Ô tô Việt đặt cược vào “chìa khoá” liên kết

09:45 | 23/10/2017

Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp ô tô, nhờ vào lực kéo của thị trường, lực đẩy của công nghệ và lực nâng của chính sách. Nhưng giữa các DN, cơ quan nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách lại chưa tìm được tiếng nói chung về giải pháp để biến cơ hội này thành hiện thực.

Áp dụng bảng phí trước bạ theo quy định mới từ ngày 12/10
[InfoGraphic] Thị trường ô tô trong nước tháng 9/2017

Chưa thống nhất về thuế

Trong nỗ lực bảo hộ ngành sản xuất ô tô trong nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề xuất điều chỉnh thuế suất nhập khẩu linh kiện ô tô về 0%. Theo đó, đề xuất này nhằm giúp các DN giảm chi phí sản xuất, giảm giá xe, tăng lợi thế cạnh tranh với xe nhập khẩu khi thời điểm thuế nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN về 0% vào năm 2018 đang tới gần.

o to viet dat cuoc vao chia khoa lien ket
Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp ô tô

Điều kiện được hưởng thuế suất 0% là linh kiện không sản xuất được ở Việt Nam, đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ tăng trưởng và sản lượng tối thiểu là từ 34.000 xe/năm. Với những điều kiện này chỉ có 3 DN ô tô của Việt Nam đáp ứng được.

Không đồng tình với điều này, ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng chính sách thuế phải ổn định và đồng bộ nhằm giúp thị trường tăng trưởng bền vững, Theo ông, cần giảm ngay hoặc bãi bỏ thuế nhập khẩu linh kiện về 0% và không gắn với điều kiện về sản lượng, nội địa hoá.

Nếu tiếp tục duy trì chính sách thuế nhập khẩu linh kiện như hiện nay trong khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN bằng 0, thì sẽ trở thành chính sách thuế hỗ trợ nhập khẩu. DN ô tô trong nước lại chú trọng đề xuất khuyến khích DN nâng cao tỷ lệ nội địa hoá bằng cách giảm thuế TNDN theo tỷ lệ nội địa hoá; thuế tiêu thụ đặc biệt tính trên giá trị xe trừ đi giá trị nội địa hoá dùng trên loại xe đó.

Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó tổng giám đốc VEAM cho rằng, ngoài giải pháp nêu trên, cần giảm thuế TNDN cho các DN tham gia sản xuất công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ô tô, giảm thuế nhập khẩu linh kiện, vật tư dùng để sản xuất, lắp ráp các chi tiết, cụm chi tiết phụ tùng ô tô.

Xuất khẩu để khẳng định chất lượng

Đã hơn 20 năm kể từ khi Việt Nam đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô như một ngành kinh tế mũi nhọn, đến nay Việt Nam vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô mà thực chất, mới chỉ ở mức độ lắp ráp đơn giản. Giá bán xe vẫn ở mức cao so với khu vực, tỷ lệ nội địa hoá xe con đạt bình quân 7-10%, tỷ lệ sở hữu ô tô chỉ đạt 23 xe/1.000 dân.

Bộ Công Thương cho biết năm 2016, sản lượng của ngành công nghiệp ô tô đạt hơn 2.000 xe/năm, tăng 38% so với năm 2015 và tăng 109% so với năm 2014. Tổng năng lực lắp ráp của các DN trong nước đạt khoảng 460.000 xe/năm, kém xa so với mức 2 triệu xe tại Thái Lan và 1 triệu xe của Indonesia.

Xe sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam vẫn có giá thành cao hơn khoảng 20% so với xe nhập khẩu từ khu vực. Các DN cho rằng chỉ có một cách để cắt giảm chi phí là tăng tỷ lệ nội địa hoá. Một chiếc ô tô có khoảng 30.000 linh kiện, trong đó 70% phải nhập khẩu, riêng chi phí đóng gói, vận chuyển đã rất cao.

Kinh nghiệm phát triển ô tô các nước ASEAN cho thấy phải kiên trì thúc đẩy phát triển thị trường và gia tăng sản lượng các dòng xe, tăng cường nội địa hoá giúp tiết giảm chi phí sản xuất. Việt Nam chưa có những hướng dẫn cụ thể cho giải pháp này.

“Muốn có ô tô là ý chí quốc gia chứ không phải là ý chí của riêng DN. Chúng ta phải biết xây dựng và bảo vệ thị trường vì thị trường là tiền, là túi tiền quốc gia”, ông Đào Phan Long, Phó chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) nói. Ông cho rằng, giấc mơ ô tô Việt 20 năm vẫn chưa thành có nguyên nhân khách quan là GDP thấp, đường sá chưa ổn.

Trông đợi vào nhân tố mới

Đáng lưu ý là tại thời điểm này, các DN ô tô lớn của Việt Nam khẳng định sẵn sàng hỗ trợ các DN CNHT trong nước chuyển sang sản xuất với sản lượng lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp cho các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô.

Xác định thành công của nhà sản xuất xe hơi không chỉ dừng lại ở năng lực nội tại, mà ở mạng lưới công nghiệp phụ trợ hoàn hảo nên Vinfast đã phối hợp với các đối tác để giảm chi phí. Vinfast dành 30% diện tích của KCN Đình Vũ (Hải Phòng) cho các DN CNHT và đã ký kết với VAMA, Toyota, gặp gỡ lãnh đạo các hãng ô tô nước ngoài ở Việt Nam để kêu gọi hợp tác đầu tư theo chuỗi.

Kế hoạch của Vinfast là quý III/2018 sẽ có 100.000 xe đầu tiên đưa ra thị trường, đến năm 2020 sẽ đưa ra 500.000 chiếc. “Với công suất dự kiến của tổ hợp Vinfast là 100.000 xe trong năm đầu tiên, chúng tôi mong muốn có được số lượng bộ phận, linh kiện được cung cấp bởi các nhà cung cấp nội địa. Hy vọng các công ty ô tô khác đang sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam cùng hợp tác với chúng tôi để có được một nền tảng tốt hơn và vững chãi dựa trên số lượng đơn hàng lớn”, ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Vinfast cho biết.

Vinfast cũng kêu gọi nhiều nhà đầu tư mới vào Việt Nam cùng tham gia chuỗi cung ứng của Việt Nam để đạt tỷ lệ nội địa hoá 40-60%, đạt tiêu chí chất lượng, tiếp theo mới là giá cả.

Một DN khác-Thaco cũng cho biết sẽ hỗ trợ các DNNVV trong nước đang sản xuất với quy mô nhỏ phục vụ thị trường sau bán hàng, chuyển sang sản xuất với sản lượng lớn, cung cấp cho các nhà máy lắp ráp ô tô. Như vậy, việc liên kết chặt chẽ, phân công sản xuất, tận dụng các nguồn lực của DN Việt sẽ giúp DN ô tô tăng sản lượng đủ lớn, từ đó nâng cao tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm, góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành ô tô made in Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó vụ trưởng Vụ chính sách Thuế, Bộ Tài chính:

Ưu đãi thuế phải có điều kiện Chúng tôi đã rất vất vả để đưa ra giải pháp về thuế với mục tiêu hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô nhưng VAMA vẫn không ủng hộ. Giảm thuế mà không gắn với yêu cầu về sản lượng và tỷ lệ nội địa hoá thì khó duy trì được ngành công nghiệp ô tô.

Mục tiêu của chúng tôi là phải giảm thuế có điều kiện. Năm 2004, Chính phủ đã chuyển cách tính thuế nhập khẩu CKD theo linh kiện rời thì thay vì nhập nguyên chiếc, một số DN FDI lại tháo rời ra để hưởng thuế thấp cho linh kiện.

Từ đó đến nay tại sao nội địa hoá vẫn thấp như thế. Vậy DN có thực sự muốn nâng cao nội địa hoá không? Chúng tôi rất trăn trở vì biết rằng nội địa hoá phải gắn với cam kết gia nhập WTO nhưng đã mạnh dạn đưa ra kiến nghị nhưng vẫn bị phản đối. Nếu giảm hết thuế nhập khẩu linh kiện làm sao phát triển công nghiệp phụ trợ được.

Ông Phan Đăng Tuất, Phó chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam:

Tôi thỉnh cầu đừng làm chính sách thuế như vậy! Quy định số lượng là rất khổ cho DN. Không bao giờ ở lần đặt hàng đầu tiên, đối tác đã đặt 10 vạn chiếc như họ cần mà còn “mồi” chán. Họ chỉ đặt 100 hoặc 1.000 cái để xem có đáp ứng được không, quá trình thử nghiệm này không dưới 2 năm, sau đó mới đặt hàng chính thức.

Tôi thỉnh cầu đừng để xuất mức thuế gắn với tỷ lệ và số lượng. Muốn làm chính sách hãy đến DN tìm hiểu thực tiễn. Muốn có “nền công nghiệp ô tô” mà coi DN là đối tượng quản lý thì không được.

Lan Linh

Tin đọc nhiều