Xe ô tô giảm giá hàng loạt: Khi các ông lớn xả hàng | |
Vay mua xe ô tô: Cần chờ đợi thêm! |
Sự kiện này gây không ít ngạc nhiên. Tuy nhiên, chắp nối các chuyển động, từ chính sách tầm vĩ mô cho tới các bước chuẩn bị của tập đoàn này, có thể nói đây là một phần của kế hoạch bài bản, khẳng định niềm hy vọng về công nghiệp ô tô Việt Nam, vốn đang đứng trước nhiều nghi ngại.
Việt Nam có quy mô thị trường mà bất kỳ nhà sản xuất ô tô nào cũng thèm muốn |
Từ những tính toán đường dài
Còn nhớ hồi tháng 11 năm ngoái, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) bổ sung ngành nghề “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô” và “kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành xe ô tô” vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đã vấp phải không ít ý kiến trái chiều. Các DN nhập khẩu ô tô thì phản đối mạnh mẽ rằng “quy định này dựng lên các rào cản khiến hàng loạt DN nhập khẩu ô tô quy mô nhỏ cạnh tranh không cân sức với các ông lớn và buộc phải đóng cửa”.
Còn Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, ông Đặng Huy Đông đã giải thích với báo chí rằng, chính sách này nằm trong những tính toán đường dài của Bộ KH&ĐT nói riêng và Chính phủ nói chung để phát triển ngành công nghiệp ô tô. Với dân số 93 triệu dân và tương lai lên tới 100 triệu, thì Việt Nam có quy mô thị trường cực kỳ thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp ô tô.
“Nhìn về tương lai, không lẽ đất Việt Nam có quy mô thị trường mà bất cứ nhà sản xuất ô tô nào cũng thèm muốn, mà chính chúng ta lại buông ngành này?”, ông Đông đặt vấn đề.
Việc xây dựng chính sách bảo vệ ngành sản xuất ô tô trong nước vào thời điểm đó đã gặp phải không ít ý kiến nghi ngại. Lúc đó, luận điểm được cơ quan hoạch định chính sách đưa ra là ngành sản xuất ô tô của Việt Nam mới phát triển manh nha, so với ngành công nghiệp ô tô thế giới là còn rất non trẻ. Vì thế, Chính phủ phải nâng đỡ bằng các chính sách cụ thể, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, phù hợp với nguyên tắc hội nhập quốc tế.
Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, việc có những chính sách dài hạn, nhất quán đối với ngành ô tô sẽ là động lực để các DN sản xuất, lắp ráp trong nước yên tâm đầu tư lớn nhà xưởng, thiết bị, máy móc, mở rộng hợp tác liên doanh để nhận chuyển giao công nghệ, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, từ đó nâng cao tỷ lệ nội địa hoá.
Dẫn lối cho nhà đầu tư
Sang tới năm 2017, hàng loạt chính sách tiếp theo của các cơ quan Chính phủ đã rất nhất quán với định hướng “không thể buông ngành sản xuất ô tô”. Thay đổi mạnh mẽ nhất là các chính sách về thuế, trong đó tập trung vào 2 hướng là hạn chế xe nhập và ưu đãi tối đa ô tô sản xuất trong nước.
Bộ Tài chính đang đề xuất ưu đãi giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe ô tô sản xuất trong nước theo hướng xe có tỷ lệ nội địa hóa càng cao thì giá sẽ càng rẻ. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe bán tải từ mức 15% - 25% lên mức trung bình 33%. Đây là dòng xe xuất xứ từ Thái Lan, có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
Bộ đề xuất tăng mạnh thuế nhập khẩu ô tô cũ lên gấp 2 lần nhằm chặn dòng xe này về Việt Nam. Bộ cũng đang lấy ý kiến về chương trình giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô nhập khẩu trong 5 năm từ năm 2018-2022 cho 2 nhóm xe, nhằm hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong nước.
Nếu chỉ có chính sách đi trước dẫn đường, hẳn tính khả thi của kế hoạch vực dậy ngành công nghiệp ô tô sẽ còn khiến nhiều người nghi ngại. Tuy nhiên, sự tham gia của Tập đoàn Vingroup vừa qua có thể nói đã làm loé lên hy vọng. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, Vingroup có thể chưa có kinh nghiệm chế tạo xe nhưng lại thừa kinh nghiệm và nguồn lực tài chính để bắt tay với các đối tác chuyên nghiệp trong ngành.
Vinfast tập trung vào sản xuất các dòng sản phẩm chạy bằng năng lượng điện chính là đi trước đón đầu xu hướng công nghệ sạch mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến. Vì vậy sản phẩm của tập đoàn này dù đi sau nhưng vẫn sẽ tạo thành phân khúc riêng, hứa hẹn khả năng phát triển trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, tập đoàn sẽ “bắt tay” với các nhà cung cấp linh kiện, công nghệ như Bosch, Siemens, các hãng thiết kế xe như Pininfarina, Zagato, Torino Design và ItalDesign hay các trung tâm R&D lớn trên thế giới như Magna Steyr, AVL, EDAG… Ngân hàng Đầu tư Quốc tế Credit Suisse là đối tác cung cấp khoản tín dụng 800 triệu USD cho dự án này.
Các chuyên gia cũng đánh giá, với vị trí địa lý là cửa ngõ vào thị trường ASEAN nói riêng và châu Á nói chung, Việt Nam hoàn toàn thuận lợi nếu hướng tới xuất khẩu ô tô sang các quốc gia trong khu vực. Mặt khác, nếu cần quy mô thị trường đủ lớn để phát triển sản xuất thì Vinfast cũng không hề gặp trở ngại.
Quan trọng hơn cả, hướng phát triển của tập đoàn là chủ động sản xuất từ nhà máy và hỗ trợ và hợp tác với các nhà sản xuất trong nước để cùng sản xuất và phát triển các linh kiện, phụ kiện. Kế hoạch dài hơi, bài bản của một tập đoàn lớn cho thấy sự hỗ trợ tích cực từ phía chính sách đang mở cơ hội vực dậy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Ngọc Khanh