Để hoàn thành tốt hơn sứ mệnh của mình

15:54 | 28/06/2018

Có thể thấy rằng, thông qua các hoạt động nghiệp vụ thời gian qua, BHTGVN đã đóng góp một phần quan trọng trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD. 

Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 19/7/2017. Để thực hiện tốt những mục tiêu của Đề án, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 1533/QĐ-NHNN ngày 20/7/2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án.

de hoan thanh tot hon su menh cua minh
Vai trò và trách nhiệm của tổ chức BHTG đối với quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD tại Việt Nam ngày càng lớn

Trong đó giao BHTGVN thực hiện các nhiệm vụ: (i) Tham gia xử lý các QTDND yếu kém, có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động, có nguy cơ đổ vỡ theo cơ chế do NHNN quy định; theo đó phối hợp với các đơn vị thuộc NHNN, NHNN chi nhánh thực hiện đánh giá, nhận diện, phân loại các QTDND yếu kém theo nhóm để xử lý;

(ii) Tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong xử lý những tồn tại, yếu kém của QTDND, đặc biệt trong việc thanh lý QTDND bị giải thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với QTDND.

Đặc biệt, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 đã giao thêm các chức năng, nhiệm vụ cho BHTGVN: cho vay đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ, tham gia kiểm soát đặc biệt (KSĐB) TCTD… Điều này chứng tỏ vai trò và trách nhiệm của tổ chức BHTG đối với quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD tại Việt Nam ngày càng lớn.

Để hoàn thành tốt sứ mệnh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng cũng như tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu các TCTD, BHTGVN đã và đang chủ động nghiên cứu triển khai các công việc trọng tâm sau:

Thứ nhất, chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể gắn với mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Trong năm 2017, BHTGVN đã tiến hành xây dựng Kế hoạch tổng thể của BHTGVN triển khai thực hiện theo yêu cầu tại Đề án 1058, trong đó nêu rõ các công việc trọng tâm, giải pháp thực hiện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong toàn hệ thống BHTGVN. BHTGVN cũng chủ động đề xuất với các cơ quan chức năng việc tham gia sâu hơn nữa vào quá trình cơ cấu lại các TCTD, trước mắt là QTDND và tổ chức tài chính vi mô.

Thứ hai, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan của NHNN để nghiên cứu xây dựng dự thảo Thông tư về cho vay đặc biệt và dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 07/2013/TT-NHNN ngày 14/3/2013 của NHNN quy định về KSĐB đối với TCTD. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD đã tạo cơ sở pháp lý cao cho việc xử lý TCTD yếu kém, trong đó có quy định BHTGVN cho vay đặc biệt nhằm hỗ trợ về thanh khoản và hỗ trợ phục hồi. Để triển khai thực hiện nhiệm vụ này, BHTGVN đã tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan của NHNN trong việc dự thảo Thông tư về cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB. Thông tư này đã được Thống đốc NHNN ban hành và có hiệu lực từ ngày 29/01/2018.

Để nâng cao hiệu quả quá trình tham gia KSĐB và đảm bảo quá trình cho vay đặc biệt đạt được mục tiêu hỗ trợ phục hồi các TCTD yếu kém, BHTGVN đã chủ động nghiên cứu, đề xuất các nội dung kiến nghị NHNN liên quan đến dự thảo Thông tư mới về KSĐB hoặc sửa đổi Thông tư số 07/2013/TT-NHNN ngày 14/3/2013 của NHNN, tập trung vào nội dung quy định chức năng, nhiệm vụ của thành viên là đại diện BHTGVN khi tham gia Ban KSĐB.

Đồng thời, ban hành văn bản quy định về việc BHTGVN tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi QTDND, cũng như tăng cường công tác cung cấp thông tin giữa NHNN và BHTGVN nhằm cụ thể hóa, định hướng pháp lý đối với hoạt động nghiệp vụ này.

Thứ ba, xây dựng các văn bản nội bộ để triển khai các quy định về cho vay đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ và miễn nộp phí bảo hiểm tiền gửi đối với TCTD được KSĐB. BHTGVN đang triển khai nghiên cứu xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản nội bộ nhằm đáp ứng các yêu cầu về nhiệm vụ trong thời gian tới, chú trọng vai trò của BHTGVN trong hỗ trợ cho vay đối với hệ thống QTDND, đặc biệt là nghiên cứu ban hành văn bản mới quy định về việc BHTGVN mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ hoặc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 441/QĐ-BHTG-HĐQT của HĐQT BHTGVN về Quy chế đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của BHTGVN.

Việc điều chỉnh này cần đi kèm với việc sửa đổi, bổ sung Quy chế về quản lý tài chính đối với BHTGVN theo quy định tại Thông tư số 312/2016/BTC về Chế độ tài chính đối với BHTGVN do Bộ Tài chính ban hành và sửa đổi một số nội dung liên quan đến thu phí BHTG đối với các TCTD. Từ đó, đưa ra kế hoạch triển khai một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả nguồn vốn nhà nước, góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu các TCTD.

Thứ tư, tăng cường công tác nghiên cứu để đổi mới các hoạt động nghiệp vụ trên cơ sở các Đề tài nghiên cứu khoa học. Để các hoạt động nghiệp vụ được đổi mới và triển khai hiệu quả bên cạnh việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản nội bộ hiện hành thì việc kết hợp cùng các Đề tài khoa học hiện đang được BHTGVN chú trọng.

Trong năm 2017, BHTGVN đã thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về “Phát triển bền vững hệ thống QTDND”, được Hội đồng nghiệm thu đánh giá là có tính thực tiễn cao. Tiếp nối những thành công trong nghiên cứu năm 2017, năm 2018, BHTGVN đã đẩy mạnh nghiên cứu khoa học nghiệp vụ liên quan tới quá trình tham gia tái cơ cấu các TCTD, bao gồm các Đề tài về nghiệp vụ giám sát, kiểm tra, chi trả BHTG và nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư nguồn vốn nhàn rỗi. Tiếp tục nghiên cứu và đăng ký đề tài cấp bộ về “Nâng cao vai trò của BHTGVN trong hỗ trợ phát triển bền vững hệ thống QTDND ở Việt Nam”.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền. BHTGVN đã tích cực triển khai hoạt động tuyên truyền tới người gửi tiền tại các QTDND với hình thức và nội dung phong phú, đa dạng như: Xây dựng Cẩm nang cho người gửi tiền và Tờ rơi để tuyên truyền về Hạn mức chi trả BHTG mới; gửi Bản tin BHTG các số đến các QTDND để việc tiếp cận thông tin về chính sách BHTG của người gửi tiền và nội bộ các quỹ được đầy đủ, kịp thời hơn...

Đi kèm với đó, BHTGVN cũng đã xây dựng các phương án tuyên truyền cụ thể đối với từng QTDND và QTDND có vấn đề để thực hiện tuyên truyền chính sách BHTG phù hợp, đảm bảo nâng cao niềm tin của công chúng.

Thứ sáu, chú trọng công tác đào tạo, tập huấn cán bộ về mọi mặt, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo quy định mới. BHTGVN đã quán triệt triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn nhằm chuẩn bị sẵn sàng trên mọi phương diện nhằm thực hiện tốt vai trò của BHTGVN khi tham gia xử lý, tham gia KSĐB đối với QTDND.

Ngoài ra, BHTGVN đang xây dựng kế hoạch tập huấn về công tác chi trả và hội nghị chuyên đề về KSĐB để bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cũng như thảo luận, trao đổi kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của BHTGVN trong quá trình tham gia tái cơ cấu hệ thống các TCTD.

Có thể thấy rằng, thông qua các hoạt động nghiệp vụ thời gian qua, BHTGVN đã đóng góp một phần quan trọng trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD. Để sử dụng nguồn lực của BHTGVN tốt hơn trong các nhiệm vụ được giao và khẳng định được vai trò của BHTGVN trong quá trình tái cơ cấu các TCTD, BHTGVN cần nỗ lực hơn nữa, nâng cao chất lượng trong các hoạt động nghiệp vụ, triển khai chiến lược, định hướng phát triển trong tương lai nhằm thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng Việt Nam.

Ts. Nguyễn Đình Lưu - Phó Tổng giám đốc BHTGVN

Tin đọc nhiều