Giá xe hơi có rẻ như kỳ vọng?

10:02 | 19/07/2017

Năm 2018, mức thuế suất nhập khẩu xe ô tô từ các nước khu vực Asean sẽ giảm xuống còn 0%

Xung quanh vay trả góp mua ô tô: Bất cập và kiến nghị
[InfoGraphic] Thị trường ô tô trong nước tháng 6/2017
gia xe hoi co re nhu ky vong
Ảnh minh họa

Chỉ còn vài tháng nữa sẽ chính thức đến thời điểm mà những người dân mong ước sở hữu một chiếc “xế hộp” chờ đợi, bởi đây là thời điểm thuế nhập khẩu ô tô từ các nước Asean vào Việt Nam sẽ giảm xuống mức 0% theo lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định Thương mại Hàng hóa Asean (Atiga).

Thậm chí, không ít người dù đang có kế hoạch mua xe, nhưng đã tạm hoãn lại để chờ đến thời điểm 1/1/2018 khi mức thuế giảm xuống, với kỳ vọng sẽ được sở hữu những chiếc xe có mức giá rẻ hơn 20 - 30%, thậm chí chỉ bằng một nửa so với mức giá hiện tại.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam trong 1 - 2 tháng trở lại đây đang có dấu hiệu sụt giảm và chững lại. Cụ thể, lượng ô tô nguyên chiếc nhập vào Việt Nam trong tháng 6/2017 đạt hơn 7.800 xe với tổng giá trị trên 171 triệu USD, giảm 22% so với tháng trước. Lượng xe trong tháng trước đó lên đến gần 1.000 xe, giá trị 215,8 triệu USD.

Như vậy, chỉ chưa đầy một tháng, lượng xe nhập khẩu đã sụt giảm hơn 2.100 chiếc và nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục giảm. Được biết, hai thị trường chính xuất xe sang Việt Nam đều thuộc khối Asean là Thái Lan và Indonesia.

Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), người có nhu cầu mua xe không nên quá kỳ vọng vào mức giá giảm khi thuế nhập khẩu về 0%, bởi giá xe ô tô có được các hãng điều chỉnh và rẻ như kỳ vọng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Cụ thể, giá thành ô tô bán trên thị trường không chỉ phụ thuộc vào thuế nhập khẩu (mặc dù đây là yếu tố cấu thành hết sức quan trọng), mà giá ô tô hiện nay, cũng như trong thời gian tới sẽ vẫn còn liên quan và chịu sự tác động từ chính sách quản lý, điều tiết vĩ mô cho đến các loại thuế phí đánh trực tiếp vào mặt hàng này.

Vị chuyên gia này cho rằng, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng ở nhiều thành phố lớn của Việt Nam chưa thể đáp ứng lượng xe lớn, tăng lên một cách đột biến kéo theo nhiều vấn đề về môi trường thì việc áp dụng các biện pháp quản lý hành chính cũng như điều tiết bằng kinh tế thông qua các loại thuế phí là lẽ đương nhiên.

Mới đây nhất là việc Bộ Tài chính điều chỉnh tăng phí trước bạ đối với một số dòng xe nhập khẩu theo Quyết định số 942 sửa đổi, bổ sung Danh mục bảng giá tính lệ phí trước bạ ô tô, xe máy theo Thông tư số 304/2016. Theo đó, nhiều dòng xe sẽ có mức tăng chi phí đội vào giá thành từ 5 - 20%.

Phó giám đốc phụ trách bán hàng của một đại lý xe nằm trên đường Nguyễn Văn Linh (Quận 7, TP. HCM) cho biết, không ít khách hàng đến xem xe tại showroom chỉ để tham khảo là chính, mà chờ giảm giá.

Thực tế, thời gian qua nhiều hãng xe như Toyota, Ford, Huyndai, Mazda… đã giảm trung bình từ 30 - 50 triệu đồng/xe cho đến cả gần 100 triệu đồng/xe nhằm tăng doanh số bán hàng, đẩy mạnh lượng xe tiêu thụ trước thời điểm thuế nhập khẩu giảm còn 0%.

Tuy nhiên, theo thông tin từ một số hãng xe, giá hiện tại của nhiều dòng xe hiện đã về mức tương đương với một số nước trong khu vực nên khó có thể tiếp tục giảm sâu hơn nữa. Ngoài ra, nhu cầu đi lại, sở hữu xe ô tô riêng, cũng như thu nhập của người dân ngày một tăng lên, vì vậy các hãng xe luôn tính toán giá cả một cách cân đối, phù hợp nhất với từng phân khúc và túi tiền của khách hàng.

Mới đây, Bộ Công Thương đề xuất trình Chính phủ 3 nhóm giải pháp phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Trong đó, chú trọng khuyến khích sử dụng xe trong nước thông qua việc tạo dựng thị trường tiêu thụ đủ lớn. Không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước nhằm khuyến khích DN sản xuất, lắp ráp ô tô.

Thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào dự án có quy mô lớn tại Việt Nam để phát triển những dòng xe chưa có cơ sở sản xuất tại khu vực Asean. Đây được coi là tiền đề giúp ô tô Việt với tỷ lệ nội địa hóa cao và mức giá rẻ sớm trở thành hiện thực.

Minh Anh

Tin đọc nhiều