Yêu cầu rà soát đất đai của doanh nghiệp cổ phần hóa |
Kiểm toán Nhà nước khu vực III vừa có báo cáo về việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017 trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Báo cáo đã chỉ ra hàng loạt các sai phạm liên quan đến đất đai sau cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước như: Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng; Công ty cổ phần VLXD - Xây lắp và kinh doanh Nhà Đà Nẵng; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng; Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng; Công ty cổ phần Lương thực Đà Nẵng…
Sử dụng sai mục đích, chuyển nhượng “ăn chênh”
Cụ thể, qua kiểm toán tại Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng cho thấy, 4 thửa đất với diện tích 30.557,86 m2 được UBND TP. Đà Nẵng giao, công ty đã được sử dụng trước khi cổ phần hóa và có đưa vào phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa. Tuy nhiên, Công ty không thống kê, kê khai theo dõi đầy đủ diện tích thuê đất thực tế đang sử dụng.
Đơn cử, thửa đất Nhà máy nước Cầu Đỏ, phường Hòa Thọ Tây được thuê đất với diện tích 85.645 m2, nhưng hợp đồng thuê đất chỉ thể hiện 72.845 m2. Thửa đất 293 Ông Ích Khiêm diện tích 481,86 m2, thời gian thuê đến 4/2/2010, nhưng đến ngày 7/7/2015 Công ty mới thực hiện điều chỉnh tên và gia hạn thời gian thuê đất đến 4/2/2040. Thửa đất làm trạm bơm An Trạch, xã Hòa Tiến diện tích 7.000 m2, trong đó có 2.000 m2 được UBND TP. Đà Nẵng có quyết định cho thuê từ ngày 23/9/2003, nhưng đến nay vẫn không có hợp đồng thuê đất. Thửa đất xây dựng Nhà máy nước Sân bay Đà Nẵng tại 555B Trường Chinh có diện tích 20.776 m2, nhưng tại thời điểm lập phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, công ty chỉ có công văn tạm giao đất số 2731/QP ngày 11/9/2001 của Bộ Quốc phòng với diện tích 5.500 m2, còn lại 15.276 m2 đất chưa được giao.
Với Công ty cổ phần Phát triển nhà Đà Nẵng, báo cáo cho thấy từ năm 2010, Công ty được thành phố giao đất để xây chung cư cao tầng tại 2 thửa (gồm 851,6 m2 ở 13 Nguyễn Chí Thanh và 776,7 m2 ở 59 Lê Duẩn, quận Hải Châu), nhưng Công ty không dùng đúng mục đích. Đất ở Nguyễn Chí Thanh được mang đi góp vốn bằng quyền sử dụng đất để lập pháp nhân mới mà không triển khai dự án. Lô tại 59 Lê Duẩn cũng được chuyển nhượng cho tổ chức bên ngoài và hiện đang xây khách sạn.
Với Công ty cổ phần Dược T.Ư 3, dù không được thành phố đồng ý sử dụng đất tại 80 Trần Phú, quận Hải Châu (157,6 m2) để hợp tác kinh doanh khách sạn, nhưng thay vì tham mưu cho thành phố xem xét thu hồi đất thì Sở Tài nguyên và Môi trường lại tham mưu để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cuối cùng là doanh nghiệp đã chuyển nhượng quyền này để hưởng lợi gần 4,5 tỉ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện Công ty cổ phần Lương thực Đà Nẵng được UBND TP. Đà Nẵng cho thuê 8 thửa đất diện tích hơn 7.900 m2. Tuy nhiên sau khi cổ phần hóa, số đất này đã được biến từ đất thuê sang đất ở đô thị sử dụng lâu dài. Kiểm toán Nhà nước xác định trường hợp này không thuộc diện được giao đất ở lâu dài và không đúng quy định về thời hạn giao đất theo luật đất đai.
Ngay sau khi được thành phố cho phép chuyển sang hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng, Công ty đã chuyển nhượng 7/8 thửa cho cá nhân và sử dụng 1 thửa (466,2 m2 tại 95 Lê Lợi, quận Hải Châu) góp vốn để hình thành pháp nhân mới là Công ty cổ phần Bất động sản Chiến Thắng VN. Việc chuyển nhượng và góp vốn đã mang lại cho công ty khoản chênh lệch và thu lợi 13,64 tỉ đồng so với giá phê duyệt của UBND thành phố.
Báo cáo cũng cho thấy Công ty cổ phần VLXD - Xây lắp và Kinh doanh nhà Đà Nẵng được UBND thành phố phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất thửa đất 158 Nguyễn Chí Thanh (diện tích hơn 0,3 ha) là hơn 12,3 tỷ đồng. Ngày 5/2/2015, Công ty này đã chuyển nhượng cho 2 cá nhân quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại 158 Nguyễn Chí Thanh với tổng giá trị chuyển nhượng 11,7 tỷ đồng, thấp hơn 773,8 triệu đồng và không thực hiện đúng với phương án sử dụng đất đã được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt.
Kiểm toán Nhà nước cũng xác định giá trị quyền sử dụng của nhiều lô đất nhà nước có sai phạm. Trong đó, thửa đất hơn 1.000 m2 số 26 Bạch Đằng của Công ty TNHH MTV Cảng Đà Nẵng được định giá vào tài sản doanh nghiệp sau cổ phần hóa giảm hơn 12 tỷ đồng, lô đất số 79 Quang Trung tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Phát hành phim Việt Nam được định giá thấp hơn 2 tỷ đồng...
Kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan
Từ những sai phạm nêu trên, Kiểm toán Nhà nước khu vực III kiến nghị UBND TP. Đà Nẵng rút kinh nghiệm đối với các sai sót qua kết quả kiểm toán; chấm dứt việc giảm đơn giá đất thiếu căn cứ khi phê duyệt đơn giá tính tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp cổ phần hóa.
Đồng thời, đơn vị này cũng kiến nghị UBND thành phố tổ chức rà soát lại thực tế nhu cầu sử dụng đất để xử lý theo quy định đối với 6 thửa đất (hơn 11 ha) sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả tại Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng và Dawaco.
Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị UBND TP. Đà Nẵng thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền hơn 8,2 tỷ đồng, thu hồi số tiền hơn 6 tỷ đồng…
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP. Đà Nẵng thanh tra làm rõ việc các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Lương thực Đà Nẵng, Công ty cổ phần VLXD - Xây lắp và Kinh doanh nhà Đà Nẵng đã chuyển nhượng đất lại cho tư nhân hoặc góp vốn kinh doanh để thu lợi, nhằm làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan.
Hải Yến