Phát hiện nhiều phụ kiện giả mạo của Apple nhập lậu về Việt Nam

15:00 | 09/01/2018

Dân trí Năm 2017, Tổng cục Hải quan đã xử lý 32 vụ việc liên quan đến vi phạm sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hoá tại biên giới, trị giá hàng hoá vi phạm khoảng 26 tỷ đồng. Cục cũng phát hiện nhiều phụ kiện giả mạo các thương hiệu lớn là Apple và Samsung.

Apple cập nhật iOS 11.2.2 và macOS 10.13.2 để tiếp tục vá lỗ hổng Spectre
Người dùng Việt không hài lòng cách Apple hỗ trợ thay pin
Các bước yêu cầu Apple kiểm tra pin từ xa, không cần đến trung tâm bảo hành

Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2017, các đối tượng buôn lậu sử dụng phương thức mới đối với hàng hóa quá cảnh tại Việt Nam áp dụng theo thông lệ quốc tế. Theo đó, các đối tượng lợi dụng chính sách này để vận chuyển hàng hoá giả mạo sở hữu trí tuệ (SHTT) từ nước láng giềng về Việt Nam. Sau đó đưa sang một số nước láng giềng khác tiêu thụ.

Phương thức, thủ đoạn chủ yếu được các đối tượng sử dụng là khi khai báo hải quan thường không khai báo nhãn hiệu hàng hoá, khai sai xuất xứ, chủng loại, số lượng để trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan Hải quan. Khi đóng gói hàng hoá để vận chuyển về Việt Nam, các đối tượng thường trộn lẫn hàng thật với hàng giả với nhau để đóng chung cùng một container; hoặc vận chuyển nhiều chủng loại hàng hóa mang các nhãn hiệu khác nhau.

phat hien nhieu phu kien gia mao cua apple nhap lau ve viet nam
Cáp sạc rởm ngày càng tinh vi, khó phân biệt hơn so với cáp sạc zin

Qua kiểm tra thực tế, phát hiện nhiều mặt hàng giả mạo SHTT và trong số đó, đáng chú ý là 13.562 phụ kiện điện thoại giả mạo nhãn hiệu Apple, 328 phụ kiện điện thoại giả mạo nhãn hiệu Samsung và nhiều mặt hàng khác như đồng hồ, quần áo...

Có thể thấy, việc phát hiện và bắt giữ những lô hàng trên sẽ giúp đẩy lùi những nguy hiểm mà người dùng có thể gặp phải khi sử dụng các phụ kiện nhái, giả mạo kiểu dáng công nghiệp. Trong năm 2016, lo ngại nguy hiểm đến tính mạng con người, Apple đã nộp đơn kiện công ty Mobile Star LLC và 50 công ty khác vi phạm nghiêm trọng đến việc làm giả, làm nhái các phụ kiện của hãng, bao gồm các adapter, cáp kết nối và nhiều phụ kiện khác.

Appel cho biết, họ luôn nỗ lực để chống lại việc phân phối và bán các sản phẩm giả mang nhãn hiệu của Apple. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của Apple, sản phẩm giả mạo Apple tiếp tục tràn ngập Amazon.

Chính điều này sẽ mang đến các mối đe dọa cho người tiêu dùng, Apple nói rằng: "Những sản phẩm giả mạo này có nguy cơ gây quá nhiệt, bắt lửa và thậm chí giật chết người".

Do đó, người tiêu dùng cần lưu ý, tránh mua các phụ kiện rởm, kém chất lượng. Hãy lựa chọn các sản phẩm chính hãng để đảm bảo chất lượng và an toàn khi sử dụng.

Dân trí

Tin đọc nhiều