DN Việt dần lấy lại vị thế “sân nhà” | |
Doanh nghiệp ô tô “thấm đòn” hội nhập | |
Công nghiệp ô tô: Khó khăn ai cũng biết, nhưng chưa làm được gì |
Ngay từ cuối năm 2016, hàng loạt dòng xe ô tô đã giảm giá đáng kể. Thế nhưng, cú “sốc” nhất dành cho thị trường là từ quý I/2017, khi hàng loạt các mẫu xe cả dòng sang và bình dân của các hãng tên tuổi như Ford, Honda, Toyota… đều giảm giá mãnh liệt. Lý do là các DN, hãng sản xuất đang nỗ lực “giành” thị phần, khi đối mặt với việc cánh cửa thuế quan, với thuế nhập khẩu về 0%, sẽ được mở tung vào năm 2018 sắp tới.
Từ cuối năm 2016, hàng loạt dòng xe ô tô đã giảm giá đáng kể |
Ông Bùi Kim Kha, Phó tổng giám đốc CTCP ô tô Trường Hải cho biết, tính đến nay, giá xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã giảm rất nhiều so với trước. Có thể nói, giá xe đã chạm tới đáy, không có điều kiện giảm hơn nữa. Còn với xe nhập khẩu, do đã giảm liên tục trong thời gian qua, nay cũng không thể giảm thêm được nữa. Nếu có giảm thì mức giảm không đáng kể và chủ yếu do các đại lý tự đưa ra. Với phát biểu này, có thể hiểu xe Mazda, Kia do Trường Hải bán ra từ nay tới cuối năm sẽ không còn chương trình giảm giá mạnh mẽ nữa.
Cùng quan điểm, ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam nhận định nếu chính sách như hiện hành, giá xe lắp ráp (CKD) đã chạm tới đáy, không còn khả năng giảm thêm nữa. Nếu có thì ưu đãi về giá hay khuyến mại thêm do đại lý tự ý đưa ra, với giá trị không nhiều chứ không phải từ các nhà sản xuất và nhập khẩu.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, thuế nhập khẩu từ khối ASEAN giảm xuống 0% từ 2018 chưa thể trở thành cơ sở chắc chắn để xuất hiện các mẫu xe giá rẻ như mong đợi, vì thực tế thuế nhập khẩu không phải loại thuế phí duy nhất tác động lên giá xe. Do đó, không thể khẳng định rằng các hãng xe cần giảm giá để cạnh tranh, đây chỉ là bước đi mang tính thời điểm. Tính đến thời điểm này, hầu hết các hãng trên thị trường đều đã thực hiện các chương trình giảm giá. Xét tổng thể, nhiều mẫu xe trên thị trường đã giảm giá từ 10-15%. Do đó, một cú “sốc” lớn về giá từ nay cho đến cuối năm dường như là việc khó xảy ra.
Có một thực tế, Bộ Công Thương đã thừa nhận là giá bán ô tô của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực. Mức giá trung bình cao hơn gần 2 lần so với mặt bằng chung ASEAN (Thái Lan và Indonesia). Các số liệu thống kê cũng cho thấy thời gian qua lượng xe bán ra sụt giảm đáng kể. Theo các chuyên gia, yếu tố quan trọng dẫn đến thị trường giảm mạnh đó chính là người tiêu dùng cảm thấy hoang mang trước các đợt giảm giá liên tiếp vừa qua, liệu giá có còn tiếp tục giảm và năm 2018 phải chăng sẽ còn đợt giảm sâu nữa? Tâm lý chờ đợi này đặt các hãng xe vào bài toán khó: Đó là giảm giá nữa để tiêu thụ sản phẩm hay chấp nhận thị trường “đóng băng”.
Quan trọng hơn động thái của các “ông lớn” sẽ ra sao khi mà Trường Hải và Thành Công vẫn đang cần số lượng, TMV đang bị giảm thị phần, cuộc cạnh tranh giữa sản phẩm nhập khẩu và lắp ráp đang diễn ra gay gắt… để thị phần không rơi vào tay đối thủ các doanh nghiệp sản xuất ô tô sẽ tiếp tục buộc phải giảm giá để cạnh tranh với xe nhập khẩu có lợi thế về thuế. Đã đến lúc các nhà sản xuất cần phải bớt đi lợi nhuận để tăng doanh số bán hàng. Và như thế kỳ vọng về những đợt giảm giá mới trong năm 2018 là hoàn toàn có cơ sở.
Dưới góc độ người tiêu dùng, anh Nguyễn Ngọc Thạch (Bắc Ninh) chia sẻ, từ cuối năm 2016 và đến năm 2017, các dòng xe đều có sự giảm giá khá mạnh. Điều đó cho thấy dư địa để giảm giá vẫn còn rất lớn. Năm 2018, Việt Nam thực hiện các cam kết AFTA đưa các dòng thuế nhập khẩu trong khối ASEAN về 0%, điều này sẽ đẩy giá xe nhập khẩu xuống thấp, qua đó tạo áp lực hạ giá thành lên các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Sự giảm giá “chóng mặt” là điều khó có thể xảy ra ngay đối với thị trường xe trong nước khi mà các ông lớn đã có “thỏa thuận”. Song, thị trường sẽ như con ngựa kìm cương thôi, sẽ đến thời điểm nó phải giảm và thời điểm ấy tôi nghĩ cũng không còn xa nữa…
Ba Quy