>> Bài 1: Cần tư duy đi tắt đón đầu
Ảnh minh họa |
Cần một cơ chế cho phát triển xe ô tô chạy điện ở Việt Nam:
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó trưởng phòng Toyota Việt Nam, nguyên thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nhận định: Muốn phát triển ngành ô tô chạy điện ở Việt Nam chắc chắn Nhà nước cần đưa ra các chính sách ưu đãi như thuế, phí, đầu tư cơ sở hạ tầng… Khi đó, Toyota Việt Nam và nhiều liên doanh, DN ô tô khác mới hoàn toàn có thể đầu tư vào ngành này.
Hiện chi phí để đầu tư vào công nghệ, dây chuyền sản xuất ô tô chạy điện không cao hơn so với chi phí đầu tư vào nhà máy sản xuất ô tô chạy xăng, song chỉ một DN đứng ra sản xuất xe chạy điện là không thể, bởi họ không bao giờ đủ khả năng để đầu tư xây dựng các trạm nạp điện trên toàn quốc như hệ thống các trạm xăng dầu.
Ông Nguyễn Hải Sơn - Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Tập đoàn Thành Công, nhà nhập khẩu chính hãng xe Huyndai cho rằng, ngành công nghiệp ô tô phụ thuộc phần lớn vào chính sách của Nhà nước. Giá thành sản xuất một chiếc ô tô chạy điện hiện cũng đắt hơn tương đối so với sản xuất một chiếc ô tô chạy xăng cùng chủng loại. "Do chi phí đầu tư vào ắc quy/pin cao nên sẽ kéo giá bán xe điện cao hơn xe chạy xăng nếu Nhà nước không có ưu đãi cho xe điện", ông Sơn nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, hiện xe ô tô điện được quản lý như các loại phương tiện tham gia giao thông nên cần phải có đăng ký, đăng kiểm. Nhưng có một thực tế là một số lượng lớn ô tô điện nhập về vướng nguồn gốc hồ sơ giấy tờ, thuế.
Với tình hình này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng: Giữa DN và cơ quan Nhà nước đang có một khoảng cách và vô tình trở thành đối phó với nhau, hành lang pháp lý chưa đồng bộ. Thời gian tới cần báo cáo Chính phủ để tạo được cơ chế thuận lợi cho việc phát triển xe ô tô chạy điện.
Ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT - cho hay, xe chạy bằng năng lượng điện đang rất được người dân quan tâm, loại phương tiện này giảm ô nhiễm môi trường và tránh ùn tắc giao thông, xây dựng được hình ảnh du lịch văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, do chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ nên việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp biển số, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, áp biểu tính các loại thuế, phí cầu đường, biểu tính thu tiền quỹ bảo trì đường bộ… đều gặp khó khăn cho cả cơ quan quản lý Nhà nước cũng như DN.
Về vấn đề đăng ký quản lý xe ô tô chạy điện, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an - nêu quan điểm, Bộ Công an mong muốn thực hiện đăng ký quản lý thống nhất toàn quốc, phương tiện đầy đủ giấy tờ thì cho đăng ký.
Số lượng ô tô điện hiện nay đã đăng ký là 1.269 xe ở các địa phương có đầy đủ giấy tờ nhập khẩu, chứng nhận môi trường với biển số HC (hạn chế). Các vi phạm về Luật giao thông đều bị xử phạt như người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.
Phát triển ô tô điện cho thị trường Việt Nam
Rõ ràng ở Việt Nam việc phát triển xe ô tô chở khách chạy điện là một thị trường đầy tiểm năng. Một số địa phương đã sử dụng loại phượng tiện sạch này để đưa đón khách.
Trong báo cáo tổng kết sau 5 năm thực hiện sử dụng xe ô tô chạy điện để đưa đón khách tham quan, du lịch của công ty Cổ phần Đồng Xuân, Hà Nội đã nêu: Với thiết kế nhỏ gọn, chạy bằng năng lượng sạch, xe điện chở khách được đông đảo nhân dân Thủ đô và du khách hoan nghênh đón nhận. Đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của du khách, từng bước thay thế các loại phương tiện thô sơ năng lực vận tải thấp, tốc độ di chuyển chậm, cồng kềnh dễ gây tắc, nghẽn giao thông.
Xe điện đã tạo được hình ảnh đẹp, mới lạ, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu về lịch sử văn hóa, kiến trúc đặc sắc của khu phố cổ và một phần cuộc sống thường nhật của người dân quận Hoàn Kiếm.
Về mặt kinh tế, theo thực tế đã hoạt động, cùng một cung đường, chi phí vận chuyển của xe điện được tiết giảm gần 50% so với phương tiện xích lô, đã giúp các công ty du lịch lữ hành có thể điều chỉnh giảm giá các tour du lịch, góp phần kích thích nhu cầu du lịch trong khu vực phố cổ của du khách.
Trong thời gian gần đây, Trung tâm Phát triển EV đã hoàn thành việc cải tạo xe ô tô thường thành xe ô tô điện trọng tải nhẹ (chở khách) cũng như cải tạo xe tải nhẹ chở hàng. Ngoài ra, trung tâm EV đã triển khai chế tạo xe tải kéo chạy bằng điện. Dự kiến, dòng xe này sẽ được thương mại hóa vào năm 2017.
Ông Nguyễn Việt Phương, Tổng giám đốc Công ty Ô tô Việt Phương (Vũng Tàu) cho biết, nhu cầu xe ô tô thân thiện môi trường tại Việt Nam chắc chắn sẽ tăng, do đó Công ty Việt Phương rất quan tâm và mong muốn được làm đại lý tiêu thụ và sản xuất các dòng xe ô tô sử dụng động cơ chạy bằng điện.
Ông Nguyễn Công Lâm, giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Tùng Lâm, cho biết, trong điều kiện hiện nay, việc đưa xe ô tô điện thành phương tiện vận tải công cộng cũng như sử dụng trong các nhà máy, xí nghiệp rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành, từ những việc nhỏ như làn đường dành riêng cho xe điện cho đến việc lớn là chính sách ưu tiên.
Công ty Tùng Lâm hiện là đơn vị tiên phong nghiên cứu sản xuất và lắp ráp xe điện chất lượng cao với thương hiệu xe điện Vietnam VNElectric Car với quy mô nhà xưởng diện tích lớn, hiện đại, song các sản phẩm của công ty hiện mới đáp ứng một phân khúc nhỏ của thị trường, bao gồm xe điện sân Golf, xe điện bệnh viện, khu nghỉ mát, xe điện chở khách khu du lịch...
Ông Lâm cũng thể hiện sự tin tưởng vào tiềm năng phát triển của ô tô điện trong thời gian tới nếu các đơn vị trong và ngoài nước có những sự gắn kết, hợp tác cùng phát triển.
Sự lựa chọn ô tô chạy điện cho thị trường Việt Nam không chỉ vì động cơ thân thiện mới một trường, ủng hộ cam kết của Chính phủ về cắt giảm khí thải mà điều quan trong nhất là mức giá phải rẻ phù hợp với trình độ công nghệ và đầu tư của các DN sản xuất và kinh doanh ô tô điện.
Hoài Phi