Vậy thì lần này hãy cùng phân tích một ví dụ điển hình mang tên iPhone. Mỗi năm chúng ta đều thấy những báo cáo chỉ ra rằng số lượng iPhone bán ra đang ngày càng giảm. Và cứ mỗi lần các số liệu thống kê hàng năm được tung ra, chúng ta lại tin rằng Apple đang dần lụn bại. Và tương tự lần này, người ta coi iPhone X là nỗi thất vọng mà Apple mang tới. Biên tập viên Raymond Wong của trang tin công nghệ Mashable cho rằng đó là nhận định chưa chính xác.
Apple thực sự không cần phải bán nhiều iPhone hơn với mức giá thấp hơn để có thể tiếp tục phá vỡ kỉ lục về doanh thu hay để có thể tiếp tục đè bẹp các đối thủ. Nếu chỉ để ý tới sự sụt giảm trong doanh số iPhone bán ra, chúng ta đang để lỡ một bức tranh lớn hơn mà Apple đang vẽ ra. Họ muốn mở rộng việc bán những giải pháp về phần cứng và dịch vụ khác bao gồm Apple Watch, AirPods, iCloud, HomePod,… để người dùng có thể đắm sâu vào cái hệ sinh thái chỉ có thể hoạt động với iPhone. Chiến lược lâu dài của Apple không phải là bán nhiều iPhone hơn mà là khóa cứng người dùng vào cái hệ sinh thái đang dần bành trướng của họ.
Apple thực sự đã có nhiều "mẹo" hơn để có thể tăng doanh số iPhone bán ra trong quý trước. Một trong số đó là họ có thể giảm thiểu số lượng mẫu mã iPhone bán ra. Một trong những điều khiến người ta chọn mua một chiếc iPhone đó chính là họ chẳng cần phải suy nghĩ tính toán nhiều để chọn ra mẫu máy phù hợp nhất. Nhưng mùa thu năm trước, Apple đã phá hỏng cái truyền thống "một con" lâu đời của mình bằng việc ra mắt tới ba mẫu máy khác nhau. Điều này chính là thứ khiến người dùng phải phân vân rất nhiều khi lựa chọn.
Chiếc iPhone 8 và 8 Plus là những chiếc điện thoại tuyệt vời. Chúng có vi xử lý A11 Bionic mạnh mẽ, có camera 12 megapixel tương tự như chiếc iPhone X. Nhưng không nói cũng hiểu, Apple đã để lỡ mất cơ hội trong việc cắt đứt chu kì lặp cũ để tạo ra vòng lặp mới nhằm thúc người bỏ tiền ra cho iPhone X và những tính năng mới ra mắt (màn hình tràn viền, Face ID, Animoji,…).
Nhưng họ có nhiều lí do để ra mắt hai mẫu máy iPhone 8 và 8 Plus. Đó có thể là vì mức giá của hai mẫu này sẽ rẻ hơn, hoặc là Apple không muốn tạo sức ép lên vấn đề thiếu hụt màn hình OLED cho iPhone X. Đó cũng là cách để họ tránh khỏi cú trượt dốc về doanh số khi người dùng muốn chờ tới tháng 11 để mua chiếc iPhone X. Đó cũng là cách để Apple tránh khỏi việc mang tiếng là ép buộc 350 triệu người dùng phải bỏ ra 1.000 USD để nâng cấp chiếc iPhone của mình.
Hoặc một giải pháp để có thể bán nhiều iPhone X hơn đó chính là Apple chấp nhận mức giá thấp hơn con số 999 USD mà họ mong muốn. Có thể nhiều người cho rằng việc bỏ ra 1.000 USD để mua iPhone X không phải là quyết định tồi nhưng thực sự là không phải ai cũng có đủ khả năng để sở hữu một chiếc máy với mức giá đội trời như vậy, kể cả khi họ chấp nhận mua máy hợp đồng với nhà mạng.
Tôi chẳng thể đoán trước được là liệu năm nay Apple sẽ có thể bán được nhiều iPhone với mức giá thấp hơn hay không? Tôi cũng chẳng biết là họ có ý định ra mắt một chiếc iPhone X rẻ hơn không. Nhưng điều tôi chắc chắn là họ chẳng cần coi trọng việc bán ra nhiều iPhone hơn mỗi quý.
Thị trường điện thoại thông minh hiện nay đã trở nên cực kì bão hòa với sự lựa chọn đa dạng ở nhiều phân khúc giá. Với mức giá dưới 10 triệu đồng tôi tin là sẽ chẳng khó để chọn ra một chiếc điện thoại tốt. Sự bão hòa của thị trường đã tạo ra xu hướng giảm của thị trường điện thoại trên toàn thế giới. Theo thống kê của IDC, trong quý IV/2017 vừa qua, số lượng máy bán ra toàn cầu đã suy giảm tới 6,3%. Người cần thì đã có, chưa kể là điện thoại thông minh đang ngày càng có chất lượng tốt hơn và người dùng đang có xu hướng sử dụng chiếc máy hiện tại lâu hơn trước khi thay điện thoại mới.
Điều đáng nói là những chiếc điện thoại này chẳng hề đi kèm với một hệ sinh thái nào có kiểu dáng tương tự những gì mà Apple mang lại. Đây chính là một lợi thế quan trọng mà công ty này đang nắm giữ. Họ hoàn toàn có thể thu lợi nhuận từ những sản phẩm và dịch vụ bổ sung khác.
Tôi xin được trích dẫn một câu nói của CEO Apple trong bản báo cáo doanh thu quý I/2018: "Đối với chúng tôi, điều quan trọng không phải là con số mà là sự thỏa mãn của khách hàng". Tim Cook cũng tiết lộ rằng iPhone X đang đạt được mức độ tin tưởng khá cao từ người dùng.
Đây chính là thứ gọi là hiệu ứng ánh hào quang. Hãy nghĩ mà xem. Những khách hàng đang hài lòng với chiếc iPhone X sẽ dễ dàng bỏ tiền ra để mua thêm những sản phẩm của Apple để hỗ trợ chiếc điện thoại của họ hơn ngay cả khi những sản phẩm ấy còn nhiều thiếu sót, lí do đơn giản là họ tin là những sản phẩm ấy sẽ mang lại cho họ sự thỏa mãn tương tự với những gì mà iPhone X mang lại. Và cuối cùng là chúng ta sẽ được chứng kiến sự xuất hiện của khẩu hiệu: Chúng ta tin vào Apple. Đó chính là những gì mà Apple đang bán.
Sự thỏa mãn của khách hàng chính là thứ khiến những người dùng iPhone bỏ tiền ra để mua đôi tai nghe AirPods và chiếc đồng hồ thông minh Apple Watch. Nó cũng là thứ giúp Apple bán cả những sản phẩm như iCloud hay Apple Music.
Vâng, tôi hiểu điều này mà bởi vì tôi cũng là một kẻ thuộc danh sách khách hàng ấy. Cứ mỗi năm tôi lại tự khiến bản thân bất ngờ hơn khi chính tay mình ấn vào nút "Thanh toán" khi mua những sản phẩm của Apple cho dù tôi thực chẳng cần chúng. Tôi đã mua một đôi AirPods và dần trở nên có cảm tình với sự thú vị mà chúng mang lại. Tôi cũng đã mua một chiếc Apple Watch chỉ để mình có thể đọc thông báo điện thoại. Tôi còn chịu chi thêm 50 USD để mua bao da "chính hãng" cho chiếc iPhone X đang dùng. Rồi vài tuần trước tôi cũng đã tung tiền vào dịch vụ iCloud để có thể sao lưu dữ liệu cho chiếc iPhone X.
Thay vì chỉ việc chi 1.150 USD cho chiếc iPhone X hiện tại, Apple đã "cướp" của tôi khoảng 1.750 USD cho tất cả chỗ phụ kiện và dịch vụ tôi đã mua. Với cái số chênh lệch giữa hai mức giá trên, tôi đã suýt có thể mua thêm được một chiếc iPhone 8 với giá từ 700 USD rồi.
Có thể Apple không thể khiến người đến mua iPhone ngay lập tức chi tiền cho những thứ như Apple Watch hay AirPods nhưng tất cả đã đều được tính toán. Ý tưởng đã được gieo trồng, điều Apple cần làm đó chỉ là ngồi chờ cho chúng ra hoa mà thôi.
Ngoài việc bán ra nhiều iPhone hơn, Apple thực sự đang làm chủ cả một sân chơi rộng lớn, vươn tới những người dùng ngoài tầm với bằng những sản phẩm mà mình có. Và chiến lược này có lẽ đã thành công. Trong buổi công bố doanh thu, Tim Cook đã thông báo rằng chiếc Apple Watch đời thứ 3 đã đạt mức bán ra gấp đôi với những gì mà chiếc Apple Watch đời 2 đạt được trong năm trước. Tuy họ không công bố rõ về số lượng bán ra nhưng thực sự đó vẫn là một kết quả ấn tượng.
Thật khó để tưởng tượng là Apple Watch sẽ ra sao nếu không có những fan cứng của chiếc iPhone. Ai cũng cần một chiếc iPhone để có thể sử dụng Apple Watch. Vậy thì chẳng có lí do gì khiến họ mua Apple Watch nếu bản thân họ đã ghét chiếc iPhone cả.
Nguyên lí này tương tự với những sản phẩm như AirPods, Apple TV hay tai nghe Beat và háng tá những phụ kiện khác. Những sản phẩm ngoài lề trên hiện đang có mức tăng trưởng hàng năm lên tới 36% và có giá trị là 5,5 tỷ USD. Sắc xanh tăng trường cũng xuất hiện ở mảng phẩn mềm khi mà doanh thu từ iCloud và App Store cũng đạt được mức tăng 18% so với năm trước.
Và cho dù thế nào thì Apple vẫn sẽ tiếp tục bán iPhone. Có thể không được nhiều như trong quá khứ nhưng tương lai của Apple không phải chỉ nằm ở một dòng sản phẩm riêng lẻ. Mà đó phải là cả một hệ sinh thái do Apple xây dựng.
Bài viết được dịch nguyên văn từ suy nghĩ của tác giả Raymond Wong, đăng tải trên trang báo Mashable ngày 3/1/2018.
VNReview