Độ xe đạp điện, hiểm họa báo trước

11:00 | 17/05/2017

Thực tế cho thấy, nhiều chủ cửa hàng xe đạp điện vì lợi nhuận và để “chiều” theo khách hàng của mình đều khẳng định có thể thay đổi tốc độ của xe đạp...

PEGA ra mắt 4 sản phẩm mới có tỷ lệ nội địa hóa 35%
Hè về lại “nóng” với xe đạp điện

Xe đạp điện hiện là phương tiện đi lại chủ yếu thuộc nhóm đối tượng học sinh, từ 12 - 18 tuổi. Tại các trường THPT và THCS ở khu vực đô thị, tỷ lệ sử dụng xe đạp điện đến trường của học sinh là khoảng 80%, ở khu vực nông thôn dao động ở mức 30-50%. Đây là nhóm tuổi tiềm năng của xã hội, tuy nhiên lại ẩn chứa nhiều cảm tính, manh động. Do đó, tình trạng độ chế xe đạp điện đang trở nên phổ biến dù điều này báo trước những hiểm họa đáng tiếc!

Chỉ vài thao tác đơn giản chiếc xe máy điện có thể tăng tốc lên gấp đôi tốc độ cho phép. Điều này tạo nên những mối lo về giao thông khi phương tiện này chủ yếu là học sinh, sinh viên sử dụng.

do xe dap dien hiem hoa bao truoc
Các cửa hàng sửa chữa xe đừng vì lợi nhuận trước mắt mà bỏ qua những yếu tố an toàn, kỹ thuật của xe

Anh Nguyễn Thanh Hà (Long Biên) chia sẻ, theo quy định chung hiện hành thì xe đạp điện chỉ được chạy với tốc độ khoảng 25km/h thế nhưng chỉ cần vài thao tác đơn giản là các cửa hàng chuyên bán xe, và thậm chí là các em học sinh cũng có thể tự tăng tốc độ lên gấp đôi.

Để minh chứng, anh Hà dẫn chúng tôi sang phòng kỹ thuật của cửa hàng. Tại đây nhân viên kỹ thuật của cửa hàng chỉ tháo dây hãm tốc, thì chiếc xe đạp điện sẽ được “kích tốc” chạy nhanh như xe máy điện và nếu khách hàng muốn, cửa hàng sẽ tháo tất cả bàn đạp, xích, líp, giỏ xe, cốp nhựa đựng đồ và yên sau… những bộ phận làm tăng khối lượng xe đạp điện để cản tốc độ xe. Và từ một chiếc xe đạp điện với thiết kế vận tốc 25km/h đã nhanh chóng biến thành chiếc xe máy điện với vận tốc lên tới 45 - 50km/h.

Lý giải cho việc này, nhân viên kỹ thuật của cửa hàng chia sẻ: phía trong phần nhựa ốp dưới gầm xe đạp điện có một đoạn dây điện đơn màu nâu đen được nối với nhau bởi hai giắc điện nhỏ, chỉ cần tháo hai đầu giắc điện này không cho cắm vào nhau thì xe sẽ đạt 40 - 45km/h thay vì như thiết kế 25km/h. Lúc này, công tắc chỉnh vận tốc được thiết kế bên tay trái của xe đạp điện sẽ bị vô hiệu hóa.

Học sinh Nguyễn Mạnh Thắng (Hà Đông) tỏ ra rất hiểu luật: nếu như là xe máy điện thì phải đăng ký, đi học phải mang theo giấy đăng ký xe, giấy chứng minh nhân dân, thẻ học sinh… thế nhưng nếu là “xe đạp điện” thì lại chả cần giấy tờ gì. Thậm chí, chả cần mang mũ bảo hiểm vẫn chạy vô tư mà CSGT cũng không có căn cứ để phạt. Thế nhưng chỉ cần tháo dây hãm tốc độ (quá dễ dàng) thì xe đạp điện có thể “đua” tốc độ với xe máy điện ngay!

Thực tế cho thấy, nhiều chủ cửa hàng xe đạp điện vì lợi nhuận và để “chiều” theo khách hàng của mình đều khẳng định có thể thay đổi tốc độ của xe đạp: Để điều chỉnh xe đạp điện chạy nhanh hay chậm chỉ cần tháo bỏ bộ phận hạn chế tốc độ, chạy lại điều tốc (hay còn gọi là IC) thì xe sẽ chạy nhanh hơn. Thế nhưng việc điều chỉnh tốc độ xe nhanh hơn thiết kế, nhất là với xe đạp điện mảnh mai, người điều khiển không phải đội mũ bảo hiểm sẽ rất nguy hiểm khi phương tiện tham gia giao thông.

Chị Nguyễn Ngọc Bích (Thanh Xuân) chia sẻ, việc tăng tốc độ cho xe đạp điện quá đơn giản (chỉ là tháo lắp giắc tốc độ) khiến gia đình cũng khó kiểm soát (các cháu tự ý tháo khi ra khỏi nhà). Việc này đồng nghĩa với mất an toàn trong tham gia giao thông gây nguy hiểm cho bản thân và xã hội. Cá nhân tôi cũng nhiều lần suýt gặp tai nạn khi nhiều xe đạp điện tăng tốc bất ngờ mà không có còi, đèn tín hiệu… trong khi các phương tiện này di chuyển lại không phát ra tiếng động lớn như xe máy, ô tô. Theo tôi cần kiểm soát chặt chẽ phương tiện này khi tham gia lưu thông bên cạnh đó cần có chế tài mạnh đối với các cơ sở cố tình thay đổi tốc độ thiết kế của xe.

Có thể thấy, xe đạp điện là loại hình phương tiện giao thông mới xuất hiện ở nước ta trong một số năm gần đây tuy hiện nay, trong Luật Giao thông đường bộ chưa có quy định cụ thể về việc phải đăng ký, đăng kiểm, hạn chế độ tuổi người điều khiển phương tiện này.

Thực tế cho thấy, sau một thời gian xe đạp điện đưa vào lưu hành, đã có nhiều bất cập về an toàn giao thông. Trước những bất cập này, các chuyên gia đã đề xuất nên quy định xe đạp điện là phương tiện đã có động cơ thì phải đưa vào như một phương tiện cơ giới đường bộ, như xe máy điện để quản lý.

Thế nhưng trong khi chờ pháp luật có những sự điều chỉnh cần thiết thì hơn bao giờ hết các bậc cha mẹ cần quản lý chặt chẽ hơn loại hình xe này tránh để xảy ra những sự việc đáng tiếc. Đối với các nhà bán lẻ, các cửa hàng sửa chữa xe cũng đừng vì lợi nhuận trước mắt mà bỏ qua những yếu tố an toàn, kỹ thuật của xe. Có như thế tham gia lưu thông mới mang lại hạnh phúc cho mọi nhà nhất là đối với những em học sinh.

Ba Quy

Tin đọc nhiều