Đã có bước tiến dài về tính minh bạch | |
Xốc lại động lực dẫn dắt nền kinh tế | |
Quản lý làm sao để doanh nghiệp Nhà nước phát triển xứng tầm |
Kết quả chưa như kỳ vọng
Sự ra đời và phát triển của các tập đoàn kinh tế nhà nước khởi nguồn từ Quyết định 91/QĐ-TTg năm 1994 về thí điểm các tập đoàn kinh tế. Năm 2001, trong Nghị quyết của Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) nêu rõ: Hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh.
Đến nay, theo đánh giá của đại biểu quốc hội và các chuyên gia, các tập đoàn kinh tế nhà nước cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đã có không ít tập đoàn đã thành công, trở thành một tên tuổi lớn trong khu vực như VNPT, Viettel…
Cơ chế điều hành của các tập đoàn kinh tế nhà nước còn nhiều khiếm khuyết |
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công là những chiến lược bất thành, những mất mát không nhỏ. Đơn cử như Vinalines được thành lập với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển và giàu từ biển. Tuy nhiên mục tiêu này đã không thành công khi Vinalines liên tục làm ăn thua lỗ. Không chỉ Vinalines, nhiều tập đoàn phát triển quá nóng, mở rộng quy mô vượt quá năng lực tài chính, quản trị, lại đầu tư đa ngành, đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro… Và đã xảy ra tình trạng các tập đoàn kinh tế hoạt động kém hiệu quả, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước... Những vụ việc này khiến phần lớn dư luận xã hội ngả về chiều hướng phê phán DNNN, tập đoàn kinh tế nhà nước, thậm chí coi là tác nhân làm suy yếu nền kinh tế.
“Ảnh hưởng của các tập đoàn kinh tế với nền kinh tế rất sâu rộng. Nếu các tập đoàn hoạt động hiệu quả sẽ có tác động tích cực, sâu sắc đến kinh tế mà hơn thế còn tác động tới niềm tin của xã hội vào đường lối lãnh đạo của Đảng, vào chế độ chính trị nói chung. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một số tập đoàn kinh tế hoạt động chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng…”, PGS-TS Ngô Tuấn Nghĩa - Viện Kinh tế chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết. Báo cáo giám sát DNNN của Quốc hội đã chỉ ra nhiều tập đoàn, có đơn vị thành viên hoạt động thua lỗ, đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, mất vốn,, đầu tư vượt mức vốn điều lệ.
Trước thực trạng về tập đoàn kinh tế nhà nước, ông Nguyễn Văn Thạo - Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng: “Thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước là chủ trương đúng, đến nay đã đạt được một số kết quả nhưng cơ bản là không thành công”.
Phải hoạt động theo cơ chế thị trường
Nguyên nhân của sự bất thành của tập đoàn kinh tế chung quy vẫn là do thể chế. Trong khi chưa có cơ chế, chế tài và công cụ, tiêu chí kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả đã trao mạnh quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tập đoàn kinh tế nhà nước. “DN tư nhân mua mớ rau còn phải tính rất kỹ nhưng DNNN ký hợp đồng hàng tỷ đồng lại rất dễ”, như GS-TS Vũ Văn Hiền - Phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nói.
Là người trong cuộc, ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV cho rằng, những tồn tại, yếu kém đó của tập đoàn nhà nước có nhiều nguyên nhân, do cơ chế, chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, cơ chế kiểm soát còn nhiều bất cập, đồng thời đội ngũ quản lý, bộ máy quản lý chưa ngang tầm. Đồng tình với quan điểm này, PGS.-TS Đinh Công Tuấn - Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nói rằng: “Quản lý không tốt, khung pháp lý không tốt cho nên nó mới sinh ra tham nhũng, nó mới sinh ra sử dụng vốn không đúng mục đích, tạo ra những cái mà công - tư không phân minh và gây ra thất thoát vốn cho nhà nước”.
Trong khi đó, GS. Vũ Văn Hiền cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là quản lý con người, “Tập đoàn nào mà chọn được người đứng đầu có trình độ, có tính Đảng thì tuyệt vời, nhưng điều này vừa qua là hơi hiếm”. Thực tế cho thấy cơ chế điều hành của các tập đoàn kinh tế nhà nước còn nhiều khiếm khuyết, khung pháp luật và thể chế có tính chất đặc thù cho các tập đoàn kinh tế chưa chuẩn bị đủ, chưa phù hợp nên còn nhiều khoảng trống, có nhiều lỗ hổng. Đặc biệt là chưa gắn được trách nhiệm của người đứng đầu DN với kết quả sản xuất, kinh doanh của DN.
Bởi vậy, để xốc lại đội ngũ DNNN, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế để khu vực này phát huy tốt vai trò trụ cột của nền kinh tế, điều đầu tiên và quan trọng nhất là cần hoàn thiện thể chế. Trong đó, cần tăng cường kỷ luật tài chính và kỷ luật ngân sách đối với DNNN giảm ưu tiên, ưu đãi, thiết lập cơ chế ràng buộc “ngân sách cứng” đối với DNNN, trước hết là ràng buộc giữa nhiệm vụ với ngân sách thực hiện, ràng buộc đóng góp cho ngân sách nhà nước... Đặc biệt, phải chuyên nghiệp hóa đội ngũ đứng đầu DNNN. Việc lựa chọn và bổ nhiệm thành viên HĐQT, tổng giám đốc phải thay đổi căn bản theo hướng chọn người đủ tài đức qua việc thi tuyển chọn công khai minh bạch. Không thể theo cách lựa chọn ý chí chính trị hay theo những tiêu thức chứa đầy các yếu tố chủ quan, cảm tính.
Do DNNN có ảnh hưởng nhiều mặt tới các DN khác và toàn bộ nền kinh tế, nên theo TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phải tăng cường giám sát với DNNN, phải đặt DNNN trong sự giám sát và đánh giá của Quốc hội, của chủ sở hữu, của thị trường, của công luận và toàn xã hội. Phải tăng cường công khai và minh bạch hóa hoạt động của DNNN. Nhiều quốc gia đã áp dụng chuẩn mực công bố thông tin của công ty niêm yết và đại chúng đối với DNNN, bắt buộc DNNN phải thực hiện kiểm toán độc lập từ bên ngoài…
Rất nhiều đề xuất kiến nghị được nêu lên. Tựu chung lại là “Phải khẩn trương đặt DNNN vào điều kiện thị trường, buộc cạnh tranh trên thị trường thì DNNN mới phát triển được”, ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh. “Phải để DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường. Những DNNN làm ăn không hiệu quả cũng nên cho phá sản giống như các DN khác”.
Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 3/6/2017, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN đặt mục tiêu đến năm 2030 là “củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế”. |
Tri Nhân