Điều khiển nhà bằng giọng nói | |
Nhiều căn hộ đã lắp đặt giải pháp nhà thông minh của Lumi |
Nhiều tiện ích
Xu hướng công nghệ 4.0, cùng với sự bùng nổ của mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT) và công nghệ nhận dạng giọng nói đang là xu hướng tất yếu trong tương lai. Giải pháp nhà thông minh là trong những ứng dụng của IoT với các tính năng đặc biệt như nhận diện giọng nói hứa hẹn là sự lựa chọn lý tưởng cho những gia đình có người già và trẻ nhỏ bởi tính an toàn, thân thiện và dễ sử dụng.
Chủ nhân ngôi nhà dễ dàng thực hiện mọi thao tác kiểm soát, điều khiển các thiết bị trên máy tính |
Với giải pháp nhà thông minh, thay vì phải dùng tay để điều khiển những chức năng chính trong ngôi nhà như: bật/tắt đèn chiếu sáng, hệ thống điều hòa, bình tắm nóng lạnh... thì chỉ cần thông qua một chiếc smartphone (điện thoại thông minh) hay tablet (chiếc máy tính bảng), chủ nhà hoàn toàn có thể xử lý được những thao tác trên. Có thể nói, chỉ cần vài cái vuốt tay trên màn hình, chủ nhà có thể điều khiển được toàn bộ các chức năng trong ngôi nhà theo ý muốn.
Dù mới manh nha xuất hiện tại Việt Nam vài năm trở lại đây nhưng các giải pháp nhà thông minh đã thu hút được sự quan tâm, tìm hiểu khá lớn từ phía người tiêu dùng. Vốn là một tín đồ đam mê công nghệ, anh Đỗ Văn Sơn (35 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) vừa đặt mua một căn hộ chung cư cao cấp tại quận 2 và dự kiến sẽ lắp đặt hệ thống nhà thông minh tại nơi ở mới của mình. Anh Sơn tâm sự, qua lời giới thiệu của một người bạn tại Đức đã sử dụng công nghệ này, anh hoàn toàn bị thuyết phục bởi những tiện ích mà giải pháp nhà thông minh mang lại.
Cũng quan tâm đến giải pháp nhà thông minh, chị Tô Vân (42 tuổi, Hà Nội) cho hay, trong một lần đến khu chung cư Royal City, chị đã tình cờ biết đến công nghệ này sau khi vào thăm showroom của Bkav SmartHome tại đây. Sau khi sửa sang lại căn nhà đang ở, chị đã quyết định sẽ thử lắp đặt công nghệ nhà thông minh để có thể trải nghiệm được những tiện ích vượt trội từ công nghệ này.
“Dù biết số tiền đầu tư bỏ ra khá cao nhưng tôi nghĩ những tiện ích mà nhà thông minh mang lại hoàn toàn xứng đáng. Giờ đây, nếu đang ở xa mà nhỡ may quên không tắt các thiết bị điện trong nhà, tôi có thể sử dụng điện thoại của mình để điều khiển từ xa, rất tiện lợi”, chị Vân chia sẻ.
Theo ông Vũ Thanh Thắng - Phó Chủ tịch phụ trách phần cứng Tập đoàn Công nghệ Bkav, nếu như trước đây khi nhắc đến nhà thông minh, người dùng thường nghĩ đến những công nghệ xa xỉ, dành riêng cho giới nhà giàu. Nhưng hiện nay, với sự phát triển của công nghệ phần cứng thì giá của hệ thống nhà thông minh chỉ còn trong khoảng vài trăm triệu.
Đây là mức giá có thể chấp nhận được với những người có mức thu nhập trung bình khá trong xã hội. Thông thường, giá thành lắp đặt của công nghệ nhà thông minh sẽ chiếm khoảng 10 – 20% giá trị công trình. Ví dụ, nếu một chung cư có giá trị khoảng 2 tỷ đồng thì chi phí để lắp đặt hệ thống nhà thông minh khoảng 200 triệu đồng.
Hiện công nghệ này đang bắt đầu được sử dụng phổ biến tại các căn hộ chung cư thuộc phân khúc trung – cao cấp, nhà liền kề, biệt thự, tối ưu hóa tùy theo nhu cầu của các “thượng đế”.
Cuộc đua khốc liệt
Trên thế giới, thị trường nhà thông minh đã trở thành một thị trường tiềm năng, thu hút rất nhiều “ông lớn” về công nghệ. Đơn cử như thương vụ Google đã mua lại Nest - hãng sản xuất bộ điều khiển nhiệt độ thông minh và thiết bị báo khói để phát triển các giải pháp về nhà thông minh, Samsung ra mắt hệ thống nhà thông minh khép kín trong các thiết bị của hãng, Apple giới thiệu nền tảng phát triển ứng dụng nhà thông minh HomeKit…
Theo dự báo từ các chuyên gia trong ngành công nghệ, trong 3 năm tới, thị trường nhà thông minh thế giới sẽ vượt mốc 20 tỷ USD và Việt Nam cũng được đánh giá là thị trường rất tiềm năng để phát triển thị trường này. Trên thực tế, tại nhiều thành phố lớn, đang có một cuộc đua khá quyết liệt giữa các doanh nghiệp cung cấp các giải pháp nhà thông minh, từ thương hiệu nội cho đến thương hiệu ngoại.
Một số thương hiệu ngoại đã có mặt tại thị trường Việt Nam hiện nay như Schneider (Pháp), Bticino (Italy), WattStopper (Mỹ), Hager (Pháp), Crestron (Mỹ)... Điểm vượt trội của các thương hiệu ngoại thường là thiết kế trang nhã, tính năng hiện đại, công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, với giá thành còn khá cao so với mặt bằng chung, thấp nhất là 25.000 USD (khoảng hơn 500 triệu đồng), các thương hiệu này vẫn chưa thực sự phổ biến với người tiêu dùng vì không phải ai cũng sẵn sàng “mở hầu bao” chi một số tiền lớn như vậy cho công nghệ nhà thông minh.
Nổi bật trong những thương hiệu “Made in Vietnam” đi tiên phong về giải pháp nhà thông minh tại thị trường Việt Nam hiện nay phải kể đến Công ty Cổ phần Lumi Việt Nam. Với ba thành viên sáng lập là cựu thành viên của Robocon Đại học Bách Khoa Hà Nội, sau 3 năm hoạt động, Lumi Việt Nam đã giới thiệu nhiều giải pháp nhà thông minh hữu ích với giá thành vừa túi tiền người Việt.
Vừa qua, Lumi Việt Nam đã chính thức cho ra mắt giải pháp nhà thông minh điều khiển bằng giọng nói đầu tiên tại Việt Nam, cho phép chủ nhân các ngôi nhà thông qua giọng nói có thể bật tắt hệ thống chiếu sáng, đóng mở rèm, điều chỉnh chiết áp, thay đổi màu sắc đèn led…
Thông qua thiết bị điều khiển là Amazon Alexa, chỉ cần người ra lệnh bằng giọng nói, sever của Amazon sẽ xử lý và gửi mã lệnh đến sever của Lumi, khiến mọi thiết bị “vâng lời” theo ý muốn.
“Nhà thông minh điều khiển bằng giọng nói của Lumi hiện đang được bảo mật theo chuẩn quốc tế SSO Oauth 2.0. Với giải pháp này, chúng tôi sẵn sàng tiến sâu hơn nữa vào thị trường nhà thông minh trên thế giới”, ông Nguyễn Đức Tài, Tổng Giám đốc Lumi Việt Nam cho biết.
Đại diện của Lumi Việt Nam cũng tiết lộ, hiện công ty đã xuất khẩu sang một số nước như: Ấn Độ, Australia, Brazil, Hàn Quốc và nhận được phản hồi khá tốt.
Khác với Lumi Việt Nam, chiến lược của Bkav lại chủ yếu tập trung vào phân khúc cao cấp, cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm smarthome đến từ nước ngoài với chi phí tương đương. Đại diện tập đoàn này chia sẻ, nhận thấy những tiềm năng rất lớn từ xu hướng IoT, từ năm 2004, Bkav đã tập trung phát triển các thiết bị và phần mềm cho nhà thông minh và đến nay công nghệ này đã khá hoàn chỉnh, sẵn sàng phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dùng.
Ngoài hai “đại gia” đầu ngành về giải pháp nhà thông minh là Lumi Việt Nam và Bkav, thị trường nhà thông minh tại Việt Nam cũng đang khá sôi động với sự góp mặt của các startup công nghệ như ACIS, Homatic, Nhà Xinh…
Bài và ảnh Minh Châu