Tăng giá tính thuế trước bạ với ô tô xe máy hạng sang | |
Thị trường ô tô trong nước tháng 4/2017 |
Thuế giảm, xe nhập khẩu ồ ạt
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2017, lượng ô tô nhập khẩu có xuất xứ từ các quốc gia ASEAN là 14.460 chiếc, tăng 67,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, ô tô nhập khẩu từ Thái Lan chiếm 10.050 chiếc, tăng 28,8% và từ Indonesia là 4.4000 chiếc (trong khi cùng kỳ năm trước chỉ là 833 chiếc). Sở dĩ lượng xe nhập khẩu từ ASEAN tăng đột biến là do thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN giảm 10% (từ 40% xuống còn 30% kể từ 1/1/2017).
Các hãng xe ô tô tính đến việc cắt giảm dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước |
Vì vậy, mới đây, tại Báo cáo “Đánh giá ngành sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam và các giải pháp phát triển”, Bộ Công Thương đã chỉ ra nhiều khó khăn mà ngành công nghiệp ô tô phải đối mặt. Cụ thể, khi hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (AFTA) có hiệu lực hoàn toàn vào năm 2018, các sản phẩm ô tô nguyên chiếc (CBU) nhập khẩu từ ASEAN sẽ được nhập khẩu về Việt Nam với giá cả rất cạnh tranh.
Đây là xu hướng không có lợi cho sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Việt Nam sẽ trở thành thị trường để các quốc gia khác có nền công nghiệp ô tô phát triển hơn như Thái Lan, Indonesia khai thác.
Theo Bộ Công Thương, trước khi hiệp định AFTA có hiệu lực hoàn toàn, dung lượng thị trường ô tô nội địa là tương đối nhỏ. Đến năm 2018, cơ hội cho các sản phẩm sản xuất và lắp ráp trong nước lại càng bị thu hẹp với sự chiếm lĩnh của các sản phẩm CBU từ ASEAN, dẫn đến việc quy mô sản xuất bị thu hẹp, không đảm bảo tính hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Các nhà sản xuất sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư có chiều sâu vào mở rộng dây chuyền, công nghệ khi nhu cầu thị trường chưa đủ lớn.
Đặc biệt, Bộ Công Thương lo ngại, công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô trong nước vốn đã kém cạnh tranh sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn khi đầu ra bị thu hẹp. Việc tăng cường nhập khẩu CBU sẽ kéo theo tăng cường nhập khẩu các linh, phụ kiện, phụ tùng với thuế suất 0%. Các nhà cung cấp linh kiện trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn để cạnh tranh với các DN nước ngoài và tỷ lệ nội địa hóa 40% cũng khó đạt được.
Trong khi đó, với dự báo nhu cầu ô tô của nước ta năm 2025 theo phương án trung bình khoảng 800-900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5-1,8 triệu xe, Bộ Công Thương cho rằng nếu không phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước: toàn bộ thị trường xe con là xe nhập khẩu; xe khách và xe tải nhập khẩu 50%. Điều đó có nghĩa 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hoá 50%, kim ngạch nhập khẩu năm 2025 dự kiến khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD.
Như vậy, bối cảnh hội nhập sâu rộng trong thời gian tới, nếu ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước không được phát triển đồng bộ thì Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng nước ngoài. Áp lực nhập siêu của nền kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng, gây mất cân đối cán cân thanh toán và bất ổn kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương cảnh báo.
Giải pháp “cứu nguy”
Trên thực tế, các hãng xe ô tô có mặt ở Việt Nam cũng đã tính đến việc cắt giảm dòng xe sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam, thay vào đó là nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia.
Như đại diện Toyota từng cho biết, sẽ cắt giảm từ 5 dòng xe sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam xuống còn 2-3 dòng xe. Hay công ty Ford cũng vậy, hiện Ford đang bán 6 dòng xe (4/6 dòng xe là sản xuất trong nước). Tuy nhiên, Ford cho biết, trong tương lai có thể thay đổi là sẽ tập trung vào 1-2 dòng xe có sản lượng lớn và có cơ hội xuất sang nước khác.
Theo Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi, theo Bộ Công Thương mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ này mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Trong khi hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65-70%, riêng Thái Lan đạt tới 80%.
Như vậy, nếu các nhà sản xuất ô tô trong nước không sớm có giải pháp hữu hiệu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chắc chắn sẽ khó lòng cạnh tranh với thị trường khu vực khi Việt Nam gia nhập AFTA.
Hiện quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn quá nhỏ (thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ô tô tại ASEAN, bằng 1/3 quy mô thị trường ô tô của Thái Lan và 1/4 của Indonesia). Vì vậy, để gỡ khó sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, Bộ Công Thương vừa kiến nghị một loạt giải pháp để tháo gỡ khó khăn và phát triển sản xuất ô tô trong nước.
Cụ thể, Bộ Công Thương kiến nghị, cần tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước (khuyến khích sử dụng xe ô tô sản xuất trong nước). Có các biện pháp hợp lý bảo đảm sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường ô tô trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại.
Đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước (cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của chủ thể nhập khẩu xe đối với người tiêu dùng, tương tự như đối với xe sản xuất trong nước).
Đồng thời, tập trung hỗ trợ có mục tiêu, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với một số các sản phẩm ô tô chủ lực, có dung lượng thị trường tốt, và có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm của các nước khác trong khu vực thông qua các biện pháp: Điều chỉnh thuế suất nhập khẩu linh kiện và phụ tùng phù hợp theo cam kết đã ký. Áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp đối với xe có tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trong nước cao (không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối phần giá trị tạo ra trong nước).
Ngoài ra, liên quan tới vấn đề thu hút đầu tư FDI, theo Bộ Công Thương, thời gian tới sẽ tập trung thu hút đầu tư các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các tập đoàn và dòng xe chưa có cơ sở sản xuất tại khu vực ASEAN.
Dưới góc độ DN, ông Lê Ngọc Đức - Tổng giám đốc Hyundai Thành Công cho rằng, mặc dù các DN đều đã có tính toán bước đi của mình trong tương lai. Song Nhà nước cũng cần phải có hỗ trợ về chính sách và điều này đặc biệt quan trọng.
Hải Yến