Nối tiếp những thành công đó, ngay từ những tháng đầu năm 2019, nhiều dự án “khủng” về đầu tư nước ngoài tiếp tục xuất hiện trên địa bàn thành phố, mang theo nhiều kỳ vọng…

da nang don song dau tu
Đà Nẵng đang đón một làn sóng đầu tư

Nhằm đẩy mạnh hơn công tác thu hút đầu tư, UBND Đà Nẵng sẽ tổ chức “Tọa đàm mùa Xuân 2019”, vào sáng ngày 1/3/2019. Đây là lần thứ 2 địa phương tổ chức sự kiện này. Đây là dịp để lãnh đạo thành phố lắng nghe, tiếp nhận những góp ý, đề xuất của các DN, nhà đầu tư, các hiệp hội… trong nước và nước ngoài nhằm giúp cho các dự án triển khai có hiệu quả trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, tại “Tọa đàm mùa Xuân 2019”, UBND Đà Nẵng sẽ trao giấy chứng nhận đầu tư và công bố quyết định đầu tư 8 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 469 triệu USD. Trong đó, có thể kể đến những dự án “khủng” như, dự án sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Công ty Universal Alloy Corporation Asia Pte. LTD (UAC) tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Được biết, Tập đoàn UAC sẽ đầu tư 170 triệu USD để sản xuất thân máy bay và động cơ Rolls Royce. Dự kiến, tập đoàn sẽ sản xuất 4.000 chi tiết/5 triệu chi tiết máy bay các loại để xuất khẩu trong thị trường hàng không với mục tiêu vào năm 2021 đạt giá trị xuất khẩu 25 triệu USD, nâng lên 85 triệu USD vào năm 2022 và tạo ra giá trị xuất khẩu trên 180 triệu USD mỗi năm từ sau năm 2026.

Ngoài ra, được trao giấy chứng nhận đầu tư vào Đà Nẵng trong dịp này còn có nhiều dự án có vốn đầu tư lớn khác. Đơn cử như dự án, mở rộng khu du lịch Xuân Thiều, nằm trên địa bàn quận Liên Chiểu, của CTCP Mikazuki khách sạn Katsuura có tổng vốn đầu tư 100 triệu USD.

Các dự án còn lại có tổng vốn đầu tư trên 50 triệu USD đến 60 triệu USD, gồm, dự án Tháp ven sông của Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier, tổng vốn trên 56 triệu USD; dự án mở rộng nhà máy sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô-tô Nissan tại Đà Nẵng, tăng vốn đầu tư từ 100 triệu USD lên 150 triệu USD do Công ty TNHH TCIE Việt Nam đầu tư tại KCN Hòa Khánh…

Cũng trong khuôn khổ “Tọa đàm mùa Xuân 2019”, thành phố cũng trao chủ trương đồng ý cho phép nghiên cứu đầu tư đối với 13 dự án khác với tổng vốn đầu tư hơn 3,6 tỷ USD. Trong đó, có thể nhắc đến những dự án lớn như, dự án Danang Gatewway của Liên doanh Sakae Holdings Ltd, Fission Holdings Pte. Ltd và CTCP Xuất Nhập khẩu Newtechco có tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD; dự án Trường đua ngựa và Trang trại nuôi ngựa, nhân giống của Công ty TNHH Keyhinge Toys Việt Nam tại huyện Hòa Vang với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD…

Tăng cường xúc tiến đầu tư

Coi trọng công tác thu hút đầu tư, nên năm 2018 vừa qua được chính quyền Đà Nẵng lựa chọn là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”. Từ đó, thành phố đã triển khai một loạt các giải pháp, nhằm cải thiện môi trường đầu tư một cách hấp dẫn nhất có thể. Theo đại diện Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố, hai trong nhiều lĩnh vực mà địa phương rất quan tâm cải thiện đó chính là cải cách thủ tục hành chính và tăng cường xúc tiến đầu tư.

Chính quyền thành phố đã quyết tâm nâng cao hiệu quả trong cải cách hành chính, tiến đến minh bạch trong thu hút đầu tư. Đến nay, Đà Nẵng đã công khai các quy trình, thủ tục, cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển DN; Đồng thời, đẩy nhanh việc áp dụng giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư qua mạng điện tử…

Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã tích cực thực hiện hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh, hướng đến những thị trường tiềm năng. Bằng nhiều kênh khác nhau, thành phố đang nỗ lực đưa thông tin đến nhà đầu tư về một Đà Nẵng thiện chí, minh bạch, công bằng trong thu hút đầu tư.

Đến nay, Đà Nẵng vẫn “giữ mối quan hệ tốt” với các tổ chức quốc tế như, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Cơ quan Xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA), Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM), Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EUROCHAM)... Từ đó, góp phần đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào địa phương. Điển hình như sự kiện KOTRA chính thức khai trương văn phòng đại diện ở Đà Nẵng vào cuối tháng 1/2019.

Ông Lee Sungnyung - Đại diện Văn phòng KOTRA Việt Nam tại Đà Nẵng cho rằng, KOTRA Đà Nẵng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các DN, nhà đầu tư Hàn Quốc đang có mặt tại Đà Nẵng phát triển hơn nữa. Trong tương lai, sẽ có ngày càng nhiều hơn nhà đầu tư đến Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

Theo ông Trần Phước Sơn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, nhiều hoạt động nhằm thu hút đầu tư trong năm 2018, là những bước đi cụ thể, căn cơ, mang tính dài hạn của địa phương trong việc xây dựng một nền tảng vững chắc cho công tác xúc tiến, thu hút đầu tư trong năm 2019 và những năm tiếp theo...

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế việc thu hút vốn đầu tư, đặc biệt đầu tư nước ngoài tại Đà Nẵng vẫn còn những “điểm nghẽn”. Trong đó, vướng mắc đầu tiên chính là vấn đề quy hoạch. Cũng từ quy hoạch chưa rõ ràng nên dẫn đến việc tiếp cận đất đai đang là bài toán khó đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định gắn bó với Đà Nẵng. Điều này, còn ảnh hưởng đến minh bạch trong thu hút đầu tư. Trên thực tế hiện nay, thành phố chưa hoàn thành về mặt quy hoạch chung, nên nếu không đầu tư vào khu công nghiệp các dự án đều có thể gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề đất đai.

Chủ tịch UBND Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ từng thẳng thắn nhìn nhận, một trong những trở ngại lớn về vấn đề thu hút đầu tư của Đà Nẵng chính là quy hoạch. Bởi vậy, nhiều nhà đầu tư đang mong muốn, thành phố cần có một quy hoạch chung để làm tiền đề để quy hoạch các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển. Từ đó, có thể tạo quỹ đất “sạch” một cách rõ ràng, minh bạch cho nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước.

Bài và ảnh Nghi Lộc

Tin đọc nhiều