Hiến kế phát triển công nghiệp ô tô

09:50 | 28/06/2017

Cần chính sách nhất quán, dài hạn từ 10 – 15 năm, bao gồm hệ thống thuế và cơ sở hạ tầng.

Xe nhập khẩu giá thấp: Chưa thể một sớm một chiều
Thị trường ô tô tháng 5/2017

Năm 2016, sản lượng tiêu thụ của toàn ngành ô tô đạt hơn 300.000 xe (bao gồm gần 230.000 xe lắp ráp trong nước, và hơn 74.000 xe nhập khẩu), tăng trên 22%, và có thể sẽ tăng thêm 10% trong năm 2017. Tuy nhiên, cả NĐT và Chính phủ đều chưa hài lòng vì con số này mới chỉ đạt 45% công suất sản xuất của ngành.

hien ke phat trien cong nghiep o to
Xu thế phát triển ngành sản xuất ô tô trên thế giới đều bắt đầu bằng sản xuất lắp ráp và bảo vệ thị trường trong nước

Trước tình hình sản xuất cầm chừng của ngành công nghiệp ô tô, các thành viên Nhóm Công tác công nghiệp ô tô - xe máy của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vừa qua đã lưu ý, còn rất ít thời gian trước khi tự do hóa hoàn toàn về thuế quan của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN được áp dụng vào năm 2018. Khi đó, thuế nhập khẩu ô tô được hạ xuống mức thấp nhất, khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô sẽ càng mong manh hơn.

Ông Sumito Ishii, Tổng giám đốc công ty TNHH General Motors Việt Nam, Trưởng Nhóm công tác công nghiệp ô tô - xe máy của VBF cho biết, theo quan điểm của cả các nhà sản xuất ô tô và các nhà cung cấp linh kiện, quy mô của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thực sự vẫn còn rất nhỏ.

Và hiện nay không có sự gia nhập đầy đủ của các công ty cung cấp linh kiện ô tô toàn cầu vào thị trường. Lý do là họ không thể đầu tư mà không có kế hoạch kinh doanh rõ ràng, không biết liệu các nhà sản xuất ô tô có duy trì hay tăng sản lượng sản xuất tại Việt Nam hay không, khi nào và tăng bao nhiêu. Bên cạnh đó, cũng chưa có đủ cơ sở cho DN xem xét đến các hoạt động xuất khẩu.

Cũng theo ông Sumito Ishii, hiện nay các nhà sản xuất trong nước phải chịu thêm chi phí đóng gói, logistic và thuế nhập khẩu. Điều này khiến cho chi phí sản xuất xe trong nước cao hơn xe lắp ráp tại Thái Lan hoặc Indonesia. Khoảng cách về chi phí sản xuất có thể lên tới khoảng 10-20% sau khi loại bỏ thuế quan trong khối ASEAN vào năm 2018.

Để giải quyết những vấn đề trên, các NĐT khuyến nghị cần phải có đủ sản lượng sản xuất cho cả xe và linh kiện. Điều này đòi hỏi phải có thị trường đủ lớn để đạt được quy mô kinh tế cho cả xe lắp ráp trong nước và ngành công nghiệp hỗ trợ. Có như vậy mới cải thiện được hiệu quả sản xuất.

Để hỗ trợ các DN vượt qua những áp lực sau năm 2018, nhóm công tác của VBF đề xuất, các nhà hoạch định chính sách cần bàn bạc với DN để đưa ra các nhóm giải pháp chính sách phát triển thị trường tăng trưởng ổn định, thu hẹp khoảng cách chi phí sản xuất để tránh áp lực cạnh tranh quá lớn đối với các nhà sản xuất xe trong nước từ năm 2018.

Chia sẻ về hướng đi của ngành công nghiệp ô tô, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO từng cho biết, xu thế phát triển ngành sản xuất ô tô trên thế giới đều bắt đầu bằng sản xuất lắp ráp và bảo vệ thị trường trong nước một cách hợp lý. Từ đó, nhận chuyển giao công nghệ, rồi gia tăng tỷ lệ nội địa hóa bằng giải pháp phát triển sản xuất linh kiện phụ tùng, tiến dần đến cùng hợp tác, cùng cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh hội nhập. Theo đó, có thể nói ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang đi đúng hướng và đã hình thành được nền tảng phát triển ban đầu.

Vấn đề cần giải quyết hiện nay, theo các NĐT chính là tạo dựng được thị trường. Đây cũng là băn khoăn của ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai Thành Công. Ông cũng chia sẻ, các DN trong ngành ô tô đã sẵn sàng hợp tác với nhau trong sản xuất linh kiện. Điều này sẽ giúp giảm chi phí sản xuất ô tô trong nước.

Bên cạnh đó, các nhà cung ứng linh kiện trong nước không nên “đi tắt” để trở thành các nhà cung cấp cấp 1 trong ngắn hạn. Thay vào đó, họ cần đảm bảo rằng, có thể đáp ứng các yêu cầu về sản xuất/ dịch vụ như các nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3, và hợp tác cùng với các nhà cung cấp nước ngoài như là một cách tiếp cận để phát triển sản xuất kinh doanh linh kiện của mình, hoặc để được chuyển giao công nghệ.

Để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành ô tô, các nhà cung ứng cũng cần cải thiện các vấn đề về chất lượng/chi phí/giao hàng, cải tiến năng lực quản lý và tuân thủ các quy tắc và luật quốc tế.

Ngoài ra, các DN FDI có thể hỗ trợ bằng cách đưa ra những hướng dẫn cho các nhà cung cấp bao gồm các tiêu chí để trở thành nhà cung cấp của họ, nhằm giúp các nhà cung cấp tiềm năng trong nước có thể nâng cao trình độ, năng lực, được chuyển giao công nghệ hoặc bí quyết kỹ thuật; Tiếp tục thương thảo với các nhà cung cấp hiện có để mở rộng các danh mục linh kiện có thể được nội địa hóa.

Và điều quan trọng bậc nhất, theo các NĐT là phải phát triển một thị trường tăng trưởng ổn định bằng những chính sách nhất quán và dài hạn từ 10 – 15 năm, bao gồm hệ thống thuế và các chính sách về cơ sở hạ tầng.

Lan Hương

Tin đọc nhiều